Kỳ vọng “hồi sinh” sông Ba - Kỳ 1: Tiếng thở dài bên sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày trước, sông Ba đã nuôi sống bao thế hệ cư dân ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Minh chứng là một nền văn minh đã được khai quật qua những di chỉ khảo cổ và một xóm chài được hình thành bên sông.

Tuy nhiên, tất cả chỉ còn là những tiếng thở dài của người dân khi công trình thủy điện An Khê-Ka Nak được xây dựng.

Tài liệu khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học xác định: Sông Ba bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô cao 1.549 m ở Đông Bắc tỉnh Kon Tum, có chiều dài khoảng 388 km chảy qua các địa phương vùng Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai rồi chảy về phía tỉnh Phú Yên trước khi đổ ra cửa biển Đà Rằng. Lưu vực rộng hơn 10.000 km2 của sông Ba tạo nên một vùng đất màu mỡ hàng ngàn héc ta. Hai bên bờ sông hình thành những vùng dân cư trù phú, có lịch sử hàng trăm năm. An Khê là một chặng trong hành trình ra biển cả của sông Ba.

Bức tranh thủy mặc

Ngồi trong ngôi nhà hướng mắt ra dòng sông Ba, ông Lê Văn Tựu (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) luôn tay phe phẩy chiếc quạt nhằm làm vơi đi cái oi ả của tiết trời ẩm ương. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tựu kể: “Năm 1962, tôi đưa vợ con từ Bình Định lên đây lập nghiệp. Đã quen nghề chài lưới, tôi quyết định mua mảnh đất sát sông Ba làm nhà ở với mong muốn công việc thêm thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống.

Khi đó, sông Ba trong vắt, ăm ắp nước chảy ngang qua thị xã. Cá tôm nhiều vô kể. Chỉ quăng một mẻ lưới xuống sông là đủ thức ăn trong 1 ngày. Nhờ nghề chài lưới mà gia đình tôi có đồng ra đồng vào, chăm lo cho 7 đứa con. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân trong vùng cũng sống được với nghề chài lưới. Con sông còn là nguồn nước tưới cho các vựa rau, ruộng lúa. Sông Ba cũng giúp điều hòa khí hậu trong lành hơn”.

Nhấp thêm một ngụm trà, ngư phủ ở tuổi thất thập khẳng định, chính sông Ba đã góp công lớn trong việc hình thành thị xã cửa ngõ phía Đông tỉnh sầm uất như hôm nay. Ông Tựu chia sẻ: “Khi tôi mới lên ở, thị xã vắng hoe. Rồi những cụm dân cư mới dần hình thành. Cái xóm chài này cũng vậy, ban đầu chỉ có mấy nhà, sau đông dần, giờ thì thành khu phố đông đúc”.

Lòng sông Ba đoạn qua thị xã An Khê rau muống và cây cỏ phủ kín. Ảnh: Ngọc Tú

Lòng sông Ba đoạn qua thị xã An Khê rau muống và cây cỏ phủ kín. Ảnh: Ngọc Tú

Hai người con trai của ông Tựu là Lê Văn Có và Lê Văn Của cũng nối nghiệp cha, làm nghề đánh cá trên sông Ba. Theo anh Có, từ khi thủy điện chặn dòng và mấy nhà máy phía thượng nguồn xả thải, sông Ba bị ô nhiễm trầm trọng. Các loại cây cỏ mọc tràn, nước sông đọng lại và đổi sang màu đen; đụng vào nước là về bị nổi mẩn ngứa.

“Có lẽ vì tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm mà cha tôi mắc nhiều bệnh, đang phải chữa trị thường xuyên. Nguồn thủy sản cũng không còn phong phú như trước. Hồi mới vào nghề, tôi bắt được con cua đinh nặng 40 kg nhưng lâu nay không còn thấy, kể cả con nhỏ. Mấy loài cá đặc sản như cá đá, cá lúi, cá niên cũng ít dần, giờ chỉ còn cá rô phi. Dân xóm chài còn bám trụ theo nghề như tôi còn ít lắm, bỏ đi làm thuê hết rồi. Thức cả đêm mà chưa được 100 ngàn đồng, chưa kể nhiều hôm trắng tay, mấy ai dám bám trụ theo nghề”-anh Có trầm giọng.

Gia đình ông Nguyễn Phúc Chánh (tổ 4, phường Tây Sơn) cũng mấy đời làm nghề đánh cá. Nhờ nghề này mà vợ chồng ông Chánh nuôi 6 người con khôn lớn. Hiện 3 người con trai cũng theo nghề của cha, nhưng phải vào khu vực huyện Kông Chro hoặc huyện Kbang đánh bắt. Mặc dù phải đi xa cách nhà 30-40 km nhưng lượng cá thu về chỉ được 10-15 kg/người/ngày.

“Khi chưa bị chặn dòng, chưa năm nào tôi thấy sông Ba cạn nước, kể cả vào những tháng mùa khô. Dòng chảy ổn định, cá tôm sinh sôi phát triển, hàng chục hộ dân ở xóm Cát (nay là tổ 4) sống nhờ khai thác, nuôi cá lồng bè trên sông Ba. Ngư dân chỉ thả vài tấm lưới thu được 50-60 kg cá phá, cá bống, cá chình, trôi, trắm. Sau một thời gian bị ngăn dòng, sông Ba trở thành con sông chết. Tôi đành ở nhà phụ vợ trông cháu và thỉnh thoảng vào ruộng rẫy chăm sóc vườn cây”-ông Chánh bùi ngùi nói.

Ông Nguyễn Phúc Chánh (bên trái, tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hàn huyên chuyện đánh bắt cá ở sông Ba trước đây. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Phúc Chánh (bên trái, tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hàn huyên chuyện đánh bắt cá ở sông Ba trước đây. Ảnh: Ngọc Minh

Không chỉ ban tặng cho bao thế hệ cư dân nơi đây nhiều sản vật quý giá, sông Ba còn lưu giữ trầm tích văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc. Trong bài “Có một nền văn minh hàng triệu năm ở sông Ba” (viết chung với Thạc sĩ Bùi Tấn Sĩ) đăng trên Báo Gia Lai Điện tử ngày 2-2-2016, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử khẳng định: “Những nghiên cứu bước đầu cho thấy, ở vùng thượng lưu sông Ba đã từng tồn tại một cộng đồng cư dân cổ, họ di trú trên các đồi gò cao hơn 400 m trong thung lũng đồi gò An Khê, dọc đôi bờ sông Ba với bán kính khoảng 10 km.

Ở đó, con người quây quần thành các bầy người nguyên thủy, cùng nhau chế tác và sử dụng công cụ đá cuội ghè đẽo thô sơ, chăm chút tạo ra công cụ dạng mũi nhọn hoặc rìu tay với phần tác dụng sắc bén. Đây là những công cụ vạn năng dùng trong lao động săn bắt, hái lượm hoặc vũ khí chống lại các bầy thú dữ xung quanh của con người cổ (...).

Bằng kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khảo cổ đã nghĩ tới một kỹ nghệ chế tác công cụ riêng biệt, cổ xưa cho vùng đất này, kỹ nghệ ấy mang tên kỹ nghệ An Khê. Dưới góc độ lịch sử văn minh nhân loại, kỹ nghệ ấy gắn liền với sông Ba, và là linh hồn của văn hóa cổ xưa, mà chủ nhân là những người vượn đứng thẳng (Homo erectus)-văn minh sông Ba”.

Cũng theo bài báo này, trong lịch sử nhân loại, các nền văn minh lớn thường gắn với các dòng sông như: văn minh sông Hồng-văn minh lúa nước của quốc gia Văn Lang-Âu Lạc; văn minh sông Mã-văn minh Đông Sơn; văn minh sông Đồng Nai-trung tâm luyện kim thời đại đồng thau.

“Giờ đây, chúng ta có thêm một nền văn minh sông Ba, nơi kết tinh thành tựu vĩ đại của nhân loại, ở giai đoạn cổ xưa nhất, giai đoạn người vượn đứng thẳng (Homo erectus), gần 1 triệu năm trước (...). Đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhân loại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói chung và miền Đông Gia Lai nói riêng”.

Công trình thủy điện “sai lầm thế kỷ”

Dự án Thủy điện An Khê-Ka Nak có 2 bậc, bậc trên là thủy điện Ka Nak có hồ chứa nước với dung tích 285 triệu m3, nhưng công suất nhà máy chỉ 10 MW. Sau khi chảy qua các tua bin của thủy điện bậc trên Ka Nak, thay vì phải trả nước lại cho sông Ba, người ta cho dẫn toàn bộ nguồn nước này theo đường ống xuyên đèo An Khê để đổ dựng đứng xuống bậc dưới là thủy điện An Khê có hồ chứa nước 5,6 triệu m3, nhưng công suất nhà máy lên đến 160 MW. Sau đó, nguồn nước này đổ ra sông Kôn, chảy về hạ lưu Bình Định. Từ đó dẫn đến việc lòng sông Ba luôn trong tình trạng trơ đáy.

Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016), ông Huỳnh Thành (khi đó là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) cho rằng: Thủy điện An Khê-Ka Nak là một sai lầm thế kỷ.

Còn nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, trong một lần làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã kiến nghị: “Sau khi phát điện thì nước ở sông Ba sẽ chuyển sang sông Kôn mà không trả nước lại cho khu vực hạ lưu sông Ba; mà vùng này mùa khô hàng năm thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

Do đó chúng tôi đề nghị với EVN chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 phối hợp với địa phương để khảo sát, xây dựng một số đập điều hòa phía sau đập của công trình thủy điện để đảm bảo lượng nước tưới phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân”.

Xóm chài thuở nào đã trở thành khu dân cư sầm uất bên sông Ba. Ảnh: Ngọc Tú

Xóm chài thuở nào đã trở thành khu dân cư sầm uất bên sông Ba. Ảnh: Ngọc Tú

Điều đáng nói là sau nhiều năm, hiện trạng sông Ba vẫn không thay đổi. Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Thủy điện An Khê-Ka Nak đi vào hoạt động đến nay, đoạn sông Ba chảy qua thị xã An Khê thiếu nước trầm trọng bởi toàn bộ lượng nước đã bị ngăn dòng, chảy xuống Bình Định. Lưu lượng nước xả qua thị xã An Khê chỉ trên dưới 4 m³/giây vào mùa khô hạn khiến toàn bộ sông Ba không còn dòng chảy.

Ngoài ra, việc không trả nước về sông Ba khiến đời sống người dân ở 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với khoảng 1 triệu người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Cương-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho rằng: Việc quy hoạch Thủy điện An Khê-Ka Nak là trái với quy luật dòng chảy tự nhiên của sông Ba, can thiệp thô bạo và nghịch thiên, làm thay đổi dòng chảy hoàn toàn. Nguồn nước bị người ta dẫn về sông Kôn thay vì trả về chính sông Ba, nơi mà họ đã lấy nước. Điều này đã gây nên bao vấn đề về kinh tế-xã hội. Một thị xã mà có dòng sông chảy qua thì quá đẹp nhưng giờ đây sông cạn nước vì thủy điện, gây ảnh hưởng cho biết bao nhiêu người.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.