Đến nay, những trăn trở, suy tư của Cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá trị.
Chủ tịch nước phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Sáng 1-10, tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016).
Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ chính trị - Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam; đại biểu mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân tỉnh.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng:
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt một đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc.
71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, Cụ trước sau luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cụ là chí sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.
Cùng với đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Chủ tịch nước cho rằng, với tư cách là người sáng lập và cũng là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh đã dốc hết nhiệt tâm của mình mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.
Bên cạnh đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học, sử học.
Cụ Huỳnh là một nhà báo, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà dịch thuật tài năng với ngòi bút sắc bén “phò chính, trừ tà”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, đóng góp ở đỉnh cao về tư tưởng phải kể đến những sáng tác của Cụ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám.
Những bài thơ, bài báo, bài viết trong giai đoạn này đều thể hiện tình cảm tha thiết của Cụ đối với nhân dân, dân tộc và đất nước.
Đặc biệt, là một nhà sử học uyên bác, Cụ đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà; đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh “không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”.
Đến nay, những trăn trở, suy tư của Cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá trị, qua đó mỗi người Việt Nam càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối với dân tộc và đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Năm nay, chúng ta kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đây là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, nhân cách, tấm gương đạo đức và những công lao, đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng |
Phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bậc tiền bối cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, tranh thủ vận hội, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Chủ tịch nước nêu rõ, noi gương cụ Huỳnh, mỗi con, dân Việt Nam nguyện tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo.
Từ đó, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch nước khẳng định, cuộc đời cụ Huỳnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của tinh thần yêu nước, thương dân. Trái tim Cụ đau nỗi đau dân nước, vui nỗi vui dân nước. Đời Cụ thuộc về nhân dân.
Noi gương Cụ, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thấm nhuần sâu sắc bài học lớn của công cuộc đổi mới mà Đảng ta đã đúc kết từ chiều sâu lịch sử-bài học “lấy dân làm gốc”, coi chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, thời gian đã lùi xa, nhưng cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng vẫn sừng sững với núi Ấn, sông Trà và quê hương, đất nước.
Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của Cụ Huỳnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch nước mong rằng mỗi người dân Việt Nam cần noi gương Cụ, học tập, tu dưỡng và phấn đấu suốt đời vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, những ước mơ, hoài bão lớn mà sinh thời Bác Hồ kính yêu, Cụ Huỳnh và các thế hệ cách mạng tiền bối hằng mong ước.
Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Ghi lưu bút tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động ghi, Cụ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý trí đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Chủ tịch nước mong muốn cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu di tích lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng để giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo VOV