Nông sản Việt liên tục bị EU 'tuýt còi', cao hơn hẳn hàng Thái Lan, Hàn Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, EU gia tăng số lượng cảnh báo với hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTT) Ngô Xuân Nam nhấn mạnh, 'không thể coi xuất khẩu càng nhiều cảnh báo càng tăng là bình thường'.

'Không thể coi là bình thường'

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, tổng cảnh báo của EU theo mối nguy đối với nông sản, thực phẩm toàn cầu trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 5.268 lần và 624 lần.Đángchú ý, trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới trong 2 tháng đầu năm 2025 của EU, có 4 cảnh báo liên quan sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.

Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam phát biểu tại hội nghị. ẢNH: ĐAN THANH
Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam phát biểu tại hội nghị. ẢNH: ĐAN THANH

Thống kê số lượng cảnh báo của EU theo một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2024 và 2 tháng năm 2025 cho thấy, lượng cảnh báo với Việt Nam lần lượt là 114/5.268 (2,2%) và 16/624 (2,6%). Số lượng cảnh báo của Việt Nam cao hơn hẳn so với Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản trong cùng thời kỳ.

Xét riêng cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU theo các mối nguy từ năm 2023 tới tháng 2.2025, mối nguy bị cảnh báo hàng đầu là dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) với tỷ lệ cảnh báo trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay lần lượt là 38/67 (56,7%); 61/114 (53,5%); 5/16 (31,3%).

TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương đứng đầu về số lượng bị cảnh báo. Trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay, số lượng cảnh báo của EU với nông sản, thực phẩm từ TP.HCM lần lượt là 34/67 (50,7%); 42/114 (36,8%); 4/16 (25%); Hà Nội là 7/67 (10,4%); 10/114 (8,8%) và 0%.

"Hầu hết những tỉnh, thành phố bị cảnh báo nhiều là các địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực thi Đề án nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là Đề án SPS)", Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam chia sẻ tại Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU. Hội nghị do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 24.2.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị cảnh báo ngày càng nhiều bởi trị giá xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm.

Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh: "Thời gian qua, số lượng cảnh báo gia tăng tương đối lớn, song trị giá xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường EU chậm hơn. Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới ngày càng nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu, không thể coi xuất khẩu càng nhiều cảnh báo càng tăng là bình thường".

Giám sát chặt chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu

Một trong những nguyên nhân khiến hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam bị EU gia tăng cảnh báo được ông Nam chỉ ra là cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Đến ngày 20.2, mới có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án SPS.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. ẢNH: TN
Các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. ẢNH: TN

Hiện nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng gia tăng các biện pháp SPS đối với nông sản, thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Ông Nam cho rằng, thời gian tới cần siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản; tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU…

"Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin", ông Nam nói.

Bày tỏ nhiều quan ngại khi thị trường EU ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm, ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đề xuất cơ quan quản lý cấp bộ ban hành cập nhật các văn bản quy phạm hướng dẫn kỹ thuật về quy định mới của EU để các địa phương có cơ sở cập nhật, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định mới.

"Cần có cẩm nang hướng dẫn thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt với các ngành hàng một cách cụ thể để địa phương thực hiên; thường xuyên phối hợp địa phương để kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất ngành hàng", ông Tấn nói.

Ông Nguyễn Anh Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại toàn cầu Thanh Niên (TP.HCM), mong muốn Văn phòng SPS Việt Nam có thêm cơ quan đầu mối tại phía nam để hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực này.

"70% nguyên liệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đến từ khu vực phía nam, nhưng hiện nay việc tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp xuất khẩu còn khá khó khăn. Đề xuất thời gian tới có thêm nhiều diễn đàn liên quan tổ chức tại khu vực phía nam để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Duy nhấn mạnh.

Theo Đan Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hồ Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã gần cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Q.T

Gồng mình ứng phó với nắng hạn

(GLO)- Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến mực nước tại các sông, suối, ao, hồ, đập dâng trong tỉnh Gia Lai giảm mạnh, nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng là rất lớn.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Anh Trương Văn Sơn (bìa trái, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) giám sát nhân công thu hoạch diện tích khoai lang của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Nông dân Phú Thiện trúng mùa khoai lang

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch khoai lang. So với năm ngoái, vụ khoai lang năm nay được mùa, được giá, nông dân thu lời bình quân trên 130 triệu đồng/ha.