70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa, tràn ngập niềm vui, chào đón lớp lớp đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô, viết nên bản hùng ca trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô và trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp.

70-nam-giai-phong-thu-do-1945.jpg
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

70 năm trôi qua, cứ vào thời khắc này, hàng vạn người dân Hà Nội, nhất là những người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa, những người vinh dự trong Đại đoàn quân Tiên phong trở về tiếp quản Thủ đô và cả những người được chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy lại trào dâng nhiều xúc cảm. Bản hùng ca ngày Chiến thắng trở về là mốc son để người Hà Nội trân trọng và tự hào với quá khứ, tiếp thêm bản lĩnh, niềm tin để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Phóng viên TTXVN viết về những ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng của quân và dân Thủ đô trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là 60 ngày đêm khói lửa, giam chân giặc Pháp để Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên An toàn khu, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Cùng với đó là dấu ấn ngày Chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô và khát vọng xây dựng Hà Nội “Văn minh - văn hiến - hiện đại” trong giai đoạn hiện nay.

Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa

Sau khi ta giành được chính quyền năm 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách gây hấn hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bắt đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng trong đêm đó, từ pháo đài Láng, loạt đại bác đã nổ phát súng đầu tiên báo hiệu Toàn quốc kháng chiến. Hàng loạt trận đánh cam go, khốc liệt của quân và dân Hà Nội nhằm vào quân địch, trong đó rất nhiều trận chiến cảm tử, đã thể hiện được tinh thần, ý chí Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô.

Loạt đại bác đi vào lịch sử

2thu-do-051024-2-5150.jpg
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, pháo đài Láng (quận Đống Đa) bắn loạt đạn đầu tiên, phát ra hiệu lệnh tổng tiến công, mở đầu cho những ngày Toàn quốc kháng chiến. Tiếp đó, pháo đài Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nã những loạt pháo vào quân đội Pháp. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố tắt điện. Ngay sau đó, quân và dân Hà Nội với vũ khí thô sơ, ít ỏi nhưng ngoan cường chống lại thực dân Pháp bằng những trận đánh ác liệt.

Thời đó, các pháo thủ ở pháo đài Láng có 9 người nhưng can trường bám trận địa để tấn công quân địch. Sau khi nhận được hiệu lệnh tấn công từ hôm trước, đến trưa 19/12, Trung đội trưởng Gia (chỉ huy pháo đài) ra lệnh cho các chiến sỹ ăn cơm chiều sớm, sắp xếp tư trang, phân công nhiệm vụ cho mọi người vì có thể đến tối sẽ chiến đấu. Mọi người đều hồi hộp, sẵn sàng chuẩn bị tinh thần.

Buổi tối, các pháo thủ tập trung ngoài pháo đài. Mọi người nhìn về phía nội thành chờ đợi. Bỗng một pháo hiệu phụt thẳng giữa thành phố lên trời. Lúc đó, Trung đội trưởng Gia hô “Chuẩn bị…. bắn…bắn... bắn....”. Hai khẩu pháo tức thì bắn 3 loạt, 6 viên vào trong thành, cả pháo đài rung chuyển. Ngay sau đó, Trung đội trưởng Gia cho trinh sát vào trong thành Hà Nội kiểm tra. Sau đó, trinh sát báo về, trong thành binh lính Pháp chết rất nhiều; một viên ra phía Bắc thành nhưng không ảnh hưởng tới dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện biểu dương chiến sỹ pháo đài Láng thực hiện tốt nhiệm vụ, bắn chính xác mục tiêu khiến mọi người đều vui mừng. Sáng hôm sau, Đại tướng nhận định “pháo đài Láng bắn loạt đạn tối qua là loạt đạn thần thánh của dân tộc ta, là thắng lợi lớn vì bọn thực dân đang có âm mưu phá thành đánh ta. Ta đã đánh trước nó được ít phút, phá tan âm mưu của địch”.

Người Vệ út năm xưa Phùng Đệ (là liên lạc của Đại đội 15, Tiểu đoàn 103, khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Liên khu I) nhớ lại, đêm 19/12/1946, khi cả Hà Nội bao trùm trong màn đêm, ông nghe tiếng đại bác ở pháo đài Láng vang lên. Trong đầu ông nghĩ ngay thời khắc kháng chiến đã đến. Cùng lúc đó, quân và dân Hà Nội quyết liệt giao chiến ở các nơi suốt cả đêm, tiếng súng không ngớt, cả bầu trời Thủ đô rực sáng.

Từ ngày 23/12 trở đi, bộ binh và nhân dân Thủ đô quyết liệt chiến đấu chống quân Pháp, giam chân địch trong thành. Các pháo thủ pháo đài Láng tiếp tục đào hầm, chuẩn bị đạn dược, vũ khí chờ lệnh chiến đấu. Đến ngày 12 tháng Giêng năm 1947, các chiến sỹ pháo đài Láng được lệnh rút quân lên An toàn khu. Khi đi, các pháo thủ đã tháo một cơ bẩm và một máng đạn mang đi. Đến bến đò Đan Sỹ, Hà Đông, các pháo thủ đã giao cho Ủy ban chiến đấu đang trực chiến để tiếp tục hành quân.

Cố pháo thủ Đỗ Văn Đa từng chia sẻ, tên tuổi của các pháo thủ đã gắn liền với pháo đài Láng. Đó không chỉ là niềm vinh dự của họ mà là niềm vinh dự của mọi người dân Yên Lãng nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa nói chung.

Sục sôi khí thế quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

3thu-do-051024-3-6536.jpg
Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với nhân dân cả nước, quân và dân Hà Nội với tinh thần "Sống chết với Thủ đô", “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt cuối năm 1946 đầu năm 1947, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân giặc Pháp và làm tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút ra khỏi Hà Nội.

Dù quân ta trang bị vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại nhưng với tinh thần anh dũng, quả cảm, các vệ quốc đoàn vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng căn nhà, góc phố.

Nay đã ở tuổi 93 nhưng người Vệ út năm xưa Đặng Văn Tích (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày đầu tham gia kháng chiến khi được nhắc đến 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội. Với chất giọng sang sảng, trí nhớ minh mẫn, ông kể về cơ duyên được đứng trong hàng ngũ quân kháng chiến, về công tác liên lạc của mình. Khi đó, ông mới 13 tuổi tham gia lực lượng chiến đấu tại khu Long Biên thuộc Liên khu I. Do công việc làm liên lạc nên các trận đánh khốc liệt tại Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân, trường Ke (nay là Trường Tiểu học Trần Nhật Duật), nhà Sauvage (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du)... ông đều nắm rõ.

Thời điểm đó, nhân dân Hà Nội, nhất là người già, trẻ nhỏ đi tản cư hoặc về quê; còn thanh niên ở lại tham gia đánh địch. Bộ đội, thanh niên ngày đêm tập quân sự rất hăng hái. Các nhà trong khu Hoàn Kiếm thực hiện vườn không nhà trống, được bộ đội sử dụng làm nơi đóng quân để chiến đấu với Pháp. Tường nhà nọ đục thông sang nhà kia theo hình dích dắc để đi lại làm chỗ liên lạc; sập gụ, tủ chè, giường chiếu, xoong nồi, cây cối được dùng để đắp ụ ngang đường, chắn không cho xe cơ giới của Pháp đi. Các trận giao tranh thường xuyên diễn ra ác liệt nhưng không làm nao núng tinh thần chiến đấu của mọi người.

Với tinh thần càng giữ được các căn cứ trong Liên khu I càng lâu thì càng cầm được chân địch, Trung đoàn Thủ đô có nhiệm vụ quan trọng giữ chân địch để tạo điều kiện cho việc chuẩn bị lực lượng kháng chiến (Trung đoàn Thủ đô được đặt tên cho Trung đoàn Liên khu I tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ Nhất ngày 12/1/1947).

Trận đấu khiến ông Đặng Văn Tích day dứt nhất là tại trường Ke khi quân địch đánh chiếm tầng dưới, lực lượng của ta rút lên tầng hai. Tình hình cam go buộc cậu bé liên lạc Trần Ngọc Lai trèo ống máng nước xuống về địa điểm đóng quân xin tiếp viện. Nhưng khi trèo trở lên thì địch phát hiện, bắn chết. Lực lượng của ta đã lao xuống trả thù cho liên lạc Trần Ngọc Lai, buộc chúng phải rút quân.

Người Vệ út Đặng Văn Tích kể rằng, trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, tại nhiều địa điểm trong thành phố, các chiến sỹ Vệ quốc quân, Quyết tử quân, dân quân, tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đội cảm tử quân thuộc Liên khu I khi đó hơn 20 người, được xét duyệt lý lịch cẩn thận, không có bố mẹ, gia đình, không lệ thuộc vào ai. Khi có xe tăng hay xe cơ giới, các chiến sỹ cảm từ dùng bom ba càng tấn công và anh dũng hy sinh.

Tinh thần chống Pháp hừng hực khắp nơi. Dù quân địch ngày đêm tấn công vào lực lượng của ta, đàn áp nhân dân, sục xạo khắp ngõ phố nhưng các chiến sỹ vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ Hà Nội, chống trả lại chúng.

Theo Đinh Thuận - Nguyễn Thắng (TTXVN)

---------------------

Bài tiếp theo: Cuộc lui quân thần kỳ

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.