Phan Văn Long: "Cứu tinh" của SHB Đà Nẵng và tuổi thơ cơ cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phan Văn Long đang được coi là “kẻ hồi sinh” SHB Đà Nẵng, khi giúp CLB sông Hàn giành liên tiếp những kết quả có lợi. Thế nhưng ít người biết rằng, sự nghiệp của chàng trai 24 tuổi này lại vô cùng ghập ghềnh.
11 tuổi dám quyết định cuộc đời mình
Bộc lộ năng khiếu bóng đá từ nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ không cho Phan Văn Long thời gian rảnh để đá bóng. Hàng ngày cứ sau giờ học văn hóa, các bạn Long thường tụ tập chơi bóng cùng nhau, còn Long phải lặng lẽ ra về theo ba mẹ ra đồng làm việc.
Phan Văn Long đang thăng hoa trong màu áo SHB Đà Nẵng.
Phan Văn Long đang thăng hoa trong màu áo SHB Đà Nẵng.
Hiểu được hoàn cảnh của nhà mình, cậu bé Long đã không nản chí mà vẫn miệt mài vừa giúp đỡ bố mẹ, vừa âm thầm học đá bóng ở trường trong những giờ ra chơi. Nhờ thế, kỹ năng chơi bóng của Long không bị "cùn" và Long trở thành một cầu thủ quan trọng của đội bóng nhà trường, thi đấu các giải nhi đồng cấp thành phố, cấp tỉnh.
Đến năm học lớp 6, khi Long 11 tuổi, SHB Đà Nẵng vào Quảng Nam tuyển quân, cậu bé Phan Văn Long đã tự mình đăng ký tham gia và trúng tuyển.
"Long giấu gia đình để đi thi tuyển bóng đá, nên gia đình tôi hoàn toàn bất ngờ khi trên tỉnh gửi giấy báo Long đỗ vào lớp năng khiếu bóng đá của SHB Đà Nẵng. Biết cháu mê bóng đá đấy, nhưng nhà nghèo, ngày nào đi học về cũng theo ba mẹ ra đồng thì lấy đâu thì giờ mà đá bóng", bà Huỳnh Thị Tiến, mẹ Phan Văn Long cho biết.
Bất ngờ với giấy báo trúng tuyển, bố mẹ Long tiếp tục rơi vào hoàn cảnh khó xử khi Văn Long mới 11 tuổi, còn quá bé và ốm yếu đã phải xa gia đình. Tuy nhiên, trước khát khao và nguyện vọng muốn được trở thành cầu thủ của cậu con trai cả, ông bà đành quyết định gửi gắm Long cho các thầy ở "lò" SHB Đà Nẵng.
"Gia đình không có bà con thân thích gì ở Đà Nẵng, nên việc Long ra ngoài Đà Nẵng học đá bóng chúng tôi hoàn toàn nhờ cậy các thầy ở đó. Lúc đầu, mỗi tuần một lần tôi có bắt xe ra thăm con, nhưng sau Long đã quen nên tôi cũng rất ít khi ra thăm cháu.
Ra SHB Đà Nẵng thăm con, nhìn con họ được bố mẹ sắm sửa đủ thứ từ giày dép đến áo quần mới, còn Long dùng đồ cũ, nhiều lúc ra về tôi ứa nước mắt. Cũng may, Long là đứa ngoan ngoãn, biết lo nghĩ cho bố mẹ nên rất cố gắng và cũng chẳng bao giờ đòi hỏi gì".
Gắn với biệt danh "Long Di Maria"
Nói về người học trò của mình, HLV Phan Công Thìn tự hào chia sẻ: "Về mặt đạo đức, tôi rất quý Long vì em ấy rất hiền, ít nói, sống thầm lặng, có tinh thần cầu tiến.
Về kỹ năng, Long có kỹ thuật và tư duy chơi bóng của một cầu thủ tài năng. Kỹ năng dứt điểm đa dạng, đặc biệt, Long dứt điểm bóng sống thuộc vào dạng hiếm của bóng đá Việt Nam".
Đúng như lời ông Thìn, Phan Văn Long với sự siêng năng cũng những phẩm chất sẵn có đã trưởng thành rất nhanh để trở thành một trong những tài năng đáng kỳ vọng nhất của bóng đá thành phố bên bờ sông Hàn. Để rồi trong lần đầu tham dự giải U17 QG 2013, Văn Long lập tức trở thành trụ cột giúp SHB Đà Nẵng đoạt chức vô địch. Năm đó, Văn Long cũng ẵm luôn cả danh hiệu cá nhân là Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Thể hiện thành công ở các giải trẻ, tiền đạo của SHB Đà Nẵng lọt vào mắt xanh của HLV Guillaume Graechen và ông thầy người Pháp đã dành cho Long một suất ở đội tuyển U19 Việt Nam.
Cú vẩy má ngoại điệu nghệ "như siêu phẩn của Di Maria" để ấn định tỷ số 4-1 cho U19 Việt Nam trước U19 Myanmar trên SVĐ QG Mỹ Đình tại giải U19 Đông Nam Á 2014 là khoảnh khắc kỳ diệu, giúp chàng tiền đạo trẻ SHB Đà Nẵng vụt sáng giữa một rừng sao đến từ Học viện HAGL Arsenal JMG. Khoảnh khắc ấy giúp nhiều người biết đến Phan Văn Long và biệt danh "Long Di Maria" cũng gắn liền với cầu thủ này từ đây.
"Long tự lập từ bé, chúng tôi rất vui mừng vì Long trưởng thành và có được như ngày hôm nay. Bây giờ, Long là niềm tự hào lớn của gia đình, hàng xóm láng giềng… Cũng nhờ xem Long đá bóng trên TV mà nhiều người đã biết đến gia đình chúng tôi, giúp chúng tôi nở mày nở mặt.
Ngày trước nhà nghèo không có điều kiện để cho Long đi đá bóng, may nhờ các thầy ở SHB Đà Nẵng đã làm việc này thay gia đình, chúng tôi thật sự rất biết ơn", ông Phan Đình Thêm, bố Phan Văn Long chia sẻ.
Con đường gập ghềnh
Tưởng như sau thành công cùng U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2014, Phan Văn Long sẽ có một tương lai tươi sáng bên cạnh những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường… Thế nhưng trong khi các đồng bạn cùng trang lứa có những bước tiến dài trong sự nghiệp cấp CLB và ĐTQG thì Văn Long bất ngờ chững lại. Chấn thương khiến anh lỡ hẹn với U23 Việt Nam. Việc cạnh tranh với quá nhiều những đàn anh kinh nghiệm ở SHB Đà Nẵng khiến Văn Long không thể tìm được vị trí trong đội hình của HLV Lê Huỳnh Đức.
Hai mùa V.League đầu tiên, Văn Long đá vỏn vẹn 55 phút. Mùa bóng 2017, phải đến khi Hà Đức Chinh bị chấn thương, Văn Long mới được trao cơ hội đá chính nhiều hơn. Văn Long ít nói, sống thầm lặng. Cộng thêm với sự mờ nhạt trong màu áo CLB, anh dần trở thành người vô hình trong bản đồ bóng đá Việt Nam. Đúng trong tình cảnh bế tắc nhất, HLV Park Hang-seo như một vị cứu tinh cho cuộc đời cầu thủ quê Tam Kỳ. Văn Long có tên trong thành phần U23 Việt Nam dự M-150 Cup 2017 để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018.
Phút 54 trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar tại giải M-150 Cup 2017, Văn Long được thầy Park trao cơ hội đưa vào sân. Chỉ 10 phút có mặt trên sân, anh di chuyển rất thoáng bên cánh trái đón đường chuyền từ phía đối diện của đồng đội. Một nhịp khống chế, một cú cứa lòng. Mọi thứ diễn ra một cách gọn gàng để đưa Văn Long lên bảng tỷ số. 5 phút sau, anh xoay trở nhẹ nhàng ở trung lộ, tung đường chọc khe cho Công Phượng băng xuống ấn định chiến thắng 4-0 cho U23 Việt Nam.
Sau 2 khoảnh khắc kể trên, tưởng như sự nghiệp chơi bóng của Phan Văn Long đã bước sang một trang mới. Thế nhưng một lần nữa, cơn ác mộng mang tên chấn thương lại ập tới. Những phút cuối ở trận đấu với U23 Myanmar, Phan Văn Long đã tái phát chấn thương cơ háng ở mức độ nghiêm trọng và buộc HLV Park Hang-seo phải gạch tên anh khỏi chiến dịch Thường Châu – nơi mà U23 Việt Nam tạo nên một chiến tích thần thánh bằng ngôi á quân.
Lỡ cơ hội cùng các đồng đội vang danh châu Á, Phan Văn Long lầm lũi trở lại SHB Đà Nẵng, nơi anh tiếp tục phải vật lộn với chấn thương và cố gắng tìm kiếm một vị trí trong đội hình 1 khi mà đàn anh Võ Huy Toàn luôn thi đấu xuất sắc. Phải tới cuối mùa giải 2019, cái tên Phan Văn Long mới dần xuất hiện trở lại trong tâm trí NHM bóng đá sông Hàn khi anh ghi 2 bàn trong 3 trận cuối mùa giải.
Mùa này, anh chàng tiền vệ từng được mệnh danh là "Di Maria Việt Nam" đã trở lại thực sự. Không còn bị chấn thương đeo bám, Phan Văn Long trở thành nhân tố chủ lực tại SHB Đà Nẵng. Anh đã ra sân 7 trận kể từ đầu mùa. Trong chuỗi 4 trận bất bại gần nhất của thầy trò Lê Huỳnh Đức, Phan Văn Long là tác giả của 3 bàn thắng. Derby xứ Quảng, chàng trai sinh năm 1996 này ghi bàn giúp SHB Đà Nẵng thắng 6-1. Đến chiến thắng 3-1 trước HAGL, Phan Văn Long làm lu mờ những Văn Toàn, Minh Vương, Việt Hưng, Văn Thanh, Hồng Duy… bên phía đối phương. Và mới đây, khi SHB Đà Nẵng cầm hòa ứng cử viên vô địch CLB TP.HCM 2-2 trên sân Thống Nhất, tiền vệ này là người mở tỷ số trận đấu…
Không phải là Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng hay Nguyễn Thanh Thịnh, mà Phan Văn Long mới là người được nhắc tới nhiều nhất tại SHB Đà Nẵng lúc này. Có lẽ, HLV Park Hang-seo và các trợ lý của mình cũng đã có những ghi chép tỉ mỉ về "Di Maria Việt Nam", và nhà cầm quân người Hàn Quốc có quyền nở nụ cười khi cậu học trò mình ưu ái ngày nào đã thực sự trở lại. Sẽ không có gì bất ngờ nếu cái tên Phan Văn Long xuất hiện trong danh sách triệu tập ĐT Việt Nam thời gian tới!
Tuệ Chính (Theo TTVH/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.