Phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm này, các hộ kinh doanh thường tích trữ lượng hàng hóa lớn, lượng điện tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh cũng tăng lên. Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ, người dân và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao ý thức phòng ngừa, chấp hành đúng quy định an toàn khi sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt.
Năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 22 vụ cháy, làm 1 người chết và thiệt hại tài sản hơn 2,1 tỷ đồng. So với năm 2021, số vụ cháy giảm 7 vụ, thiệt hại tài sản giảm hơn 6,1 tỷ đồng. Qua điều tra, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt trong sinh hoạt và tại các hộ gia đình dùng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Thời điểm giáp Tết, hoạt động giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu được các cơ sở kinh doanh tích trữ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, qua công tác kiểm tra của lực lượng chức năng, việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của một số cơ sở, doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, tình trạng hàng hóa bày bán xâm chiếm lối đi diễn ra phổ biến. Mái che, đường điện kéo nối tự do chằng chịt ở các ki ốt. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh còn chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, điện để đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, đốt rác... nên rất dễ xảy ra cháy, nổ. Ngoài ra, thời điểm cuối năm, thời tiết trên địa bàn tỉnh giá lạnh kéo dài nên người dân thường sử dụng bếp lửa để sưởi ấm cả ngày lẫn đêm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy. Điển hình như vụ cháy xảy ra lúc 6 giờ 15 phút ngày 21-12-2022 tại làng Kon Sơ Bai, xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Do thời tiết lạnh, gia đình ông Ưng đốt lửa sưởi ấm ở phía hông nhà. Vì sơ ý, ông Ưng để lửa bén vào can xăng khiến căn nhà bị thiêu rụi. Vụ cháy gây thiệt hại về tài sản khoảng 25 triệu đồng.
Căn nhà của ông Ưng (làng Kon Sơ Bai, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) bị cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt. Ảnh: Tuấn Anh
Căn nhà của ông Ưng (làng Kon Sơ Bai, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) bị cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt. Ảnh: Tuấn Anh
Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh và Công an các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nâng cao ý thức, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng-chống cháy, nổ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, xử lý đối với cơ sở vi phạm.
Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) khuyến cáo: Để ngăn ngừa hỏa hoạn, đảm bảo công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp Tết Nguyên đán 2023, người dân và chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; khi sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… phải có người trông coi; không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sinh hoạt hàng ngày; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Ngoài ra, Công an tỉnh đã triển khai App báo cháy 114 hỗ trợ người dân thông báo cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Việc triển khai App báo cháy 114 sẽ giúp lực lượng chữa cháy nhanh chóng xác thực tin báo để đánh giá cơ bản tình hình và đưa ra phương án triển khai chữa cháy phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do các vụ cháy, nổ gây ra.
TUẤN ANH

Có thể bạn quan tâm