Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cầu nối xúc tiến thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (8 và 9-12), Hội Nông dân tỉnh Gia Lai phối hợp với huyện Kông Chro tổ chức Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Đây là dịp để hội viên, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai Phạm Nhuần (thứ 2 bên trái) cùng đại diện lãnh đạo Hội Nông dân một số địa phương, tham quan gian hàng tại Phiên chợ. Ảnh: Ngọc Minh
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai Phạm Nhuần (thứ 2 từ trái sang) cùng đại diện lãnh đạo Hội Nông dân một số địa phương, tham quan gian hàng tại Phiên chợ. Ảnh: Ngọc Minh

Phiên chợ thu hút 19 gian hàng của Hội Nông dân các huyện Kông Chro, Mang Yang, Phú Thiện, Kbang, thị xã An Khê và Ayun Pa. Trong đó có 14 gian hàng của Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kông Chro. Các gian hàng, trưng bày, giới thiệu những loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, OCOP hoặc sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương.

Vừa bê thùng rau dớn từ trên xe máy xuống, anh Đinh Văn Khơch (làng Krắc, xã Đak Sông, huyện Kông Chro) nhanh tay bắt con gà ra khỏi lồng, giao cho khách hàng. Anh Khơch vui vẻ nói: “Hội Nông dân xã đem tới Phiên chợ 13 mặt hàng rau, củ và gia cầm. Đến tối ngày 8-12, chúng tôi đã bán được 30 đọt mây, 20 bó rau dớn và 1 tạ gạo rẫy. Sớm nay, tôi về lấy thêm 30 bó rau dớn và mấy con gà giao cho khách đặt trước. Bán hết hàng, chúng tôi đi tham quan, thấy nhiều mô hình trồng trọt mới có thể áp dụng vào sản xuất trong thời gian tới”.

Cùng hội viên sắp xếp gian hàng cho gọn gàng, bắt mắt, ông Đinh Văn Khuyên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Krêy (uyện Kông Chro) giới thiệu: Chúng tôi có củ mì, chuối, đu đủ, mắc ca, sâm đương quy, măng khô và một số rau quả. Chủ yếu sản phẩm của hội viên người Bahnar. “Vừa quảng bá hàng hóa, chúng tôi vừa giao lưu học hỏi. Tôi thấy mô hình trồng cây ăn quả, trồng bo bo, hạt cào làm rượu ghè đang được một số Hội Nông dân trên địa bàn triển khai hiệu quả. Sau Phiên chợ, Hội sẽ tham mưu UBND xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm, triển khai mô hình; tiếp tục vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn”. 

Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 có 14 gian hàng của các Hội Nông dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh
Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 có 14 gian hàng của các Hội Nông dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh

Tham gia Phiên chợ, Hội Nông dân thị xã Auyn Pa giới thiệu một số sản phẩm thế mạnh của địa phương như tổ yến, bò khô sợi, ngũ cốc dinh dưỡng, rượu đông trùng hạ thảo, măng khô, trà tía tô túi lọc, muối sả, bông đu đủ sấy. Trong đó có sản phẩm nấm sò, nấm rơm sấy do hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Rbol trồng trọt, chế biến. Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình hội viên. “Tại Phiên chợ đã có một số hội viên nông dân xin chúng tôi thông tin mô hình trồng nấm để tham quan, học hỏi. Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm trưng bày tại Phiên chợ đều được khách hàng đánh giá cao, mua về sử dụng”-ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Auyn Pa cho biết.

Bên cạnh gian hàng của Hội Nông dân, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng tham gia, quảng bá sản phẩm tại Phiên chợ. Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho biết: “Chúng tôi mới phát triển thêm sản phẩm cao sâm đinh lăng. Qua Phiên chợ HTX giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, đồng thời tìm kiếm đối tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ và nông nghiệp An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) Trần Thị Tầm chia sẻ: “Ngoài rau, củ, quả, chúng tôi bày bán một số sản phẩm mới như nước chuối lên men tự nhiên, mặt nạ thảo mộc, mật ong rừng ngâm hoa đu đủ và sữa chua khoai môn. Sau 2 ngày, HTX thu gần 3 triệu đồng”.

Tham quan, mua sắm tại Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Lưu Thị Hồng Hoa (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Sản phẩm tại Phiên chợ khá đa dạng, phong phú. Các loại rau củ quả, trái cây đều tươi ngon, giá cả phải chăng. Qua Phiên chợ, tôi biết thêm một số mặt hàng rất ngon như chả cá thác lác hồ Ayun Hạ, khô bò, vỏ chanh dây sấy dẻo... Tôi đã mua về dùng và biếu người thân, bạn bè”.

Đã có hơn 1.000 người dân đến tham quan, mua sắm tại Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Ảnh: Ngọc Minh
Đã có hơn 1.000 người dân đến tham quan, mua sắm tại Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, địa phương có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, các ngành, các cấp đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP… Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nói chung và nông sản an toàn nói riêng, cách tiếp cận thị trường của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nông sản, HTX vẫn còn nhiều khó khăn. 

“Nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của người dân đến người tiêu dùng; đồng thời, để người tiêu dùng mua sắm, sử dụng những sản phẩm an toàn, tin cậy, Hội Nông dân tỉnh cùng với huyện tổ chức Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên chợ là dịp để bà con kết nối tiêu thụ nông sản; học hỏi, sẻ chia nhiều cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai Phạm Nhuần, Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua Phiên chợ để các tổ hợp tác, hợp tác xã, các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân. Phiên chợ là nơi gặp gỡ giữa người sản xuất và người tiêu dùng; giữa nông dân với các tổ chức kinh tế; là điều kiện tốt để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các tổ chức kinh tế; giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Kông Chro, sự tham gia nhiệt tình của Hội Nông dân các địa phương, Phiên chợ đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút hơn 1.000 người dân tham quan, mua sắm. Thời gian tới, Hội sẽ luân phiên tổ chức Phiên chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương khác; tổ chức bằng nhiều hình thức để hội viên, nông dân dân tộc thiểu số có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm do mình làm ra. Đồng thời, tăng sự kết nối giữa Hội Nông dân với các công ty, doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho bà con”-ông Nhuần thông tin.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 13 ngàn tấn hồ tiêu, trị giá 87 triệu USD (giảm 25,6% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng từng được ví như loại trái "tỷ đô" với kim ngạch xuất khẩu liên tiếp phá kỷ lục nhiều năm nhưng lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi sản lượng xuất khẩu giảm tới 80% trong những tháng đầu năm.

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

(GLO)- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu… là những giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh trong năm 2025.

Hợp tác xã Sản xuất điều Ia Grai thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các thành viên và người dân. Ảnh: N.H

“Điểm tựa” của người trồng điều

(GLO)- Với việc tích cực phối hợp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống và bao tiêu sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất điều Ia Grai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã trở thành “điểm tựa” của bà con nông dân trên địa bàn.

Gia Lai triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Gia Lai triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 20-1-2025 về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.