Tây Nguyên: Rau xanh, bí đỏ, mít Thái, trái bơ...đồng loạt rớt giá, ùn ứ chất chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Suốt nhiều tháng qua, do diễn biến dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Tây Nguyên nông sản đồng loạt rớt giá, ùn ứ.
Rau bỏ cho cá, bí bán cho lợn, gà...
Từ cuối năm 2020 đến nay, ngoài hạt tiêu, các loại nông sản khác của Tây Nguyên đều đồng loạt giảm giá. Cuối năm 2020, người trồng rau tại Cư M'Gar, Buôn Đôn (Đắk Lắk), Đắk Song, Tuy Đức (Đắk Nông), một số vùng của tỉnh Gia Lai... đã phải vứt bỏ hàng ngàn tấn rau quả.
 
Một đại lý tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) thu mua bơ 034 với giá cao nhất 25 ngàn đồng/kg. Ảnh Duy Hậu.
Một đại lý tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) thu mua bơ 034 với giá cao nhất 25 ngàn đồng/kg. Ảnh Duy Hậu.
Trước và sau Tết Nguyên đán, giá các loại rau quả như bắp su, khổ qua, xà lách, đậu ve, dưa leo, cà chua... chỉ bán được từ 5 trăm đồng-1 ngàn đồng/kg. Sau Tết, giá các loại nông sản này có nhích lên song cũng chỉ đạt tối đa 3 ngàn đồng.
Tiền bán không đủ trả công thu hái, hàng loạt nông dân chấp nhận bỏ vườn. Nông dân ở xã Ea Pốc, huyện Cư M'Gar còn chọn "giải pháp" nhổ rau xanh làm phân bón cho cây, cho cá ăn... nhưng vẫn không xuể.
 
Hàng trăm tấn bí đỏ của nông dân xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) bị ùn ứ. Ảnh: Duy Hậu.
Hàng trăm tấn bí đỏ của nông dân xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) bị ùn ứ. Ảnh: Duy Hậu.
Anh Trần Thiên Phú (thôn 19, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) trồng được hơn 20 tấn bí đỏ. Bí chín, thương lái chẳng ai ngó, anh Phú phải ngược xuôi tìm đến các trang trại chăn nuôi chào bán bí cho gia súc, gia cầm nhưng cũng không giải quyết hết ruộng bí của mình. "Mỗi ký bí phải bán được hơn 5 ngàn đồng, nông dân mới có lãi. Thế nhưng giờ giá chưa đến 1 ngàn đồng lại không thể bán hết thì đương nhiên nông dân chịu lỗ nặng nề"- anh Phú cho biết.
 
Hàng trăm tấn bí đỏ của nông dân xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) bị ùn ứ. Ảnh: Duy Hậu.
Hàng trăm tấn bí đỏ của nông dân xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) bị ùn ứ. Ảnh: Duy Hậu.
Cũng như anh Phú, chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở thôn Phú Phong (xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar) năm nay trồng đến 5ha bí. "Tôi và chị gái đã đầu tư hơn 400 triệu đồng vào đây. Tôi mới hái 3ha được hơn 60 tấn, bán chưa được 100 triệu đồng".
Tại Đắk Nông, giá xoài cũng rớt thê thảm. Tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil- vựa xoài có thương hiệu và lớn nhất của Đắk Nông- mỗi ký xoài chỉ bán được 5-6 ngàn đồng. Mức giá này so với năm ngoái thấp hơn 1 nửa. Bơ sáp, bơ 034 tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang vào chính vụ. Thế nhưng giá các loại trái cây này cũng giảm hơn 1 nửa so với những năm trước.
 
Mít Thái hiện giá chỉ 2-3 ngàn đồng/kg. (Trong ảnh: anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk) đang thu hoạch mít thái). Ảnh: Duy Hậu.
Mít Thái hiện giá chỉ 2-3 ngàn đồng/kg. (Trong ảnh: anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk) đang thu hoạch mít thái). Ảnh: Duy Hậu.
Nếu năm ngoái, bơ 034 có giá hơn 40 ngàn đồng/kg thì hiện tại chỉ có giá tối đa 25 ngàn đồng/kg. Riêng bơ sáp chỉ bán được 5-6 ngàn đồng/kg.
"Giả cứu" không phải là giải pháp
Tại Đắk Lắk, để giảm bớt khó khăn cho nông dân, chính quyền một số địa phương đã mở các chiến dịch "giải cứu". Theo đó, địa phương vận động cán bộ, công nhân viên chức, doanh nghiệp... thu mua với mức "chấp nhận được"; hoặc mở các điểm bán nông sản lưu động để hỗ trợ nông dân.
Tại huyện Ea H'Leo, Ea Kar (Đắk Lắk), bí đỏ, hành tím... được Hội Nông dân các huyện đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để vận động, kết nối "giải cứu" nông sản cho nông dân. Tại huyện Cư M'Gar, ông Phạm Quang Mười- Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho biết, huyện đang đau đầu với bí đỏ thì giờ tiếp tục tới cây bơ. Giá thấp, đầu ra kém, việc "giải cứu" nếu làm tốt cũng chỉ giúp nông dân thu hồi lại ít vốn.
 
Các vựa trái cây dọc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vắng bóng người mua. Ảnh Duy Hậu.
Các vựa trái cây dọc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vắng bóng người mua. Ảnh Duy Hậu.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể... trong tỉnh đã rất nỗ lực để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản cho người dân.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất là phải kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và xây dựng được chuỗi giá trị nông sản. Đây là vấn đề trọng tâm của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ NNPTNT quan tâm.
 
Các vựa trái cây dọc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vắng bóng người mua. Ảnh Duy Hậu.
Các vựa trái cây dọc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vắng bóng người mua. Ảnh Duy Hậu.
UBND tỉnh và Sở NNPTNT cũng đã có nhiều chương trình xoay quanh việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Theo đó, người nông dân sản xuất ra sản phẩm phải xác định được thị trường và hiệu quả tiêu thụ. Muốn làm được điều đó thì nông dân phải tham gia gắn kết vào các tổ chức để kết nối ngay từ đầu như cây giống, quy trình sản xuất ra sao, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, định giá sản phẩm như thế nào... và đây là vấn đề lâu dài, phải kiên trì thực hiện.
"Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NNPTNT và đã được Bộ trưởng nhất trí cao việc xây dựng kho dữ liệu về thông tin mùa vụ, sản phẩm và thông tin thị trường để kết nối đưa lên sàn thương mại điện tử; kết nối giữa địa phương với trung ương để giới thiệu với thị trường trong nước biết đến tỉnh, thành nào đang có sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao. Ở chiều ngược lại, trung ương cũng sẽ thông tin lại cho địa phương biết nơi tiêu thụ, tiềm năng tiêu thụ để các bên gặp nhau kết nối. Đây là cách làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay"- ông Dương nói.
"Tuy nhiên, trong tương lai, việc xây dựng hợp tác xã tại các vùng, gắn kết nông dân tạo ra nơi sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng, sản lượng đủ lớn, truy xuất nguồn gốc... là cơ sở để kết nối thị trường hình thành nơi tiêu thụ nông sản bền vững nhất"- ông Dương nói thêm.
Ông Phạm Tuấn Anh- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông cũng nhận định, giải pháp căn cơ nhất để nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng ùn ứ không phải là "giải cứu". Giải cứu chỉ là giải pháp tình thế. Tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ... mới là giải pháp lâu dài.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)

https://danviet.vn/tay-nguyen-rau-xanh-bi-do-mit-thai-trai-bo-ong-loat-rot-gia-un-u-chat-chong-20210619113733978.htm

Có thể bạn quan tâm