Pleiku đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, thành phố đã có nhiều đột phá trong CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chuyển biến tích cực trong CCHC

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, công tác CCHC của thành phố thời gian qua tiếp tục được đổi mới với nhiều giải pháp đột phá. Ủy ban nhân dân thành phố và UBND các xã, phường nghiêm túc thực hiện quy chế công bố công khai các thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Các TTHC cũng được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố và trên trang thông tin điện tử của các xã, phường để công dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình giao dịch.

Bên cạnh đó, TP. Pleiku cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy nhanh giải quyết TTHC để tiết kiệm chi phí, thời gian, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ qua chỉ số CCHC của thành phố tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018, Pleiku đứng thứ 7, năm 2019 đứng thứ 4 và năm 2020 thì dẫn đầu ở nhóm các huyện, thị xã, thành phố với 81,31 điểm.

Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn


Đến nay, TP. Pleiku đã có các hệ thống thông tin như: Cổng thông tin điện tử thành phố; hệ thống hội nghị qua truyền hình; hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống một cửa điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại UBND các xã, phường và các đơn vị trực thuộc UBND thành phố; hệ thống một cửa liên thông tại 22/22 xã, phường. Các hệ thống hoạt động hiệu quả, giảm thiểu thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2020, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố đã tiếp nhận và xử lý, giải quyết, trả đúng hạn 47.573  hồ sơ, trả trễ hạn 17 hồ sơ (chiếm 0,03%). Riêng trong quý I-2021, bộ phận này tiếp nhận, trả đúng hạn 3.983 hồ sơ, trả trễ hạn 1 hồ sơ (chiếm 0,02%). Các hồ sơ trễ hạn đều được đính kèm thư xin lỗi theo đúng quy định.

Đặc biệt, hiện nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố được đặt tại Bưu điện tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên với 314 TTHC tại địa chỉ http://dichvucong.gialai.gov.vn. Trong đó, có 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 1,6%) và 79 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 25,2%).

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của TP. Pleiku cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhưng chưa đạt yêu cầu, số lượng hồ sơ giao dịch ít.

Nguyên nhân chủ yếu do đa phần người dân và doanh nghiệp vẫn giữ thói quen đến trực tiếp cơ quan hành chính để giải quyết TTHC; đồng thời, công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ vẫn chưa được sâu rộng, chỉ mang tính chất tham khảo, chưa tạo được sự quan tâm và tin tưởng của tổ chức và công dân. Cùng với đó, hầu hết công chức phụ trách công tác ISO của các đơn vị đều kiêm nhiệm, có sự biến động thường xuyên nên việc triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 còn lúng túng, thiếu chuyên sâu, chuyên nghiệp...

Các TTHH được các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố xử lý ngày càng nhanh chóng
Các TTHC được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố xử lý ngày càng nhanh chóng. Ảnh: Trần Dung


Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được, thành phố cần tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Cụ thể như: đối với thủ tục “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận” sẽ đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết từ 10 ngày làm việc hiện nay xuống còn 5 ngày; thủ tục “Đăng ký xóa nợ tiền sử dụng đất” sẽ đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết từ 12 ngày làm việc hiện nay xuống còn 6 ngày.

Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là một nội dung quan trọng trong tiến trình CCHC nhằm hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Mới đây, UBND thành phố đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh và các ban, ngành để tìm giải pháp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn. Nhiều giải pháp mà các đại biểu đưa ra được thành phố tiếp thu nhằm đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong thời gian tới.

Theo đó, đối với TTHC đơn giản như: đăng ký kinh doanh, cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh karaoke, hoạt động điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng, giao dịch bảo đảm, các cơ quan, đơn vị chỉ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến; đưa toàn bộ TTHC lên mức độ 3, 4. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bưu điện thành phố trong việc hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm.

 
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố: Việc triển khai rộng rãi hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ góp phần cụ thể hóa 3 tiêu chí trong công tác CCHC: giảm thời gian giải quyết TTHC, giảm số lượt đi lại của công dân và giảm hồ sơ giấy tờ. Tuy nhiên, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết TTHC của thành phố vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận người dân không đồng đều, không thường xuyên tiếp xúc với mạng internet. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; rà soát toàn bộ phần mềm điện tử, hệ thống máy chủ, đường dẫn 2 chiều từ thành phố tới tất cả các xã, phường. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả đạt được và phải lấy sự hài lòng của người dân, đơn vị làm thước đo đánh giá kết quả…
 
Ông Võ Phan Duyệt-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng: Tính hữu ích khi giải quyết TTHC trực tuyến ở mức độ 3, 4 là rất cao nhưng đòi hỏi toàn bộ hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước đến cơ quan thực hiện dịch vụ bưu chính và người dân đều phải tuân thủ nghiêm các quy định, có hiểu biết, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Hiện nay, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết TTHC vẫn còn hạn chế do một bộ phận người dân còn thiếu trình độ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn tâm lý muốn đến làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước hơn là gửi hồ sơ qua mạng vì họ nghĩ không biết hồ sơ gửi qua mạng đã đầy đủ chưa, có được giải quyết hay không. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ thủ tục mức độ 3, 4 có thể triển khai trực tuyến để đưa vào thực hiện. Xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi giải quyết TTHC ở mức độ 3, 4 đến người dân và doanh nghiệp để tránh tình trạng công nghệ hiện đại, tính hiệu quả cao nhưng số lượt người sử dụng chỉ vài trường hợp mỗi năm.
 
Ông Đặng Sỹ Tâm (tổ 2, phường Đống Đa): Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Thay vì phải đến tận phường để đăng ký, khai báo, người dân có thể đăng ký ngay tại nhà. Thời gian trả kết quả cũng được rút ngắn nhiều. Tuy nhiên, theo tôi, thành phố cần có biện pháp tuyên truyền, khuyến khích, tận tình hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích để đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh lãng phí và hình thức. Đồng thời, thực hiện tốt việc trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi thẩm quyền của thành phố tiếp nhận qua các kênh thông tin khác nhau.

 QUANG TẤN-TRẦN DUNG
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.