Đàn vật nuôi trên địa bàn TP. Pleiku hiện có trên 12.900 con bò, 290 con trâu, 64.400 con heo, 540 con dê, 12.900 con chó, 1.500 con thỏ cùng đàn gia cầm 335.000 con. Ông Trần Văn Đăng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku cho hay: Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cấp 900 lít hóa chất để các địa phương phun khử trùng chuồng trại, các khu vực giết mổ gia súc. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã tiêm phòng được 10.035 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM), 26.440 liều vắc xin kép tụ huyết trùng và phó thương hàn nhược độc heo; 26.440 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi (DTHCP); 4.900 liều vắc xin dại chó.
Để phòng-chống dịch bệnh động vật hiệu quả, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku đã phối hợp tiêu hủy khi có đàn vật nuôi mắc bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Nhật Hào |
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong phối hợp phòng-chống dịch bệnh động vật cho các hộ chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, các hộ chăn nuôi đã tự bỏ kinh phí tiêm 9.377 liều vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động phun hóa chất khử trùng; giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi và kịp thời báo chính quyền địa phương khi nghi ngờ vật nuôi mắc bệnh để phối hợp xử lý. Mới đây, Trung tâm kịp thời phối hợp cơ quan chuyên môn thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với đàn heo của 1 hộ dân nghi mắc bệnh DTHCP tại phường Hoa Lư và lô hàng của 1 hộ dân tại xã Chư Á có heo bị bệnh chết. Kết quả dương tính với DTHCP nên đã tiến hành tiêu hủy số heo của 2 hộ này và phun khử khuẩn khu vực không để dịch bệnh lây lan.
BOX: Ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT): Từ đầu năm đến nay, DTHCP đã xuất hiện tại 44 tỉnh, thành phố trong cả nước, dịch LMLM xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố; bệnh dại xuất hiện tại 34 tỉnh, thành phố, dịch VDNC xảy ra tại 11 tỉnh; bệnh cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 7 tỉnh. Tại Gia Lai ghi nhận huyện Mang Yang có 25 con heo mắc bệnh DTHCP, 129 con trâu, bò mắc bệnh LMLM và 4 con bê mắc bệnh VDNC. Tại TP. Pleiku có 37 con heo mắc bệnh DTHCP tại phường Hoa Lư.
Ông Đỗ Tiến Giang-Phó chủ tịch UBND phường Hoa Lư cho hay: Khi phát hiện trên địa bàn có heo chết, UBND phường đã khẩn trương triển khai các giải pháp cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku nhằm khống chế không để xảy ra dịch bệnh. Ông Đào Văn Nghị (tổ 3) cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi heo đã nhiều năm nay và hàng năm đều phun hóa chất khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Vừa rồi, khi phát hiện 3 con heo có dấu hiệu mắc bệnh DTHCP, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Khi có kết quả dương tính với DTHCP, gia đình chấp hành việc tiêu hủy 37 con heo, đồng thời tiến hành phun hóa chất khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh để tránh lây lan".
Tại huyện Chư Prông, dù chưa phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi nhưng địa phương rất chú trọng. Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Toàn huyện có trên 72.390 con bò, 363 con trâu, 182.100 con heo, 2.700 con dê, 18.290 con chó và đàn gia cầm hơn 222 ngàn con. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã cấp gần 2 tỷ đồng để mua hoá chất, vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đến nay, Trung tâm đã triển khai 2 đợt phun khử trùng chuồng trại, khu giết mổ gia súc với tổng số 816 lít hóa chất; tổ chức tiêm 54.600 liều vắc xin LMLM, viêm da nổi cục, dại chó. Hiện nay, Trung tâm cũng đang tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất khử trùng; khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng để tránh phát sinh dịch bệnh.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 13.500 con trâu, 471.600 con bò, 791.200 con heo và trên 7,45 triệu con gia cầm. Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện bố trí kinh phí phòng-chống dịch bệnh động vật như mua vắc xin, hoá chất khử trùng theo kế hoạch. Tuy nhiên, đa số các địa phương chỉ bố trí được một phần kinh phí so với kế hoạch được phê duyệt và thời điểm cấp kinh phí, kế hoạch tổ chức tiêm phòng tại mỗi địa phương khác nhau dẫn đến việc tiêm phòng diễn ra không đồng bộ, không đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
TP Pleiku chú trọng việc phun khử khuẩn và có biển báo nơi tiêu hủy động vật mắc bệnh để người dân biết và phòng tránh lây lan dịch bệnh. Ảnh: Nhật Hào |
Ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng-chống bệnh trên đàn vật nuôi; báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh và cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực, trên địa bàn tỉnh nhằm tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT có chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế.