Emagazine

E-magazine Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

Chúng tôi và ông Phạm Thanh Chung (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), cựu Đại đội trưởng Đại đội 9, 10, 11 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307) trên 2 chuyến xe xuất phát từ Gia Lai nhưng có cùng đích đến là xuôi về Bình Định. Ông đi vì sự thôi thúc phải hoàn thành công việc chuẩn bị cho lễ cầu siêu sắp tới-nghĩa cử với đồng đội đã ngã xuống mà ông đau đáu suốt hơn 40 năm qua. Còn chúng tôi đi tìm câu trả lời vì sao, điều gì khiến nghĩa tình người lính thiêng liêng, cao cả đến như vậy, có thể vượt lên hết mọi thứ lớn lao khác, kể cả sinh mạng của chính bản thân mình.


Có một căn phòng ở lầu 3 của gia đình ông Đặng Nguyên Nhân trên đường Trần An Tư (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) luôn thơm mùi hương trầm. Đó là nơi thờ liệt sĩ Võ Cao Phong (huyện An Lão)-người đồng đội, bạn thân của ông Nhân thời còn chiến đấu ở chiến trường K.



Đặt gói trà mới cạnh bình hoa cúc vàng, đốt nén hương thơm trên bàn thờ liệt sĩ Võ Cao Phong, ông Nhân bùi ngùi hồi tưởng: “Tháng 1-1982, Trung đoàn 95 tổ chức một bộ phận gồm công binh, trinh sát, vệ binh… đi khảo sát địa hình tại phía Bắc cao điểm 428 (tỉnh Preah Vihear, Vương quốc Campuchia). Tôi được Trung đội phân công đi nhưng Phong xung phong đi thay vì sau đợt công tác này, anh sẽ về bộ phận khác. Không ngờ, chuyến đi đó anh vướng mìn của Pol Pot, mất 1 chân và bị 1 mảnh bom xuyên qua tim. Đồng đội cắt rừng đưa anh về hậu cứ K3 đóng quân dưới chân đền Preah Vihear để từ đó chuyển về Trung đoàn bộ cứu chữa. Anh nửa tỉnh nửa mê, nhưng lúc tỉnh táo nhất anh nói với y tá Tốt-người đi cùng đoàn: “Tốt ơi, hãy để dành thuốc cứu chữa cho các đồng đội khác, mình không qua khỏi đâu. Về nói với đồng hương Nhân đừng báo tin cho gia đình mình biết khi mình hy sinh. Hãy nói rằng giữa chiến trường mình vẫn mạnh khỏe chiến đấu và công tác cùng các đồng đội”. Và rồi, anh trút hơi thở cuối cùng tại hậu cứ K3 vào ngày 9-1-1982”.

Khẽ gạt những giọt nước mắt khi nhắc về người đồng hương thân thiết, ông Nhân chia sẻ, suốt 40 năm qua, chưa năm nào ông quên ngày giỗ bạn, kể cả lúc cơ hàn nhất chỉ có thể mua được 1 gói bánh và thắp nén hương thơm.




Tướng ông Nhân khá cao to, gương mặt hiền hậu. Thật lạ lùng, không biết từ khi nào mà dưới 2 khóe mắt ông mọc lên 2 cái nốt ruồi to đúng bằng giọt lệ, nên ngay cả khi cười, nhìn ông vẫn thật buồn. Ông đùa rằng đó là giọt lệ khóc bạn, là nỗi nhớ thương khôn nguôi những đồng đội đã nằm xuống. Trái ngược với ông, bà Trương Thị Lộc-vợ ông là người hoạt bát, vui vẻ, lây luôn cái vui cho người đối diện.




Chiến tranh có những câu chuyện kỳ lạ mà chính người trong cuộc cũng khó lý giải. Sau 38 năm, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 vẫn đau đáu đi tìm ân nhân cứu mạng ông giữa chiến trường K một ngày mùa khô năm 1985.



Theo hồi tưởng của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy: “Ngày 17-11-1985, đoàn cán bộ gồm 7 người trong đó tôi đi trên chiếc Zin-130 từ Sraeem về Stung Treng thì bất ngờ bị tấn công. Tôi bị thương từ quả B-40 đầu tiên. Các anh em khác nằm sóng soài bất động trên thùng xe, có anh lính chốt đường trẻ măng vừa rời xa quê mẹ sang bầu trời xứ lạ đã hy sinh khi chiếc võng anh nằm bị đánh đứt làm đôi. Tôi bị thương một bên mông, chạy như chú trâu què hô đồng đội rút chạy vào rừng, rồi ngất lịm giữa đám gai ô rô-loại gai rừng đáng sợ nhất trên vùng cao nguyên Đông Bắc Campuchia”.



Cả người được cứu sống lẫn người cứu đồng đội mình đều không ai biết tên họ, chức vụ của nhau. Những đợt hành quân liên miên cuốn theo bao tâm tư, nghĩ suy của người lính. Suốt bao năm rời xa chiến trường khốc liệt ấy, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy vẫn luôn tìm kiếm người đồng đội, ân nhân chưa từng biết mặt, rõ tên để nói một lời cảm ơn từ tận đáy lòng.

Những người lính tình nguyện Việt Nam luôn mang theo trong tim lời thề thứ bảy của Quân đội, đó là: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí”. Chính lời thề đó đã động viên họ ra trận, vượt qua bom đạn khốc liệt để trọn vẹn thứ tình cảm thiêng liêng nhất, đó là tình đồng đội.



Trong chuyến xuôi về Bình Định này, chúng tôi may mắn gặp ông Phạm Đình Đoàn-một cựu chiến binh từ thời chống Mỹ. Ở chiến trường K, ông công tác tại trạm phẫu Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 nên lính tráng hay gọi là “y sĩ Đoàn”. Ông hiện sống trong khu phố yên tĩnh ở phố biển Quy Nhơn. Kinh qua 2 cuộc chiến, người cựu binh già nếm đủ sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng ông cho hay, tại chiến trường K, sự khốc liệt còn đến từ bên trong nội tâm khi hàng ngày, hàng giờ ông phải chứng kiến đồng đội bị thương nhưng thiếu thốn vật tư cứu chữa. Ông kể: “Có một người lính dính mìn của Pol Pot mất cả 2 chân buộc phải cắt. Nhưng mấy ngày liền gây mê cho anh đều thất bại. Không thể để lâu hơn vì sợ chân bị hoại tử và cũng đã hết thuốc để gây mê thêm lần nữa, trong tình thế bắt buộc, tôi phải cưa chân anh bằng dụng cụ thô sơ nhất là cái cưa gỗ. Đau đớn là vậy nhưng anh cắn răng chịu đựng, không hề kêu than. Sau này, tôi mới biết anh tên là Nguyễn Quang Châu, hiện sống tại Quảng Nam”.



Thiếu thuốc men, vật tư cứu chữa cho thương binh là nỗi lo thường trực đối với trạm phẫu Trung đoàn. Y sĩ Đoàn kể, có lần, cơ số thuốc được cấp dùng cho 1 tháng nhưng chưa tới 10 ngày đã hết vì quá nhiều người bị thương.


Sự giúp đỡ vô tư của bộ đội Việt Nam cũng gây được thiện cảm với người dân. Song, người lính không vì thế mà được “vượt rào”, luôn phải chấp hành nghiêm 9 điều quy định, trong đó không được lấy bất cứ thứ gì của dân dù là cây kim, sợi chỉ. Y sĩ Đoàn nhớ lại: “Lần đó, Chính ủy Trung đoàn Trương Lạch bị kiết lị khá nặng, nằm điều trị tại trạm phẫu 5 ngày mà không bớt. Chứng kiết lị không thể dùng thuốc Tây mà bớt, chỉ thêm nóng người. Tôi nói với cậu liên lạc là tìm hái một ít rau sam, rau dền mọc dại xung quanh vườn của người dân trong phum về nấu cho thủ trưởng bát canh ăn cho mát. Không ngờ, lần ấy, Trung đoàn trưởng xuống kiểm tra, thấy trên bếp dã chiến là cái ăng-gô rau, ông đã quát ầm lên. Lính tráng luôn chấp hành nghiêm quy định nên dù chế độ ăn thiếu thốn, thiếu chất, nhiều người bị bệnh đường ruột nhưng tuyệt nhiên không dám lấy thứ gì của dân. Thấy trái me sà xuống tận đường đi, tứa nước miếng đó mà cũng đành làm ngơ”.

Chiến tranh đau thương và khốc liệt, nhưng súng đạn đôi khi cũng phải nhường chỗ cho lòng nhân, dù là với những người bên kia chiến tuyến. Ông Phạm Thanh Chung trầm ngâm hồi nhớ: Có thời điểm, ta bắt giữ rất nhiều tù binh, hàng binh, nhiều đến mức không đủ dây trói. Ví dụ, sau trận đánh ngày 7-1-1984, ta bắt giữ hơn 130 tên. Dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn lương thực nhưng người lính tình nguyện Việt Nam đều san sẻ mì tôm, gạo sấy cho những đối tượng mà trước khi buông súng còn là kẻ thù.


Ông Phạm Thanh Chung kể về lòng nhân đạo của quân tình nguyện Việt Nam đối với tù binh, hàng binh Pol Pot.


“Khi họ đã bỏ vũ khí xuống thì lòng nhân đạo của mình cũng trỗi dậy. Chính sách của ta là tuyệt đối không giết tù binh, hàng binh mà bắt về giao cho Nhà nước bạn cải tạo, khi trở lại đời sống cộng đồng thì họ cũng như mình, mình cũng như họ. Những người lính Việt Nam chấp hành rất nghiêm chính sách này của Đảng và Nhà nước, dù có đói, có khát cũng không bao giờ để tù binh, hàng binh chết. Đó là những điều rất cao cả của người lính Bộ đội Cụ Hồ”-ông Chung không khỏi tự hào khi kể lại.



Người lính Trung đoàn 95 cho hay, quân Pol Pot ở cứ điểm còn có cả vợ con sống cùng. Khi ta tấn công, có những đứa trẻ nhỏ quá, bị lạc mẹ, các chiến sĩ phải cắt cử nhau ẵm bồng, chăm sóc. Ông cũng nhớ mãi lần bắt giữ cô gái là vợ của một sĩ quan trong quân đội Khmer Đỏ và giao cho lực lượng cách mạng Campuchia cải tạo. Cô tên Phương, nói tiếng Việt rất giỏi. 3 năm sau, khi ông Chung theo học Trường Quân chính Stung Treng thì tình cờ gặp lại Phương, đang được tạo điều kiện học nghề may.



Đó là một trong những lý do Nhân dân Campuchia gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”.


Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.