(GLO)- Chiều 14-1, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, thiệt hại do hồ tiêu chết. Đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 39.970 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2019; tổng dư nợ cho vay đạt 94.439 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2019; tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,76% tổng dư nợ, tăng 1,04% so với cuối năm 2019.
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhóm 5 ngành-lĩnh vực kinh tế ưu tiên, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, cho vay bình ổn thị trường, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Liên quan đến tình hình hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với dư nợ là 14.290 tỷ đồng, các chi nhánh ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.399 tỷ đồng với 590 khách hàng, miễn giảm lãi cho số dư nợ 2.226 tỷ đồng với 8.384 khách hàng, cho vay lũy kế 8.400 tỷ đồng với 2.590 khách hàng.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh định hướng chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn huy động tăng 7%, dư nợ cho vay tăng 5% so với năm 2020, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Sơn Ca |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà ngành Ngân hàng tỉnh đã đạt được trong năm vừa qua.
Đối với năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành Ngân hàng cần chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ và các kế hoạch của UBND tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bám sát định hướng phát triển kinh tế của địa phương để đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm như lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng kinh tế động lực, đô thị trung tâm, khu/cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển dịch vụ thanh toán tiện lợi, an toàn cho khách hàng...
SƠN CA