Nông dân Gia Lai "khóc sầu" vì giá trái cây giảm sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân tỉnh Gia Lai bắt đầu thu hoạch các loại cây ăn quả. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc vận chuyển không thuận lợi và giá trái cây giảm sâu khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Rớt giá do Covid-19

Nhiều năm gắn bó với vườn cây ăn quả nhưng chưa năm nào ông Lê Công Hùng (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) gặp tình trạng trái cây bán không ai mua, giá rớt xuống đáy như hiện nay. Gia đình ông có hơn 200 cây đu đủ, 100 cây sầu riêng, 30 cây bơ và 20 cây mít Thái. Từ đầu mùa đến nay, ông mới chỉ bán được vài chục ký bơ, còn mít Thái và đu đủ thì không có người mua.

Bơ rớt giá không có người mua, gia đình ông Lê Công Hùng (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đành nhặt làm thức ăn cho gà. Ảnh: Quang Tấn
Bơ rớt giá không có người mua, gia đình ông Lê Công Hùng (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đành nhặt làm thức ăn cho gà. Ảnh: Quang Tấn


Ông Hùng buồn bã nói: “Sau khi thất bại với cây hồ tiêu, tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả và cà phê. Nhờ vậy, kinh tế gia đình phần nào giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay, đu đủ, mít Thái chín hàng loạt mà không có người mua. Giá bơ hiện chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg nhưng cũng chỉ bán được một ít. Trong khi đó, sầu riêng có giá ổn định thì lại mất mùa, bị sâu bệnh hại nên năng suất thấp. Hiện trong vườn còn khoảng 5 tạ bơ, mỗi ngày phải đi nhặt cho gà ăn”.

Khá hơn hộ ông Hùng, 200 cây bơ 034 của gia đình anh Trương Văn Thức (thôn Thái Hà, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) được thương lái tới tận vườn thu mua. Tuy nhiên, giá chỉ ở mức 18 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với năm trước. “Bơ 034 là loại trái cây được thị trường ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Bắc, có thời điểm lên tới 100 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển gặp khó khăn nên thương lái chỉ mua với số lượng có hạn, giá lại thấp. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng nên lợi nhuận chẳng được bao nhiêu”-anh Thức chia sẻ.

Diện tích bơ booth của gia đình anh Thức (bên phải) bị ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm sâu so với vụ trước. Ảnh: Quang Tấn
Anh Trương Văn Thức (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) cho biết, giá bơ 034 chỉ ở mức 18 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với năm trước. Ảnh: Quang Tấn


Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số địa phương trong tỉnh, người dân đang bước vào thu hoạch chôm chôm, bơ, sầu riêng, mít Thái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc vận chuyển gặp khó khăn nên giá cả hầu hết các loại trái cây xuống thấp. Cụ thể, giá chôm chôm hiện chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với năm ngoái; bơ có loại giảm chỉ còn vài ngàn đồng; mít Thái, đu đủ cũng giảm sâu, thậm chí bán không được.

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Toàn huyện có 2.400 ha cây ăn quả, trong đó có 500 ha chanh dây, 350 ha chuối, 230 ha sầu riêng, 600 ha bơ, 250 ha mít… Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên giá hầu hết các loại trái cây đều giảm sâu, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Trước tình hình đó, huyện đang thống kê về tình trạng dư thừa trái cây của các nhà vườn để có giải pháp hỗ trợ, tìm đầu mối tiêu thụ giúp người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá các loại trái cây đặc sản của địa phương nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ.

 Giá trái cây giảm sâu khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thi
Giá trái cây giảm sâu khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thi


Tương tự, huyện Ia Grai có khoảng 1.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó, chanh dây hơn 500 ha, còn lại là mít Thái, sầu riêng, chôm chôm, bơ… Tuy nhiên, phần lớn diện tích cây ăn quả được trồng xen trong vườn cà phê tái canh và chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống, không theo các quy trình chứng nhận sản phẩm an toàn nên thiếu tính bền vững. Về giải pháp trong thời gian tới, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-thông tin: “Định hướng của huyện là ổn định diện tích sẵn có, hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các chứng nhận an toàn nhằm tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, huyện phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hướng đến phát triển bền vững”.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Toàn tỉnh hiện có khoảng 20.600 ha cây ăn quả, chủ yếu là bơ, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, nhãn. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng nhiều chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện nay, một số loại cây ăn quả đạt tiêu chuẩn quốc tế đang được các doanh nghiệp sản xuất, thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu… Ngoài ra, trái cây Gia Lai cũng đang được mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở đang phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp, các địa phương… thống kê sản lượng để triển khai các giải pháp tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương: Sở sẽ hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có liên kết sản xuất số lượng lớn lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ. Trong năm 2021, Sở được Bộ Công thương, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình xây dựng các sàn thương mại điện tử. Dự kiến cuối năm nay, sàn thương mại điện tử được mở rộng, người tiêu dùng sẽ biết đến nhiều hơn các sản phẩm đặc sản của Gia Lai.

Phát triển cây ăn quả tại xã Đak Kơ Ning. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Nguyễn Diệp

QUANG TẤN - NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.