Giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia cho học sinh: Thiết thực, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều hoạt động giáo dục thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về chủ quyền biên giới quốc gia đã được các trường tổ chức trong những năm qua. Đây cũng là giải pháp góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới.

Hơn 700 học sinh lớp 11 của Trường THPT Pleiku vừa tham gia hoạt động giáo dục tập trung môn Giáo dục địa phương với chuyên đề “Bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Trong thời gian 90 phút, các em học sinh được tiếp thu những kiến thức về quá trình hình thành và xác định giới hạn lãnh thổ đất liền giữa tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); vai trò của việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh; chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia của tỉnh.

Cô Trần Thị Thơm cho biết: “Bên cạnh truyền đạt kiến thức, chúng tôi còn lồng ghép nhiều gói câu hỏi liên quan đến nội dung bài học để các em nghiên cứu, trả lời nhằm tăng cường tính tương tác, tạo không khí sôi nổi cho buổi học; đồng thời, qua đó đánh giá được mức độ chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của học sinh về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Em Đào Thị Phương Nhi (lớp 11A3) hào hứng nói: “Bài học rất thiết thực, bổ ích. Em và các bạn đã tích lũy thêm nhiều kiến thức về quốc phòng-an ninh, vị trí chiến lược của tỉnh; về đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, đoạn qua tỉnh Gia Lai; công tác phân giới, cắm mốc; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh… Qua bài học, em cũng tự nhận thấy rằng mình cần phải có ý thức trách nhiệm nhiều hơn nữa để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ), Trường THCS Phan Bội Châu đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Theo Hiệu trưởng Trịnh Xuân Giáp, nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nan tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp tại trường, đưa học sinh đi tham quan cột mốc biên giới; đồng thời, chỉ đạo giáo viên lồng ghép giáo dục trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa và trong các bài học của môn Giáo dục công dân.

“Thông qua các hoạt động này, nhận thức của học sinh đã có sự chuyển biến rõ nét. Đa số các em có tinh thần chung tay bảo vệ vùng phên giậu của Tổ quốc; biết cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới; bản thân và gia đình không xâm nhập biên giới trái phép, không xâm canh sang địa bàn của nước bạn Campuchia và không đi lại tự do ở khu vực biên giới…”-thầy Giáp nhìn nhận.

Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về chủ quyền, an ninh biên giới (ảnh đơn vị cung cấp).

Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về chủ quyền, an ninh biên giới (ảnh đơn vị cung cấp).

Tương tự, giáo dục chính trị-tư tưởng nói chung và giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ quyền biên giới quốc gia nói riêng, trong đó có biên giới giữa tỉnh Gia Lai với Campuchia cũng là một trong những nhiệm vụ được Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) chú trọng. Thầy Dương Công Luật-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Những năm qua, nhà trường đã triển khai nội dung giáo dục trên thông qua nhiều hình thức.

Cụ thể: tuyên truyền, giáo dục cho học sinh thông qua các hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn; đăng (chia sẻ link) tin, bài, ảnh trên các trang mạng xã hội của Đoàn trường (Zalo, Facebook); thực hiện các tiết dạy học chính khóa đối với bộ môn Giáo dục quốc phòng-an ninh, Giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai lớp 11; tích hợp nội dung giáo dục quốc phòng-an ninh vào các tiết học đối với các môn có nội dung, kiến thức liên quan như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Kinh tế và Pháp luật…

Song song với đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoại khóa, các cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền về bảo vệ biển đảo quê hương; tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biên giới, biển, đảo do Huyện Đoàn Chư Păh tổ chức cho thanh thiếu nhi trên địa bàn bằng hình thức trực tuyến…

“Năm nay, nhà trường đã phối hợp với Huyện Đoàn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Păh và Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức chương trình “Đoàn kết 3 lực lượng” với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện. Chương trình đã giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo, biên giới, các vấn đề quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”-thầy Luật thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.