Nông dân khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai trúng mùa mè

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch mè. Là cây trồng tăng vụ góp phần cải tạo đất nhưng người trồng thu lợi nhuận đáng kể nhờ giá mè đạt đỉnh 50.000 đồng/kg.

Giá mè đạt đỉnh

Gia đình chị Rah Lan H’Chon (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) có 2 ha đất sản xuất. Trước đây, chị thường trồng 2 vụ lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm nay, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, chị quyết định chuyển đổi sang trồng mè để cải tạo đất. Thời tiết thuận lợi nên cây mè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt cao. Sau gần 3 tháng xuống giống, 2 ha mè của gia đình chị cho thu hoạch 1,2 tấn. Với giá mè hiện tại 50.000 đồng/kg, gia đình chị thu về 60 triệu đồng.

Theo chị H’Chon, cây mè rất dễ trồng. Chỉ cần cho nước vào ruộng 1-2 ngày, đến khi độ ẩm đạt 70-80% thì tháo nước ra rồi xuống giống. Trung bình 1 ha gieo sạ 15 kg hạt giống. Cây mè chịu được hạn, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp. Khoảng 30 ngày sau khi gieo, mè bắt đầu ra bông. Khi lá mè chuyển màu vàng và bắt đầu rụng là có thể thu hoạch. Mè được cắt thành từng bó nhỏ, phơi khô khoảng 5 ngày thì đập lấy hạt. “So với thời điểm này năm ngoái, giá mè cao hơn 10.000 đồng/kg. Với 2 ha mè, gia đình tôi lãi 45 triệu đồng”-chị H’Chon phấn khởi nói.

Chị Rah Lan H’Chon (bìa trái, buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) sàng sảy hạt mè để bán cho thương lái. Ảnh: Vũ Chi

Chị Rah Lan H’Chon (bìa trái, buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) sàng sảy hạt mè để bán cho thương lái. Ảnh: Vũ Chi

Tương tự, bà Ksor H’Nhic (buôn Phùm, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) vừa thu hoạch xong 5 sào mè. Bà H’Nhic cho biết, trồng mè cần làm đất kỹ và đào rãnh để thoát nước khi mưa nhiều. “Ước chừng 5 sào mè thu được 3 tạ. Năm nay, giá mè cao hơn năm ngoái và giữ ổn định ở mức 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 10 triệu đồng”-bà H’Nhic cho hay.

Cẩn trọng khi mở rộng diện tích

Khu vực Đông Nam tỉnh hiện có khoảng 2.400 ha mè, trong đó, huyện Krông Pa có diện tích mè lớn nhất với 1.500 ha. Tuy không phải cây trồng chủ lực nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian sinh trưởng ngắn, công chăm sóc, đầu tư ít, kỹ thuật canh tác khá dễ nên cây mè rất thích hợp để tăng vụ, đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thân và rễ cây mè để lại chất dinh dưỡng cải tạo đất.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Năm 2023, toàn huyện có 520 ha mè, tập trung chủ yếu ở 2 xã Pờ Tó và Chư Răng. Đến nay, người dân đã thu hoạch khoảng 65% diện tích. Nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất mè đạt khoảng 7 tạ/ha. Nếu gieo giống đều, chịu khó dặm tỉa, tưới đủ nước, làm cỏ kỹ và bổ sung phân bón hữu cơ thì năng suất còn cao hơn.

Với giá bán hiện tại, người dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha. Dù vậy, do diện tích trồng rải rác, thời gian thu hoạch không tập trung nên người dân phải tự tìm thương lái để bán. Yếu tố đầu ra chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa mạnh dạn mở rộng diện tích cây mè dù giá bán có xu hướng tăng.

Bà Ksor H’Nhic (buôn Phùm, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) phơi cây mè sau khi thu hoạch để lấy hạt. Ảnh: Vũ Chi

Bà Ksor H’Nhic (buôn Phùm, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) phơi cây mè sau khi thu hoạch để lấy hạt. Ảnh: Vũ Chi

Còn ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thì cho hay: Tính đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 1.350 ha mè, đạt 90% diện tích. Giá bán năm nay cao hơn những năm trước giúp người trồng mè có lợi nhuận đáng kể. Cây mè phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao.

Tuy nhiên, do chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên mở rộng diện tích trồng mè trên những chân ruộng phù hợp và trên những diện tích lúa kém hiệu quả hoặc đất thiếu nước trong mùa khô; tuyệt đối không mở rộng diện tích một cách tràn lan, tránh phá vỡ quy hoạch cũng như khủng hoảng đầu ra sản phẩm, bị thương lái ép giá.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.