Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

1lgo-3225-2194.jpg

Đời sống Nhân dân được nâng lên

Dù chịu sự tàn phá nặng nề trong 2 cuộc chiến tranh, nhưng với truyền thống cách mạng, quân và dân xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ia Mơ (huyện Chư Prông) đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương. Nhờ đó, bộ mặt vùng biên giới ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Già làng H'Blâm (bên trái) phấn khởi trước những đổi thay của quê hương-2.jpg
Già làng H'Blâm (bên trái) phấn khởi trước những đổi thay của quê hương. Ảnh: Q.T

Già làng Ksor H’Blâm (làng Krông) là người từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và cũng gắn bó với mảnh đất anh hùng này từ nhỏ. Trải qua 79 mùa rẫy, bà H’Blâm cảm nhận rất rõ sự thay đổi của dải đất vùng biên này.

Bà cho biết: Những năm đầu sau giải phóng, Ia Mơ rất hoang tàn, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài vì đường sá đi lại trắc trở. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, hộ đói nghèo chiếm đa số.

Tuy nhiên, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về hạ tầng cơ sở, nhất là điện-đường-trường-trạm, bộ mặt của xã ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về cây-con giống, kỹ thuật, bà con dân làng đã thay đổi tư duy, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích.

“Phương thức sản xuất truyền thống phát-đốt-chọc-tỉa đã được thay thế bằng máy móc, người dân cũng biết sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr để canh tác lúa nước 2 vụ. Đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, nhà nào cũng đã sắm được ti vi, xe máy, có nhà còn sắm cả máy cày, máy gặt lúa để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, đường sá được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản cũng như giao thương hàng hóa với bên ngoài”-bà H’Blâm vui mừng nói.

5Người dân làng Ring đều có 4 sào lúa nước 2 vụ để sản xuất với năng suất bình quân đạt từ 6-7 tấn trên ha.jpg
Người dân làng Ring đều có 4 sào lúa nước 2 vụ để sản xuất với năng suất bình quân đạt từ 6-7 tấn trên ha. Ảnh: Q.T

Trái với khung cảnh hoang vu, vắng vẻ của những ngày đầu thành lập (năm 2008), làng Ring (xã Ia Mơ) hôm nay nhộn nhịp người mua kẻ bán nhờ tỉnh lộ 665 được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đời sống người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/hộ/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 6%.

Là người đến vùng đất này lập nghiệp từ những ngày đầu làng mới thành lập, anh Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: “Lúc mới lên đây, dù đất đai rộng, màu mỡ nhưng do đường sá đi lại trắc trở nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của Nhà nước, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, người dân chí thú làm ăn nên đời sống thay đổi nhanh chóng. Riêng gia đình tôi, với 4 sào lúa nước 2 vụ và 4 ha đất luân phiên trồng mì, bắp sinh khối, mía, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu được trên 300 triệu đồng/năm”.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng-bg.jpg
Già làng Đinh A Nhur (bìa phải; làng Achông, xã Ayun, huyện Chư Sê) trao đổi với P.V về những đổi thay của xã. Ảnh: Q.T

Kể từ khi công trình thủy lợi Plei Keo hoàn thành và đưa vào sử dụng, cuộc sống của người dân xã Ayun (huyện Chư Sê) đã thay da đổi thịt từng ngày. Già làng Đinh A Nhur (73 tuổi, làng Achông) phấn khởi: “Ngoài việc được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, dân làng còn được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất lúa nước 2 vụ và các cây trồng có giá trị cao như cà phê, bắp sinh khối… Từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói, trẻ em trong làng đều được đến trường”.

Trong khi đó, vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa)-quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Wừu-cũng đang khởi sắc từng ngày nhờ sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã.

Có được sự khởi sắc ấy không thể không nhắc đến những người tiên phong trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như ông A (làng Đê Gôh).

Trong căn nhà mới khang trang được xây dựng giá gần 1 tỷ đồng, ông A kể: “Trước đây, người dân chủ yếu sống dựa vào trồng mì, bời lời nhưng thu không đủ bù đắp chi phí. Năm 2010, được cán bộ xã vận động, hỗ trợ kỹ thuật, mình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà phê. Từ đó, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Với 4 ha cà phê đang cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu được khoảng 15 tấn nhân. Vụ cà phê năm ngoái, dù chỉ bán được với giá 82.000 đồng/kg nhưng cũng thu về hơn 900 triệu đồng. Nhờ đó, mình có tiền làm nhà ở khang trang, mua sắm xe cộ, ti vi và lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Theo bà H’Lưn-Cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Đak Sơ Mei, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, bà con đã chuyển đổi hàng trăm ha mì, bời lời kém hiệu quả sang trồng cà phê; đồng thời liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C để nâng cao năng suất, giá trị.

Đến nay, toàn xã có trên 1.700 ha cà phê, trong đó có hơn 70% diện tích của người Bahnar. Năm 2023, nhờ được mùa, được giá nên nhiều hộ người Bahnar thu nhập từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng.

Tiếp tục quan tâm đầu tư toàn diện

Tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Sơ Mei hồi đầu năm 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: Đak Sơ Mei cũng như các xã vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên cần được quan tâm đầu tư toàn diện để có cơ hội phát triển. Do đó, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư hơn nữa nhằm giúp xã vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei ngày càng phát triển.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị xã phát huy có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao đời sống người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Ông Đậu Sỹ Kê-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei-cho hay: Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để cứng hóa, bê tông hóa gần 4 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; hỗ trợ 43 bồn nước cho các hộ nghèo nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

3Hạ tầng giao thông xã Đak Sơ Mei cũng được đầu tư khá đồng bộ.jpg
Hạ tầng giao thông xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, xã đã triển khai mô hình đa dạng sinh kế, hỗ trợ 80 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề nông thôn nhằm giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả.

“Từ các nguồn lực được đầu tư, đời sống người dân trên địa bàn từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đầu nhiệm kỳ chỉ đạt 20 triệu đồng, đến cuối năm 2023 tăng lên 26 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,7% (năm 2023) và dự kiến giảm còn 32,7% vào cuối năm 2024.

Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt mô hình đa dạng hóa sinh kế, nhất là hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo nhằm phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với các doanh nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị”-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei thông tin thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hợp-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-cũng khẳng định: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 22%. Đến nay, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực tưới từ công trình thủy lợi Plei Keo.

Trong đó, tập trung phát triển cây lúa nước 2 vụ, cà phê, bắp sinh khối, trồng rừng, dược liệu… gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới để sớm đưa Ayun thoát nghèo”.

Còn ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ thì cho hay “Chúng tôi tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cơ sở cũng như xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất lúa nước 2 vụ để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Ia Mơr; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 11% vào cuối năm 2024”.

2lgo-1748-656.jpg

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.