Nông dân xã Kon Gang cải thiện thu nhập từ trồng tre lấy măng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) đã tận dụng diện tích đất đồi núi hoặc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre Đài Loan lấy măng gắn với chế biến các sản phẩm từ cây măng để cải thiện thu nhập.

Gia đình bà Hồ Thị Vân (thôn Kóp) là hộ đầu tiên của xã trồng tre lấy măng tại xã Kon Gang nói riêng và huyện Đak Đoa nói chung. Bà Vân cho biết, năm 2008, khi rời Đắk Lắk qua Gia Lai lập nghiệp, bà đã mang theo 1 bụi tre giống Đài Loan để trồng sau vườn nhà. Thời điểm đó, bà ít khi chăm sóc mà để tre tự phát triển. Đến khoảng năm 2013, gia đình bà có 23 cây tre, thấy nhiều người hỏi mua măng, bà cắt bán, mỗi năm cũng thu hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả mang lại cao, năm 2018, bà bắt đầu chuyển đổi dần 1,5 ha cà phê của gia đình sang trồng tre lấy măng. Sau gần 1 năm trồng, tre đã cho thu bói và 1 năm sau cho thu chính với năng suất đạt từ 35-40 tấn măng tươi/1,5 ha. Bán với giá từ 15-35 ngàn đồng/kg tùy thời điểm, mỗi năm bà thu gần 700 triệu đồng. “Do toàn bộ cây giống đều tự nhân từ gốc giống tre cũ nên gia đình tôi không tốn chi phí mua giống. Mỗi năm, tôi chỉ tốn khoảng 26 triệu tiền phân bón, bao gồm phân chuồng và phân NPK cùng với một ít tiền nhân công chăm sóc, thu hái nên sau khi trừ chi phí thu được lợi nhuận cao”-bà Vân phấn khởi cho biết.

Gia đình bà Hồ Thị Vân là hộ đầu tiên trồng tre lấy măng tại xã Kon Gang. Ảnh: Nhật Hào

Gia đình bà Hồ Thị Vân là hộ đầu tiên trồng tre lấy măng tại xã Kon Gang. Ảnh: Nhật Hào

Nói về kinh nghiệm trồng tre lấy măng, bà Vân cho biết thêm, để đạt năng suất cao, mỗi sào đất chỉ nên trồng khoảng 40 cây với khoảng cách hàng cách hàng là 5m, cây cách cây khoảng 4 m. Trước khi trồng, nên trồng tập trung cây giống vào 1 hố để đỡ công tưới nước, sau khi cây bén rễ và cho ra nhiều lá thì tách ra trồng và sau đó khoảng 1 tuần đến 10 ngày thì tưới nước 1 lần. Sau khi trồng cần bón thêm phân chuồng; đồng thời, bón thúc phân NPK trước khi thu hoạch và tưới nước để cây măng phát triển khỏe mạnh, măng cho búp to hơn. Bên cạnh đó, loại măng này có tuổi thọ khá cao và khoảng 10 năm đầu cho thu hoạch với năng suất tương đối ổn, khoảng 3 tấn/sào nếu thâm canh tốt. Tuy nhiên, để tre cho năng suất cao thì chỉ nên thu hoạch trong 6-7 năm, sau đó cải tạo đất và trồng lại.

Cũng theo bà Vân, những năm gần đây, người dân trồng tre lấy măng nhiều nên từ năm 2020, bà đầu tư mua thêm lò sấy, máy ép và tủ lạnh để chuyển sang chế biến toàn bộ măng tươi của gia đình thành các sản phẩm măng khô, măng giòn, măng muối và măng luộc để bán. Thấy thị trường các mặt hàng này tương đối ổn định, bà đã liên kết thu mua măng tươi của 19 hộ dân trên địa bàn với khoảng 30 tấn/năm để chế biến thành các sản phẩm trên để nhập cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mỗi năm, bà bán ra thị trường khoảng 1 tấn măng khô, 3 tấn măng giòn giá và 6 tấn măng muối (đóng gói và nhập sỉ) và hàng chục tấn măng luộc; trừ chi phí, mỗi năm, gia đình bà lãi gần 1 tỷ đồng.

Anh Bleo đã cải thiện thu nhập nhờ được UBND xã hỗ trợ trồng tre lấy măng. Ảnh: Nhật Hào

Anh Bleo đã cải thiện thu nhập nhờ được UBND xã hỗ trợ trồng tre lấy măng. Ảnh: Nhật Hào

Tại làng Ktu, gia đình anh Tý cũng đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ 3 sào tre Đài Loan. Anh Tý cho biết, gia đình anh có 8 sào đất sản xuất, trong đó, có 5 sào trồng cà phê, 3 sào còn lại là đất đồi bạc màu và hay bị thiếu nước tưới vào mùa khô nên chỉ trồng cỏ vào mùa mưa để làm thức ăn cho đàn bò còn mùa nắng thì bỏ hoang. Năm 2020, sau khi thấy nhiều hộ dân trên địa bàn xã trồng tre Đài Loan lấy măng cho thu nhập cao, anh Tý quyết định mua 100 cây giống về trồng trên 3 sào đất này. Đến nay, vườn tre của gia đình anh đã cho thu hoạch năm thứ 3, mỗi năm cho thu từ 2,3-2,5 tấn măng tươi, bán ra thị trường từ 15-25 ngàn đồng/kg tùy thời điểm, mỗi năm, gia đình anh thu 45-50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh còn bán cây tre giống để tăng thu nhập. “Do chi phí đầu tư trồng tre ít nên lợi nhuận mang lại tương đối cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 50 triệu đồng từ việc bán tre giống và măng tươi”-anh Tý nói.

Đặc biệt, nhận thấy mô hình trồng tre lấy măng mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, năm 2020, UBND xã Kon Gang đã triển khai mô hình trồng tre lấy măng cho 19 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo ở làng Kop với quy mô 8,3 ha. Theo đó, UBND xã đã cấp cho người dân 2.615 cây măng giống, 2.490 kg phân lân, 60 kg thuốc xử lý đất và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ đều có thu nhập ổn định từ mô hình này.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Mô hình trồng tre lấy măng có khá nhiều ưu điểm như không kén đất, có thể trồng được ở khu vực đất dốc, đất cằn cỗi, khu vực hay bị thiếu nước vào mùa khô. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập mang lại tương đối cao. Hiện nay, ngoài xã Kon Gang thì người dân ở xã Trang và H’Nol cũng đã trồng loại tre lấy măng này và bước đầu cũng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, đối với loại cây trồng này trồng tập trung sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn và huyện cũng đang khuyến cáo người dân không nên trồng xen gây ảnh hưởng năng suất các loại cây trồng khác.

Anh Bleo (làng Kop) cho biết: Được UBND xã hỗ trợ 102 cây giống tre Đài Loan, tôi đã chuyển đổi 2 sào đất trồng mì sang trồng tre. Do diện tích này hay bị thiếu nước tưới nên có 22 cây bị chết, năng suất cũng thấp. Tuy vậy, từ 80 cây tre, mỗi năm tôi cũng thu được trên 2 tấn măng tươi, bán được hơn 30 triệu đồng. “Nhờ được xã hỗ trợ giống và phân bón nên năm đầu tiên tôi không tốn chi phí đầu tư; các năm sau, mỗi năm, tôi chỉ tốn khoảng 4 đợt bón phân NPK khoảng gần 4 triệu đồng, còn lại tận dụng thêm phân bò trong quá trình chăn nuôi. Nhờ vậy, sau khi trừ chi phí, hàng năm, tôi lãi trên 25 triệu đồng”-anh Bleo nói.

Còn anh Đinh Xuất thì cho hay: Được UBND xã hỗ trợ 70 cây giống, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm trên diện tích đất dốc và nhận thấy có hiệu quả nên sau đó mua thêm hơn 100 cây giống về trồng. Hiện nay, 70 cây tre trồng từ năm 2020 vì ít được đầu tư phân bón và thiếu nước tưới nên năng suất thấp, mỗi năm thu hơn 1 tấn măng tươi/năm, bán được khoảng gần 20 triệu đồng/năm. Riêng 100 cây trồng từ cuối năm 2022 đến nay hiện vẫn đang cho thu bói và gia đình chưa thu hoạch nhiều để nhân giống nhằm cho năng suất năm sau cao hơn. Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng tre để cải thiện thu nhập.

Gia đình Xuất bắt đầu có thu nhập từ trồng tre lấy măng. Ảnh: Nhật Hào

Gia đình Xuất bắt đầu có thu nhập từ trồng tre lấy măng. Ảnh: Nhật Hào

Trao đổi với P.V, ông Phan Hồng Dũng-cán bộ địa chính nông nghiệp xã Kon Gang cho hay: Mô hình trồng tre lấy măng do người dân trên địa bàn trồng tự phát từ cách đây khoảng hơn 10 năm và trồng đại trà từ khoảng năm 2018. Đến nay, toàn xã có hơn 50 hộ trồng tre Đài Loan lấy măng, trong đó, có 13 hộ trồng tập trung, các hộ còn lại trồng trên diện tích đất dốc, dọc bờ nương với số lượng từ 1-3 sào. Qua theo dõi, cây tre dễ trồng, phù hợp với nhiều loại chất đất và không phải lo nhiều về vấn đề sâu bệnh lại ít tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trồng tre lấy măng tương đối thấp nên lợi nhuận mang lại tương đối cao. Đặc biệt, trên địa bàn xã có hộ Hồ Thị Vân đã mở cơ sở chế biến măng Vân Long với các sản phẩm măng muối, măng khô, măng giòn, trong đó, sản phẩm măng giòn và măng khô đã được chứng nhận sản phẩm Ocop 3sao và hiện đang hết hạn chờ xét duyệt lại; đồng thời, cơ sở này cũng liên kết với các hộ thu mua măng tươi cho các hộ dân. Do đó, thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các hộ dân tích cực chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre lấy măng và tổ chức tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân chăm sóc tốt nhằm đạt năng suất cao. Ngoài ra, xã cũng sẽ thực hiện sự liên kết giữa các hộ dân với các cơ sở chế biến để tiêu thụ sản phẩm, giúp cho người dân có đầu ra đảm bảo ổn định.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về bổ sung dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê; rà soát, đo đạc cắm mốc diện tích đất ngoài quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn xã Hải Yang (huyện Đak Đoa);...

Ảnh: Hùng Hoa Lư

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo trước Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn trước Quảng trường Đại Đoàn Kết; phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nước tràn qua đường tại Ngã ba Di tích Quốc gia chiến thắng Plei Me trên tỉnh lộ 665. 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan thế chấp quyền đòi nợ để vay tiền

(GLO)- Bạn đọc H.T.K. hỏi: Ông A. vay của tôi 200 triệu đồng, 2 bên có lập hợp đồng vay tài sản rõ ràng. Tôi cần tiền làm ăn gấp, trong khi đó, ông A. không trả nợ cho tôi theo thỏa thuận. Vậy tôi có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho bên thứ 3 để vay 100 triệu đồng được không?

UBND tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê - Ka Nak

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê-Ka Nak; hoạt động TTYT huyện Đức Cơ; cấp GCNQSD đất tại Khu đất Làng quân nhân Lữ đoàn 234-Quân đoàn 3; đất do Binh đoàn 15 quản lý tại tổ 6, phường Yên Thế (TP. Pleiku) đang có gần 300 hộ dân sử dụng sản xuất nông nghiệp ổn định trên 30 năm.

Theo vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sinh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông được cấp năm 2005, đường hẻm rộng 7 m tiếp giáp với thửa đất của bà Nguyễn Thị Duyên. Ảnh: T.D

Cần giải quyết thỏa đáng khiếu nại liên quan đến đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng

(GLO)- Từ năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở tổ 2 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã nhiều lần kiến nghị vì cho rằng cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mất mỹ quan đô thị.