Niềm vui được sử dụng nước sạch
Khi Chi nhánh Nhà máy Nước sinh hoạt Ayun Hạ đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch, bà Rơ Mah H’Nhát (tổ 4, thị trấn Phú Thiện) chuyển hẳn sang sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung này.
Bà H’Nhát vui vẻ nói: “Trước đây, khi còn sử dụng nước giếng, cứ tới mùa khô là thiếu nước, còn mùa mưa thì nước có màu đỏ. Từ khi sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, gia đình rất yên tâm”.
Người dân yên tâm sử dụng khi chất lượng nguồn nước sinh hoạt được quản lý chặt chẽ. Ảnh: H.T |
Cách đó không xa, gia đình bà Nông Thị Hồng cũng đang sử dụng nước sạch do Chi nhánh Nhà máy nước sinh hoạt Ayun Hạ cung cấp. Bà Hồng bộc bạch: Trước đây, cứ đến mùa khô, gia đình thường phải sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, nước được cung cấp liên tục và cũng không có tình trạng bị đục vào mùa mưa như nước giếng nữa.
Ông Nguyễn Quốc-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho hay: Thị trấn có 5.045 hộ. Đến nay đã có 45% hộ dân sử dụng nước sạch do Chi nhánh Nhà máy Nước sinh hoạt Ayun Hạ cung cấp. Qua theo dõi, nước được cấp liên tục và người dân cũng khá hài lòng về chất lượng nguồn nước. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của người dân cao nên rất mong Chi nhánh mở rộng thêm hệ thống đường ống để cung cấp nước sạch cho người dân.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake (huyện Phú Thiện)-thông tin: Trước đây, người dân trên địa bàn sử dụng nước giếng. Vào mùa khô, nhiều hộ bị thiếu nước. Bên cạnh đó, nguồn nước bị nhiễm phèn và vôi nên bà con không yên tâm khi sử dụng. Vì vậy, khi có công trình cấp nước sạch tập trung, người dân rất phấn khởi.
Đến nay, toàn xã có khoảng 50% hộ dân sử dụng nước sạch. Những hộ còn lại cũng có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng vì thiếu hệ thống đường ống cấp nước nên chưa tiếp cận được. Rất mong chính quyền các cấp đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống để cấp nước sạch cho người dân.
Nhiều năm nay, bà Đỗ Thúy Mậu (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) yên tâm sử dụng nước máy phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: H.T |
Tương tự, các hộ dân tại thị xã An Khê và một số xã thuộc huyện Đak Pơ cũng khá hài lòng khi sử dụng nước từ Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê. Ông Nguyễn Đức Thanh (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay: “Từ khi chuyển sang sử dụng nước sạch do Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê cung cấp, mọi sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn. Nước được cung cấp liên tục và nước trong nên gia đình yên tâm khi sử dụng”.
Còn bà Đỗ Thúy Mậu (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thì chia sẻ: “Nhiều năm nay, gia đình sử dụng nước máy của Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê cung cấp. Tôi thấy nước trong và ổn định. Không những thế, Công ty còn công khai kết quả kiểm tra nguồn nước nên gia đình yên tâm sử dụng”.
Bà Lê Thị Minh Chung-Phó Chủ tịch UBND phường Tây Sơn-cho biết: Trên địa bàn phường hiện có hơn 2.220 hộ sử dụng nước máy, chiếm gần 83%. Mấy năm nay, phường chưa ghi nhận ý kiến của người dân phản ánh về chất lượng nước hoặc tình trạng cung cấp nước không liên tục của Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê.
Thời gian tới, Công ty cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phường để làm việc, ký hợp đồng với những hộ chưa sử dụng nước máy; mở rộng phạm vi cấp nước, nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân ngày một tốt hơn.
Nỗ lực quản lý chất lượng nguồn nước
Dẫn chúng tôi tham quan trạm cấp nước, ông Đinh Văn Ân-Giám đốc Chi nhánh Nhà máy Nước sinh hoạt Ayun Hạ-thông tin: Hệ thống nhà máy cấp nước của Chi nhánh được đầu tư xây dựng từ năm 2018 với công suất thiết kế 4.000 m3/ngày đêm.
Hiện nay, trạm cung cấp nước cho 5.184 hộ dân thuộc huyện Phú Thiện và Ia Pa. Để nguồn nước đảm bảo chất lượng, Chi nhánh thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra chất lượng nước trước khi cung cấp cho người dân sử dụng.
Hệ thống xử lý nước sinh hoạt của Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê. Ảnh: H.T |
“Chi nhánh lấy nước đầu vào từ hồ Ayun Hạ rồi xử lý bằng hóa chất thông qua các bể lắng, bể xử lý vi sinh vật. Sau xử lý, chúng tôi tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước định kỳ 1 tháng/lần, 6 tháng/lần”-ông Ân cho hay.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Thi-Giám đốc Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê: Hiện nay, Công ty cung cấp nước sạch cho người dân 3 xã (còn 2 xã chưa sử dụng nước sạch là Xuân An, Tú An), 6 phường của thị xã An Khê và 3 xã Cư An, Tân An, Phú An (huyện Đak Pơ). Để nguồn nước cung cấp liên tục và đảm bảo chất lượng, Công ty đầu tư nhà máy xử lý nước hiện đại cùng hơn 200 km đường ống với tổng trị giá hơn 160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty còn chi hàng tỷ đồng để phục vụ cho việc xử lý, kiểm soát chất lượng nước, bảo trì hệ thống đường ống. Nước sau xử lý được xét nghiệm các chỉ tiêu theo từng giờ, có ghi chép vào sổ nhật ký; đồng thời, định kỳ 1 tháng/lần và 6 tháng/lần đều gửi mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để kiểm tra các chỉ tiêu.
Kết quả, chất lượng nước luôn đảm bảo các chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
“Hiện nay, 9.000 hộ thường xuyên sử dụng nguồn nước do Công ty cung cấp, số còn lại vẫn còn thói quen sử dụng nước giếng. Do đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ Công ty trong việc mở rộng đường ống cấp nước; đồng thời, phối hợp tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của nước sạch để chuyển sang sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe”-ông Thi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thông-Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học-Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Đa số các đơn vị đều có hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước và có thực hiện chế độ nội kiểm hàng tháng; có kết quả xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu; kết quả xét nghiệm nguồn nước đạt theo QCVN 01-1:2018 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định dẫn đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai cũng là đơn vị có nhiều nỗ lực trong xử lý nguồn nước. Ông Phạm Xuân Hào-Phó Tổng Giám đốc Công ty-thông tin: Công ty đang quản lý 2 nhà máy cung cấp nước sạch tại TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa. Theo đó, công suất thiết kế của nhà máy nước tại TP. Pleiku là 20.000 m3/ngày đêm, đang cung cấp nước cho 32.000 hộ (thực tế chỉ có 16.000 hộ sử dụng). Công suất thiết kế của nhà máy nước tại thị xã Ayun Pa là 8.000 m3/ngày đêm, đang cung cấp nước cho 8.800 hộ.
Những năm qua, Công ty luôn thực hiện chặt chẽ việc xử lý, kiểm soát nguồn nước trước khi cung cấp cho người dân sử dụng. Hàng năm, Công ty chi gần 8 tỷ đồng cho việc xử lý nước và 300-400 triệu đồng cho việc kiểm định chất lượng nước. Phòng hóa nghiệm thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra tại nhà máy và thí điểm một số điểm bất kỳ để đảm bảo nguồn nước luôn đạt chuẩn theo từng giờ.
Bên cạnh đó, Công ty lắp đặt một số thiết bị giám sát online để theo dõi chất lượng nước; định kỳ hàng tháng gửi mẫu nước đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 6 tháng tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2). Ngoài ra, định kỳ 3 tháng/lần, Công ty xét nghiệm mẫu nước đầu vào để theo dõi nhằm đảm bảo việc xử lý nước đạt hiệu quả hơn.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thông-Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học-Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay: Trung tâm đang quản lý 16 đơn vị sản xuất nước sạch sinh hoạt tập trung với công suất trên 1.000 m3/ngày đêm. Thực hiện Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, hàng ngày, các đơn vị sản xuất nước sẽ tự kiểm tra chất lượng nước sau xử lý; đồng thời, mỗi tháng 1 lần sẽ gửi mẫu nước về Trung tâm để kiểm tra.
Hàng năm, chúng tôi cũng đều tổ chức kiểm tra đối với các đơn vị sản cung cấp nước sinh hoạt (ít nhất mỗi năm 1 lần), trong đó, tập trung kiểm tra các nội dung như: hồ sơ theo dõi chất lượng nước, quy trình khử khuẩn, sổ nhật ký đưa hàm lượng hóa chất vào xử lý nước, kết quả nội kiểm của các đơn vị; kiểm tra về vệ sinh hoàn cảnh, các biện pháp xử lý nước.
Đồng thời, tiến hành lấy mẫu nước kiểm tra tại chỗ đối với một số chỉ tiêu như: clo dư, độ đục; tiếp tục đưa mẫu nước về Trung tâm để kiểm tra thêm một số chỉ tiêu khác. Qua công tác kiểm tra hàng năm, các đơn vị sản xuất nước sạch tập trung cơ bản tuân thủ các quy định theo các hướng dẫn tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.