Vào Làng Nủ, gặp chú chó từng đi cứu hộ quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con Vát tiến lên bãi sình lầy giữa dòng suối ở thôn Làng Nủ, dù đi nhanh nhưng nó cũng thối lui rất lẹ, phản xạ bằng trực giác. Nó có sự từng trải nhất trong số 8 chú chó nghiệp vụ đang tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét sạt lở đất ở Làng Nủ.

Vát từng xuất ngoại đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023 để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong trận động đất có rung chấn lên tới 6,2 độ.

Màu cam

Mưa xối xả tuôn xuống thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trên bầu trời đầy mây vần vũ, khắp làng thỉnh thoảng lại thấy hình ảnh bộ đội khiêng quan tài đi thành hàng lặng lẽ. Ông Chiêu Văn Si, nhà có 12 người thân mất tích và chết trong lũ quét vào mờ sáng ngày 10/9 nhìn ra đường không chớp mắt. Ngày đó, con chó Vát cùng bầy chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Bộ đội biên phòng được đưa đến ngôi làng thương đau này và bắt đầu công việc tìm kiếm.

Thôn Làng Nủ là vùng quê nằm ở rừng núi Tây Bắc, nhưng đập vào mắt của Vát lại là hình ảnh giống như ở biển - hàng trăm người lính mặc áo phao có dây phản quang trên người trong lúc tìm người mất tích trên biển. Đối với loài thú, màu cam và màu đỏ rực như máu là những sắc màu biểu cảm, gây hưng phấn và kích động. Người giữ dây cương là Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng luôn vuốt đầu và hiểu rằng, Vát đang bị kích thích vào công việc sắp diễn ra.

Hơn 1 năm về trước, vào ngày 12/2/2023, con Vát đã cùng với 5 người bạn của nó như Pốc Ka, Da Vô... theo những người lính Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ động đất. Vát và bạn của nó đặt chân tới vùng đất xa lạ và đứng trước con đường ghi dòng chữ Rustem Turner Pasa, Antakya town, Hatay Province. Còn bây giờ, nó và 7 con chó khác đang đi giữa con đường mưa gió tối mịt mù, khắp các nẻo đường đều cắm các tấm bảng với dòng chữ: “Chú ý, cảnh báo sạt lở đất…Khu vực sạt lở nguy hiểm”.

Trong số 8 con chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ, con Vát có sự từng trải khá lớn. Mỗi khi đi qua những điểm cắm tấm bảng cảnh báo sạt lở, người chủ của nó đảo mắt quan sát rồi bước đi thật nhanh. Những con chó đi cùng như: Nam Gia, Ô Lát, Da Vo, Chi Nops, Za Ta…thỉnh thoảng lại lắc đầu để mưa đỡ phủ lên mắt, bộ lông bớt ẩm ướt, nhưng con Vát thì có vẻ gan lì, nó cứ đăm đăm ánh mắt về hướng có hàng trăm chiến sĩ thuộc Trung đoàn 98 và các đơn vị của Sư đoàn 316 Quân khu 2 đang đi dưới cơn mưa.

Tiếng “ầm” của núi

Năm 2023, khi sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích, con chó Tốp Ka và E Pi mới vào tìm kiếm được 3 ngày thì cả 2 bị thương vì mảnh kính sắc đâm vào chân. Vậy là quân số 6 chú chó chỉ còn lại 4, vì hai chú chó này phải nằm nhà để chăm sóc y tế 2 ngày trước khi được đưa trở lại hiện trường tìm kiếm. Con Vát cũng vượt qua được tai nạn đó và nó chui rúc khắp các sàn bê tông, nơi mà nó có thể bị đè bẹp dí như một tờ giấy vào bất cứ lúc nào.

Nghe những người lính đi về kể lại, ở Thổ Nhĩ Kỳ, thứ âm thanh đáng sợ nhất là tiếng nổ từ lòng đất, sau đó mặt đất chao lắc mạnh. Còn ở thôn Làng Nủ, người chủ của Vát và toàn bộ những người lính tham gia cứu hộ đều được quán triệt gói gọn trong một vấn đề: “khi nghe tiếng nổ to là núi sập, phải lập tức chạy nhanh lên sườn núi”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cùng chú chó tên Vát tìm kiếm người mất tích tại thôn Làng Nủ Ảnh: Văn Chương

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cùng chú chó tên Vát tìm kiếm người mất tích tại thôn Làng Nủ Ảnh: Văn Chương

“Tiếng nổ của núi”, đó là cụm từ được lặp đi lặp lại suốt những ngày tìm kiếm (hiện con số là 52 người chết, 14 người mất tích), vì vậy toàn bộ những người lính có mặt ở hiện trường đều mặc áo phao. Cách điểm tìm kiếm không xa có một con dốc núi giống như đi vào hang quỷ, đó là dốc trượt từ đỉnh ngọn núi Con Voi, luồn sâu trong đám mây trắng bồng bềnh, độ cao 1.700 mét so với mực nước. Mảng núi từ đây ập xuống ngôi làng, vì vậy những chiếc xe tải bị cuốn trôi ra giữa suối bị vặn xoắn, nên người rất khó sống sót. Điều đó chứng tỏ sức mạnh khủng khiếp của cơn lũ quét vào sáng sớm ngày 10/9 cũng không thua gì cơn địa chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dưới tán rừng cọ

Ngày 12/9/2024, sau ngày đầu tiên tổ chức tìm kiếm trong dòng suối bùn lầy ngập ngụa ở thôn Làng Nủ, Vát và các bạn của nó là con Nam Gia, Ô Lát, Da Vo, Chi Nops, Za Ta đã thấm mệt và kết quả đã tìm được 5 thi thể dưới đống bùn lầy. Cái lạnh của núi rừng Tây Bắc trong những ngày mưa đã khiến da của anh em trong đội quân khuyển tím tái, cho dù mặc áo mưa, nhưng mưa quá lớn và lội bùn suốt ngày nên ai cũng ướt sũng.

Nhưng con Vát thì vẫn tỏ ra chịu được cái lạnh và vẫn xông xáo lội bùn không một chút nao núng. Trong số bạn của nó có vài con mới ra trường và lần đầu tiên tham gia ra hiện trường tìm kiếm như con Nam Gia, con Chi Nops, con Za Ra. Con Za Ra dù là “tân binh” nhưng cũng tỏ vẻ không thua kém và được ghi điểm là “quân khuyển phát hiện được tử thi đầu tiên”.

Từng trải qua những cơn địa chấn kinh khủng, nên con Vát tỏ ra khá dạn dĩ trước âm thanh réo sôi của nước chảy dưới suối ở thôn Làng Nủ. Nghe người chủ của nó kể lại về khoảnh khắc dữ dội nhất từng trải qua cùng với con Vát. Đó là vào lúc 18 giờ 15 phút chiều ngày 19/2/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cả đội đang ăn cơm thì gặp một trận động đất mới với cường độ 6,2 độ khiến nhiều người ngã dúi...

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, người trực tiếp chỉ huy của Vát nhìn nó và nhận ra, con Vát ánh mắt vẫn sáng, mũi phập phồng thở đều đặn, chứng tỏ nó chịu được cái lạnh, vì đã trải qua cái rét âm 8 độ C ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn 1 năm về trước. Lần đó, những chuyên cơ tấp nập về sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức cứu trợ nên đoàn Việt Nam bị thất lạc một số hành lý, người chủ của Vát phải đắp tấm bạt để ngủ ngoài trời một đêm trong tuyết lạnh.

Trải qua những thời điểm khắc nghiệt như vậy, con Vát và người chủ của nó lại càng trở nên dày dạn khi đi vào vùng thiên tai.

Con Vát và bạn của nó cùng những người lính đang tìm kiếm người mất tích ở Làng Nủ Ảnh: Văn Chương

Con Vát và bạn của nó cùng những người lính đang tìm kiếm người mất tích ở Làng Nủ Ảnh: Văn Chương

Việc tìm kiếm đang khẩn trương thì có tin áp thấp nhiệt đới sẽ chuyển thành bão số 4 đang rình rập dọc biển miền Trung. Tin bão càng khiến việc tìm kiếm phải đẩy nhanh tiến độ. Mỗi buổi sáng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng nói nhỏ với Vát: “Này Vát, cố gắng làm việc nhé…tiến”. Con Vát có vẻ hiểu ra, vì mắt nó sáng lên, nó bước mau vào dòng suối, nơi sình lầy đang dần khô cạn.

Theo Lê Văn Chương (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.