Lão nông Jrai làm giàu nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Rơ Châm Hlưng (65 tuổi, làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) thu về trên 300 triệu đồng/năm. Suốt 10 năm liền (2013-2023), ông luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trước kia, gia đình ông Rơ Châm Hlưng rất khó khăn. Cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào lúa nước 1 vụ. Không cam chịu cảnh nghèo, năm 1980, ông Hlưng quyết định đầu tư trồng 2 ha cà phê. “Những năm đầu, do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên 2 ha cà phê chỉ thu về được khoảng 4 tấn quả tươi. Nhận thấy việc sản xuất theo phương thức truyền thống không hiệu quả, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Từ đó, tôi áp dụng phương pháp chăm sóc cà phê tiên tiến, khoa học và không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”-ông Hlưng kể lại.

Ông Rơ Châm Hlưng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: M.K

Ông Rơ Châm Hlưng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: M.K

Nhờ đó, vườn cây của gia đình ông Hlưng trở nên xanh tốt nhất vùng. 2 ha cà phê của gia đình thu về gần 8 tấn nhân. Năm 2016, ông Hlưng chủ động chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả và trồng xen chanh dây. Khi được gia đình nhà vợ cho thêm 5 sào đất, ông canh tác ổn định 2 ha cà phê và 5 sào cây ăn quả các loại như: bơ, xoài, mít Thái, sầu riêng. Cùng với đó, ông chăn nuôi heo, bò, gà. Hiện nay, gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Nhờ đó, ông Hlưng xây được ngôi nhà khang trang, mua xe công nông, máy cày, máy xay xát. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương vào vụ thu hoạch.

Đặc biệt, năm 2019, ông Hlưng tham gia Nông hội sản xuất cà phê sạch. Đây là nông hội đầu tiên được thành lập ở huyện Chư Păh. Ông Hlưng phấn khởi: “Tôi cùng với cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng cà phê sạch. Nhờ đó, bà con người Jrai ở làng Bui từng bước nắm bắt được quy trình sản xuất cà phê sạch từ cây giống, chăm sóc, tưới tiết kiệm nước, thu hái, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ… Nhiều hộ đã cải thiện thu nhập từ việc tham gia mô hình làm cà phê này”.

Ông Puih Bum (làng Bui) cho biết: “Sau khi tham gia Nông hội, được ông Hlưng và cán bộ tận tình hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất vườn cà phê của tôi đạt 12 tấn quả tươi/ha. Kinh tế gia đình từ đó phát triển ổn định hơn. Tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.

Ông Hlưng nuôi thêm heo, bò, gà... để phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Mai Ka

Ông Hlưng nuôi thêm heo, bò, gà... để phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Mai Ka

Với việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Hlưng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 10 năm liền. Ông trở thành điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại địa phương. Mặc dù đã ở tuổi 65 nhưng ông Hlưng vẫn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động. Hàng năm, ông còn tham gia hướng dẫn cách trồng cà phê, nuôi heo, bò… cho 20 lao động nông thôn; hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho người DTTS. “Với kinh nghiệm rút ra từ thực tế, tôi tuyên truyền, vận động người dân trong làng chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”-ông Hlưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-nhận xét: Ông Rơ Châm Hlưng là một trong những hội viên người DTTS tiêu biểu của xã. Ông luôn đi đầu trong phát triển kinh tế với việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Ông Hlưng xứng đáng là tấm gương để các hộ nông dân, nhất là đồng bào DTTS học tập và làm theo. Với những nỗ lực của bản thân, 10 năm qua, ông Rơ Châm Hlưng luôn được Hội Nông dân các cấp khen thưởng.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.