Phú Thiện: Sức bật từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Ngày 31-5, Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức hội nghị biểu dương nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024. Với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chị Nay H’Niên (bìa phải, bôn Ma H’Rai, xã Ia Hiao) là 1 trong 22 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024. Ảnh: Vũ Chi

Chị Nay H’Niên (bìa phải, bôn Ma H’Rai, xã Ia Hiao) là 1 trong 22 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024. Ảnh: Vũ Chi

Thi đua làm giàu

Chị Nay H’Niên (bôn Ma H’Rai, xã Ia Hiao) là 1 trong số 22 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024. Để có được niềm vinh dự hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của cả 2 vợ chồng chị trong suốt thời gian qua. Năm 2018, nhận thấy công việc làm thuê làm mướn bấp bênh lại không mang lại thu nhập cao, được Hội Nông dân xã tư vấn, hỗ trợ, chị quyết tâm vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chồng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.

Với 20 triệu đồng chồng gửi về đều đặn mỗi tháng, chị vừa trả lãi ngân hàng, vừa tiết kiệm đầu tư mua bò sinh sản, mua đất trồng mì, ruộng trồng lúa. Chị tham gia Tổ hội chăn nuôi bò sinh sản, Chi hội nghề nghiệp trồng mì của bôn để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Sau 6 năm, không chỉ trả hết nợ Ngân hàng, chị có trong tay 6 con bò, 1 ha mì, 1,3 ha trồng lúa, bắp.

Đi lên từ gian khó, chị hiểu được khó khăn của những hộ nghèo tại địa phương. Với tinh thần tương thân tương ái, từ năm 2021, chị cho 2 chị Ksor H’Nhi và Nay H’Thư (cùng bôn) nhận bò nuôi rẽ. Khi bò mẹ sinh sản, con bê thứ nhất thuộc về người nuôi, con bê thứ 2 trả lại cho chủ bò. Mô hình này vẫn đang duy trì và cuối năm 2023 cả 2 gia đình được giúp đỡ đã thoát nghèo. “ Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình tôi thu nhập 350 triệu đồng/tháng. Vui nhất là mình giúp được 2 chị trong bôn thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương”-chị H’Niên bộc bạch.

Trong khi đó, xác định kinh doanh dịch vụ là thế mạnh của địa phương, Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện chú trọng tuyên truyền, vận động thành lập các chi, tổ hội trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ; qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai mang lại thu nhập cao cho nông dân Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai mang lại thu nhập cao cho nông dân Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Chị Ksor H’Noái (Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện) cho biết: Trong 3 năm qua, số hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp 539 hộ; trong đó số hộ đạt danh hiệu 445 hộ, chiếm 83% số hộ đăng ký, tăng 200 hộ so với giai đoạn 2017-2022. Tiêu biểu có hộ hội viên Nguyễn Anh Tuấn (tổ 6), Bùi Duy Hoàng (tổ 8), Ngô Quang Ninh (tổ 4), Đinh Thị Sâm (tổ 7) với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Lan tỏa sâu rộng

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Thị Đam, giai đoạn 2022-2024, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại huyện Phú Thiện phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ nhiều hộ nông dân tham gia.

Để phong trào được duy trì và phát huy rộng rãi, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện triển khai cho hội viên vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi với tổng dư nợ trên 150 tỷ đồng với 2.943 lượt hộ vay; phối hợp tổ chức 14 lớp dạy nghề cho 420 lượt người tham gia; 41 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.910 lượt hội viên; phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp cung ứng cho hội viên nông dân 59 tấn lúa; 93 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Giai đoạn 2022-2024 số hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp trong huyện 3.063 hộ, chiếm 46,2% số hộ đăng ký. Trong đó, cấp Trung ương 4 hộ, cấp tỉnh 247 hộ, cấp huyện 1.252 hộ, cấp cơ sở 1.560 hộ. Tuy kết quả còn khiêm tốn song đây là niềm tự hào đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Phú Thiện”-bà Đam phấn khởi cho biết.

4 tập thể được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024. Ảnh: Vũ Chi

4 tập thể được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024. Ảnh: Vũ Chi

Qua phong trào đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng; hỗ trợ 542 ngày công lao động, 1.200 cây con giống các loại và 500 tấn lương thực, thực phẩm cho 952 lượt hộ nông dân nghèo. Phong trào cũng góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Rcom Xuân-Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện-đánh giá: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững đã được Hội Nông dân huyện chú trọng triển khai, phát huy tinh thần năng động sáng tạo trong sản xuất của hội viên nông dân; bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Qua đó, xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để phong trào đi vào chiều sâu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đề nghị các cấp Hội có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá để nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, điển hình trong phong trào; phấn đấu hàng năm có từ 60% trở lên số hộ viên đăng ký và 50% trở lên số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp như mục tiêu đã đề ra.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho 4 tập thể, 22 cá nhân; Hội Nông dân huyện tặng giấy khen cho 2 tập thể, 8 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” giai đoạn 2022-2024; đồng thời trao giấy chứng nhận hộ sản xuất-kinh doanh giỏi cấp huyện cho 45 hộ gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.