Trồng và chế biến tre biến tính: Hướng đi triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi tổ chức đoàn tham quan tổ hợp công nghiệp chế biến tre biến tính tại Thanh Hóa và Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đang có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính tại chỗ. Kế hoạch này được xem là hướng đi triển vọng trong sản xuất lâm nghiệp.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có diện tích cây luồng (một loại cây họ tre) lớn nhất cả nước với hơn 78.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng của địa phương. Luồng được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi, tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa cung cấp 60 triệu cây luồng (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80 ngàn tấn nguyên liệu khác phục vụ chế biến và xuất khẩu, đem lại giá trị gần 553 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, trong đó xuất khẩu đạt bình quân 2,17 triệu USD.

Ông Lê Văn Khanh (thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh) cho biết: Trồng luồng đến năm thứ 5 thì bắt đầu cắt tỉa, đến năm thứ 7 thì khai thác, thu nhập đạt khoảng 30 triệu đồng/ha. Đến năm thứ 8 trở đi, nguồn thu nhập sẽ đạt 40-45 triệu đồng/ha. Cây luồng trồng một lần nhưng hưởng lợi nhiều năm bởi chu kỳ khai thác kéo dài, người dân chỉ đầu tư phân bón, công chăm sóc.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Bamboo King Vina (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: N.D

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Bamboo King Vina (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: N.D

Còn ông Đỗ Quốc Thái-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bamboo King Vina (huyện Lang Chánh) cho hay: “Cây luồng trồng được ở nhiều chân đất khác nhau. Qua tìm hiểu thì ở Gia Lai phù hợp với việc trồng tre. Nếu Gia Lai trồng với diện tích lớn, chúng tôi sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà máy để liên kết với người dân trồng, thu mua, chế biến sản phẩm từ cây tre như đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ, nội thất, vật liệu xây dựng”.

Theo ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 ha rừng tre, nứa, lồ ô và le. Những năm qua, việc trồng tre chưa được quan tâm, người dân chủ yếu khai thác nhỏ lẻ về làm giàn chanh dây hoặc lấy măng le về sấy khô cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh nên chưa phát huy hiệu quả kinh tế.

Gỗ tre chuẩn bị đưa vào chế biến. Ảnh: Nguyễn Diệp

Gỗ tre chuẩn bị đưa vào chế biến. Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua tham quan thực tế trồng và chế biến tre biến tính tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang) cho rằng cây tre phù hợp với nhiều loại đất, có thể tạo sinh kế lâu dài cho người dân sống gần rừng.

“Để tạo động lực cho sản xuất lâm nghiệp phát triển, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh cần xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm cây tre ở các vùng, khu vực khác nhau để lựa chọn những giống tre phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cần mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính; liên kết trồng gắn tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập cho người dân và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku đề xuất.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (Hà Nội): Khi người dân, các đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai trồng và tạo được vùng nguyên liệu tre đảm bảo cung cấp khoảng 1.000 tấn cây/ngày, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính tại đây. Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ giống năng suất cao và đồng hành cùng người dân để phát triển cây tre bền vững.

Đoàn công tác tham quan thực tế rừng tre tại huyện Lang Chánh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Đoàn công tác tham quan thực tế rừng tre tại huyện Lang Chánh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Toàn tỉnh còn hơn 12.500 ha cao su kém phát triển, có thể chuyển một phần diện tích để xây dựng vùng nguyên liệu trồng tre tập trung. Bên cạnh đó, Sở sẽ xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính tại chỗ.

Trước mắt, Sở sẽ đề xuất trồng khảo nghiệm một số loài tre trên những diện tích rừng nghèo, đất cao su kém hiệu quả và đất không có rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ cũng như các công ty lâm nghiệp để đánh giá năng suất, chất lượng.

“Thời gian tới, Sở chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, dành quỹ đất để trồng rừng thay thế bằng các loại cây họ tre; mời gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, kỹ thuật thâm canh cũng như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tre biến tính. Đặc biệt, Sở đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cây tre là cây lâm nghiệp chính, ban hành quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để người dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.