Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thời điểm này, nông dân trồng mắc ca ở xã Sơn Lang vừa thu hoạch xong quả. Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi ghé thăm vườn mắc ca trồng xen cà phê rộng 2,5 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất).

z6063565028216-1084bd77a7d918ffa55be00f51d0442a.jpg
Vườn mắc ca trồng xen sầu riêng của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Đinh Yến

Chị Thủy cho hay, năm 2013, gia đình trồng xen 200 cây mắc ca vào vườn cà phê theo dự án của huyện Kbang trồng thí điểm trên địa bàn xã. Lúc bấy giờ, phong trào trồng mắc ca ở địa phương chưa phát triển mạnh như hiện nay, song gia đình chị cũng mạnh dạn tham gia với nhiều kỳ vọng vào loại cây trồng mới này.

Sau 3 năm cắm rễ trên đất Sơn Lang, mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu bói. Chị Thủy nói: "Mắc ca tương đối dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Trung bình mỗi năm chỉ cần bón phân 2-3 lần và tưới nước thường xuyên là đảm bảo cho cây phát triển. Quan trọng nhất là lúc mắc ca ra hoa nếu không có mưa, nhiệt độ duy trì ở mức 20-22 độ C thì cây sẽ phát triển tốt. Còn nếu nắng quá hoặc bị mưa, hoa sẽ không đậu quả và bị thối".

z6063562486770-a156251742f69bfdd5c897501684a018.jpg
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đóng gói hạt mắc ca bán cho khách. Ảnh: Đinh Yến

Vụ mắc ca 2024, khí hậu ôn hòa nên mắc ca thuận lợi ra hoa, đậu quả. Với 200 cây mắc ca, gia đình chị Thủy thu được 1,3 tấn quả tươi; thu về hơn 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Mức thu nhập này theo chị Thủy vẫn cao hơn nhiều so với trồng cây cà phê những năm trước đây, bởi trồng mắc ca chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu tiên và giảm dần theo từng năm. Cây mắc ca cũng chịu hạn rất tốt, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, mức giá bán khá ổn định, từ 80-90 ngàn đồng/kg đối với sản phẩm tươi và 170-200 ngàn đồng/kg sau chế biến.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, gia đình chị Thủy đã đầu tư thêm máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không để chế biến hạt mắc ca. Hiện các sản phẩm mắc ca của gia đình chị Thủy đã được khách hàng biết đến rộng rãi thông qua việc quảng bá trên các trang mạng xã hội. Trong đó, tiêu thụ nhiều nhất là ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… Bình quân 1 tháng, chị Thủy bán cho khách hàng khoảng 2 tấn mắc ca thành phẩm.

"Để sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, công đoạn thu hoạch và xử lý xay vỏ tươi xong đều phải rửa nước cho sạch. Phơi trên dàn 15-20 ngày, rửa lại nước lần nữa để tránh mối mọt, sau đó bỏ vào máy sấy hạ ẩm 40 giờ rồi đóng vào bì chống ẩm. Trong quá trình tách hạt, dù có máy tách hạt nhưng gia đình tôi tách hạt thủ công. Công đoạn này dập từng quả tách hạt để hạn chế thấp nhất những mủn của vỏ dính vào nhân mắc ca"-chị Thủy bộc bạch.

Tuy nhiên, để trồng mắc ca cho quả sai, to, chất lượng thì việc chọn giống trồng vô cùng quan trọng. Mắc ca có 2 loại giống, một loại thời điểm ra hoa vào cuối năm, một loại ra hoa vào đầu năm. Hiện trên địa bàn xã Sơn Lang, bà con chọn giống mắc ca ra hoa vào đầu năm vì thời điểm này, khí hậu tại Kbang tương đối lạnh và không mưa nên hoa mắc ca nở đẹp, dễ đậu quả hơn.

z6063558958555-47ee7550912641ec008eb8aac49bde3d.jpg
Để đảm bảo chất lượng mắc ca ăn ngon. sạch gia đình chị Nguyễn Thị Thủy tiến hành tách hạt thủ công. Ảnh: Đinh Yến

Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Kim Cúc (thôn Thống Nhất) trồng 500 cây mắc ca xen cà phê và trồng thuần. Ông Dũng cho biết: Sau 3 năm trồng thử nghiệm, năm 2021, mắc ca đã cho thu bói. Vụ đầu tiên thu được hơn 100 triệu đồng sau đó sản lượng tăng dần theo từng năm. Cụ thể, vụ 2024 vừa thu hoạch xong 500 cây mắc ca, sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi gần 200 triệu đồng.

“Trồng xen mắc ca vào vườn cà phê và trồng thuần mắc ca đều rất tốt. Nếu trồng xen mắc ca vào vườn cà phê thì lượng nước tưới, phân bón từ gốc cà phê sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca. Cây mắc ca còn chắn gió, tạo điều kiện cho cây cà phê ra hoa, đậu quả. So với trồng keo, bời lời thì trồng mắc ca mang lại hiệu quả cao hơn nhiều”-ông Dũng chia sẻ.

z6063571050875-c180fe2374c5a0b2e84e38ea316f981b.jpg
Vườn mắc ca của ông Đỗ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Kim Cúc (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) trồng thuần phát triển tốt, sau 3 năm cho thu bói. Ảnh: Đinh Yến

Bên cạnh gia đình bà Thủy, ông Dũng, gia đình bà Phạm Thị Thản (thôn Thống Nhất) cũng nhờ trồng xen 200 cây mắc ca trong vườn cà phê rộng hơn 1 ha vào năm 2019 đến nay cũng đã bước vào thu hoạch năm thứ 2.

Bà Thản chia sẻ: “Trên cùng 1 diện tích trồng mắc ca xen cà phê mang lại “lợi ích kép”. Mắc ca vừa cho giá trị kinh tế vừa là cây chắn gió để cà phê ra hoa, đậu quả thuận lợi. Hơn nữa, mắc ca có giá trị kinh tế cao nên giúp gia đình nâng cao thu nhập. Vụ 2024, gia đình tôi thu hoạch từ 200 cây mắc ca được hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn cho lãi 100 triệu đồng”.

z6063568189095-69ec62b12fdc8702b428e4eb6a451265.jpg
Gia đình bà Phạm Thị Thản trồng 200 cây mắc ca xen cà phê cho thu nhập cao. Ảnh: Đinh Yến

Trao đổi với P.V, ông Lê Quý Truyền-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 500 ha cây mắc ca, chủ yếu trồng xen với cà phê. Xã Sơn Lang nói riêng và huyện Kbang nói chung có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây mắc ca phát triển.

Từ năm 2011, huyện đã trồng thử nghiệm cây mắc ca trên đất Sơn Lang và mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện ngoài cây cà phê được xem là chủ lực, mắc ca cũng cho giá trị kinh tế rất cao. Ngoài trồng xen mắc ca trong vườn cà phê mang lại giá trị cao thì việc trồng thuần cây mắc ca, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha là chuyện thường.

Cũng theo ông Truyền, định hướng đến năm 2030, xã Sơn Lang sẽ giữ vững diện tích mắc ca hiện có. Và đặc biệt chú trọng hướng cho nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chế biến sau thu hoạch. Hiện nay, mắc ca của xã Sơn Lang đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Xã Sơn Lang cũng đang tập trung liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài nước xuất khẩu sang thị trường Úc.

"Đặc biệt vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ công nhận thương hiệu “Mắc ca Kbang-Gia Lai”. Đây là cơ sở cho người trồng mắc ca huyện Kbang nói chung và xã Sơn Lang nói riêng gắn kết hoạt động sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm; từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như quảng bá danh tiếng của sản phẩm đến với khách hàng gần xa; giúp người trồng và kinh doanh mắc ca có thu nhập cao, ổn định"-ông Truyền thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

(GLO)- Được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16-11-1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), di tích thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) hàng năm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Gắn kết nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

Kết nghĩa với các buôn làng: Thắt chặt nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với phương châm “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đoàn thể, đơn vị”, chương trình kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.