Nông dân Đak Đoa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều nông dân ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện thu nhập.

Sau khi tham gia các buổi hội thảo tập huấn chuyên sâu về trồng và chăm sóc cây cà phê theo hướng hữu cơ, ông Vũ Văn Thìn (thôn Bình Giang, xã Hneng) đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác. Theo đó, thay vì sử dụng phân bón hóa học như trước, ông mua bò về nuôi để lấy phân ủ với vỏ cà phê tạo ra nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.

“Với hình thức này, gia đình tôi tiết kiệm được chi phí mua phân bón và vườn cà phê cũng phát triển tốt, năng suất đạt cao. Hiện gia đình có hơn 6 ha cà phê, 8 sào chanh dây. Ngoài ra, tôi còn trồng xen hơn 1.000 trụ hồ tiêu, gần 300 cây ăn quả và một số cây trồng khác. Với mô hình đa canh này, hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập 700-800 triệu đồng”-ông Thìn cho hay.

Ông Vũ Văn Thìn hiện là nông dân tiêu biểu trong sản xuất ở xã Hneng. Ảnh: Nhật Hào

Ông Vũ Văn Thìn hiện là nông dân tiêu biểu trong sản xuất ở xã Hneng. Ảnh: Nhật Hào

Ông Pin-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hneng-thông tin: Xã có hơn 2.800 ha cây trồng các loại như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... Những năm qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn sử dụng các giống cây trồng mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây nên năng suất được cải thiện đáng kể.

Thời gian qua, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đến tham quan mô hình sản xuất của ông Thìn để học tập kinh nghiệm, áp dụng vào chăm sóc vườn cây của mình để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cũng như ông Thìn, ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang) cũng đã nâng cao thu nhập từ việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn mắc ca. Ông Trường cho biết: Ông có 5 ha mắc ca trồng vào năm 2012 và 2014. Thời gian đầu, ông ít quan tâm về kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây cho năng suất thấp. Sau này, khi giá mắc ca tăng, ông chú ý hơn đến kỹ thuật chăm sóc để đạt năng suất cao. Đặc biệt, ông đầu tư chăn nuôi đàn bò 20 con để lấy phân bón cho vườn cây.

“Từ khi chăn nuôi bò với quy mô lớn, tôi sử dụng hoàn toàn phân chuồng ủ hoai để bón cho vườn cây thay thế cho phân hóa học. Trước mỗi lần bón phân, tôi đều làm cỏ sạch sẽ và xới đất để tạo độ tơi xốp”-ông Trường cho hay.

Từ năm 2020 đến nay, năng suất vườn mắc ca của ông Trường luôn đạt 10-11 tấn hạt tươi/năm. Ngoài ra, ông còn xây dựng vườn ươm mắc ca, mỗi năm bán hàng vạn cây giống ra thị trường.

“Ngoài trồng và ươm mắc ca để bán, tôi còn trồng 1 ha cà phê, 500 trụ hồ tiêu và xen canh hơn 200 cây ăn quả các loại. Hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi”-ông Trường bộc bạch.

Ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang) đã nâng cao thu nhập nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: H.T

Ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang) đã nâng cao thu nhập nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang-cho hay: Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, mạnh dạn đưa các loại cây-con giống mới có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao vào sản xuất.

Hộ ông Ngô Mạnh Trường là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Trường không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ngoài ra, ông Trường cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong xã, nhất là kỹ thuật trồng cây mắc ca và cung cấp cây giống đạt chất lượng để bà con sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 36.440 ha cây công nghiệp dài ngày và hơn 9.760 ha cây trồng ngắn ngày. Trong đó, các cây trồng chủ lực gồm: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, chanh dây, cây ăn quả.

Những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, triển khai các mô hình nhằm phổ biến các giống cây trồng mới, tiến bộ kỹ thuật đến người dân. Trên cơ sở đó, người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa các loại cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, người dân cũng mạnh dạn tham gia các hợp tác xã, nông hội, tổ hội sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng sản phẩm OCOP, liên kết trong sản xuất để tìm đầu ra cho nông sản. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.