Thấp thỏm khi giao xe đạp điện cho con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tin tưởng giao xe đạp điện cho con đến trường là một lựa chọn khá khó khăn của các bậc phụ huynh khi không thể lường trước những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Vợ chồng anh bạn tôi đều bận bịu với công việc nên không thể sắp xếp thời gian để hàng ngày đưa đón con đến trường cũng như các lớp học thêm. Vì trường cũng khá gần nhà và các lớp học thêm cũng chỉ cách vài đoạn đường nên anh chị vẫn để con tự đi bộ đến lớp mỗi ngày. Dù vậy, khi trời nắng nóng hoặc lúc mưa tầm tã, nếu có một chiếc xe để giúp con đường ngắn lại một chút thì vẫn tốt hơn. Con gái của anh chị lại mới học lớp 6 nên suy đi tính lại, mua xe đạp điện cho con là phương án khả thi nhất.

Mặc dù đã cho con tập điều khiển xe nhiều lần nhưng anh chị vẫn không thực sự yên tâm. Một lần, nhìn thấy con vừa đi xe vừa đùa giỡn với bạn khi băng qua đường, anh chị lo lắng đến thót tim và quyết định cho cô bé tiếp tục đi bộ đến trường như trước.

Vào giờ tan tầm, đường phố Pleiku đông đúc với đủ các loại phương tiện tham gia giao thông. Ngay tại các cổng trường THCS, THPT, ngoài lượng phương tiện của phụ huynh đưa đón con thì còn có nhiều học sinh ra về bằng xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 cm3, thậm chí cả xe có dung tích từ 50 cm3 trở lên.

Trong đó, học sinh THCS điều khiển xe đạp điện chiếm số đông bởi sự gọn nhẹ, tiện lợi và không có quy định bắt buộc về độ tuổi. Vì thế, chỉ cần được cha mẹ cho phép, được hướng dẫn cách vặn ga, bóp phanh vài lần là các em đã có thể hòa vào dòng người tham gia lưu thông trên đường.

Ngoài ra, vì chưa được học Luật Giao thông đường bộ nên kiến thức pháp luật của các em còn hạn chế. Điều này dễ dẫn đến việc đi nhầm làn đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm. Không ít lần, người tham gia giao thông phải giật mình khi bỗng nhiên có em học sinh điều khiển xe đạp điện lao vút lên phía trên và thản nhiên rẽ trái ngay trước đầu xe mà không cần quan sát, xi nhan báo chuyển hướng.

Mặc dù theo quy định xe đạp điện chỉ có tốc độ tối đa khoảng 25 km/giờ nhưng thực tế, phương tiện này có thể đạt tới vận tốc 40-50 km/giờ, đồng thời thời gian tăng tốc rất ngắn. Vì thế, trẻ khi chưa làm chủ được tay lái rất dễ gây tai nạn, nguy hiểm cho bản thân và người khác bởi thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, không làm chủ được tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác.

Không ít trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan đến học sinh điều khiển xe đạp điện, nhẹ thì bị gãy tay, gãy chân, nặng thì chấn thương phần đầu, thậm chí tử vong. Đơn cử như vụ việc ở tỉnh Thái Nguyên vào ngày 18-11-2023, 2 em học sinh phóng như bay trên chiếc xe đạp điện qua ngã tư đã tông vào xe ô tô, 1 em bị văng lên nắp ca pô. Cả 2 em đều bị thương và được đưa đi cấp cứu. Những hình ảnh được camera của nhà dân ghi lại và đăng lên mạng xã hội không khỏi khiến người xem giật mình.

Có nhiều lý do để cha mẹ giao xe cho con điều khiển. Vì không có thời gian đưa đón, muốn con tự lập, trưởng thành. Song dù có như thế nào, vấn đề an toàn phải đặt lên trên hết. Thành phố Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung có nhiều cung đường dốc, nhiều khúc quanh, ngã rẽ. Người lớn dù đã thành thạo kỹ năng lái xe nhưng chưa quen đường đôi khi còn bối rối khi tham gia giao thông, với học sinh THCS, THPT thì càng khó hơn. Vì thế, khi giao xe cho con trẻ rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của các bậc phụ huynh, nhà trường.

Nên chăng, pháp luật cần có những quy định cụ thể về học Luật Giao thông đường bộ, độ tuổi, số giờ tập luyện điều khiển phương tiện và kiểm tra, sát hạch như các loại phương tiện khác đối với người đi xe đạp điện nhằm nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn cho bản thân người điều khiển cũng như người xung quanh khi tham gia giao thông.

Có thể bạn quan tâm