Ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm các mức lãi suất theo quy định, triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Lao đao vì đại dịch

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong 3 tháng qua đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bà Trương Thị Lệ Thủy-chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên Hoài Phương (189 Hai Bà Trưng, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Hoạt động vận tải đường bộ bị tác động trực tiếp từ khi xảy ra dịch Covid-19. Lượng khách giảm mạnh nên doanh nghiệp chỉ đưa vào khai thác 1/3 số đầu xe mà gần như chuyến nào cũng phải bù lỗ. Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải cắt giảm chuyến, cắt giảm đầu xe trong khi áp lực về chi phí vận hành, lương, lãi vay ngân hàng luôn cận kề. Rất mong ngân hàng có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn trong giai đoạn này”.

 Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm tới 2%/năm. Ảnh: SƠN CA
Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm tới 2%/năm. Ảnh: SƠN CA



Nông nghiệp cũng là lĩnh vực đang chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh cộng thêm nỗi lo giá cả xuống thấp, hạn hán kéo dài. Ông Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Trong tình hình dịch Covid-19, các thành viên Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu đang gặp khó khăn “kép”. Giá hồ tiêu đang giảm sâu, lại khó tìm đầu ra. Không có nguồn thu nhập, nông dân không có tiền tái đầu tư cho sản xuất thì ảnh hưởng rất lớn cho cây trồng mùa vụ tiếp theo. Đồng thời, không trả lãi, trả nợ vay đúng hạn thì ảnh hưởng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới”. Cũng theo ông Sơn, chưa bao giờ nông dân gặp khó khăn và chịu áp lực như hiện nay. Trên một số diện tích hồ tiêu chết do dịch bệnh, nhiều nông dân đã phải chuyển sang trồng cây ngắn ngày như: rau màu, chanh dây, khoai lang, đậu phộng… Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại nông sản này cũng gặp khó về đầu ra.

Ngân hàng chủ động vào cuộc  

Ngay từ khi mới xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã chủ động làm việc với các khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời như giảm lãi suất, giảm phí cũng như các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ… Ông Nguyễn Tấn Nghĩa-Giám đốc LienVietPostBank-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Thông qua rà soát cho thấy, nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm vay sản xuất kinh doanh, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách, dịch vụ du lịch, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí; vay tiêu dùng phục vụ đời sống, vay phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tổng dư nợ của nhóm khách hàng này khoảng 300 tỷ đồng/gần 1.000 khách hàng. “Chúng tôi khuyến nghị khách hàng có nhu cầu hỗ trợ để cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí… cần có giấy đề nghị gửi tới ngân hàng và có đầy đủ hồ sơ chứng minh việc doanh thu bị sụt giảm so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Theo đó, Ngân hàng sẽ xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi; miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng”-ông Nghĩa thông tin.

Cũng theo ông Nghĩa, nhằm đồng hành với các khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19, từ ngày 9-4-2020, LienVietPostBank tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm tới 2%/năm. Gói hỗ trợ đặc biệt này được áp dụng cho cả các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân. Chương trình dự kiến được triển khai đến hết ngày 30-9-2020 hoặc hết quy mô gói. Song song với các gói hỗ trợ trên, LienVietPostBank cũng đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng số nhằm hỗ trợ khách hàng giao dịch thuận tiện hơn và tránh được tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Cùng thời điểm, thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng triển khai gói ưu đãi đặc biệt trị giá 3.000 tỷ đồng dành cho các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, SHB sẽ giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD. Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB-Chi nhánh Gia Lai-chia sẻ: “Về phía Chi nhánh, thông qua việc rà soát tình hình hoạt động của khách hàng trên địa bàn cho thấy, một số doanh nghiệp lĩnh vực cao su, khách sạn đang gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm, ước tính có khoảng 70 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Trên tinh thần chia sẻ, đồng hành vượt qua khó khăn, chúng tôi chủ động cân đối lợi nhuận tới điểm hòa vốn để thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, Chi nhánh đưa ra chính sách hỗ trợ khác như cơ cấu lại thời hạn trả nợ song vẫn giữ được nguyên nhóm nợ, ưu đãi phí trả nợ trước hạn”.

Cùng nhau vượt qua khó khăn

  Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm tới 2%/năm. Ảnh: S.C
Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm tới 2%/năm. Ảnh: S.C



Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, đến ngày 15-4-2020, trên địa bàn tỉnh có số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 2.339 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 619 tỷ đồng/298 khách hàng. Trong đó, dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 318 tỷ đồng/80 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm lãi là 301 tỷ đồng/218 khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã cho vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh với doanh số 126 tỷ đồng/54 khách hàng.

Ông Nguyễn Hải Sơn-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-nhấn mạnh: “Hiện nay, các chi nhánh ngân hàng tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá thiệt hại của khách hàng để có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời theo quy định. Đồng thời, để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 285 ngàn tỷ đồng, giảm 0,5-1%/năm so với mặt bằng lãi suất chung; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, giảm lãi suất cho vay mới, giảm phí dịch vụ ngân hàng”.  

 

 SƠN CA


 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.