(GLO)- Mỗi người trong số họ có những lý do riêng khi đến với Hoàng Sa: là nghề nghiệp đưa đẩy, là hoàn cảnh bắt buộc của lịch sử… Thế nhưng, dẫu chỉ một lần đặt chân đến, với họ, Hoàng Sa đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi. Một phần đời của họ đã để lại ở Hoàng Sa-nơi từ nghìn xưa đã lưu dấu anh hùng vào trang sử vẻ vang của dân tộc…
Nơi ngàn năm vàng dấu cát…
Nhắc đến Hoàng Sa, ký ức của cụ Trần Huynh (thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) tươi mới như vừa mới hôm qua, cho dù ông đã rời xa quần đảo tươi đẹp ấy ngót 45 năm. Khoảng thời gian từ năm 1964-1968, khi còn là nhân viên của Ty Khí tượng Trung Trung bộ, thuộc Nha Khí tượng Sài Gòn, mỗi năm, ông Huynh có từ 2 đến 3 chuyến ra Hoàng Sa cùng với 4 cán bộ, nhân viên khác để “đo gió, đếm mưa”, mỗi chuyến kéo dài khoảng 3 tháng. “Cứ tầm 3 giờ chiều, chúng tôi tập trung tại bến tàu đoạn trước Cổ viện Chàm bây giờ.
Với cụ Trần Huynh, ký ức về Hoàng Sa vẫn còn rất sâu đậm. Ảnh: Hà An |
Sau một hồi còi chào cảng, chiếc tàu quân sự nhổ neo, chạy liền một mạch cho đến 3 giờ chiều hôm sau thì đến Hoàng Sa”. Theo trí nhớ của cụ Huynh thì cá ở Hoàng Sa nhiều vô kể. Đảm nhiệm chân đầu bếp, trên đảo, mỗi ngày ông Huynh lo ba bữa ăn cho 5 người của Trạm Khí tượng Hoàng Sa. Thời gian rảnh rỗi, ông câu cá cải thiện bữa ăn cho anh em: “Cá bơi hàng đàn lớn vào sát bờ, buông câu là dính, có khi câu trúng con cá mú cả chục ký, ăn 2 ngày không hết. Rứa mà cũng có anh tham quá, suýt nữa làm mồi cho cá mập”. Số là có anh lính địa phương quân dùng lựu đạn đánh cá, thấy cá chết, nổi nhiều là ham vớt cho hết. Cá mập ngửi mùi tanh máu của những con cá chết cũng vào bờ ăn cá đã đớp trúng cẳng chân anh.
Rất may là anh chỉ bị thương nhẹ, chạy thoát lên bờ. Ngoài câu cá, ông Huynh còn tăng gia sản xuất: “Đất ở đây rất tốt, trồng cây gì cũng xanh tươi, cho trái to. Những người ở Hoàng Sa có kinh nghiệm nấu canh lá ớt để chữa bệnh kiết lỵ do ăn đồ hải sản dài ngày”. Chính ông Huynh cũng đã từng phải ăn canh lá ớt trong một lần đau bụng dữ dội kéo dài mấy ngày liền dịp Tết Mậu Thân 1968.
Ở Hoàng Sa thời bấy giờ, hai công trình xây dựng đáng kể nhất là đồn lính và nhà khí tượng cách nhau vài chục mét, nằm gần như ở trung tâm đảo. Ngoài ra, trên đảo còn có ngôi miếu Bà, thờ Phật Bà Quan Âm và một nhà nguyện Công giáo do người Pháp đưa phu ra đây xây dựng đã lâu. Chủ nhật thì thấy một số lính địa phương quân vào cầu nguyện ở nhà nguyện. “Còn tối rằm, mồng một đều nấu xôi, chè đem ra thắp hương ở miếu Bà, xin bà phù hộ cho tất cả anh em trong trạm không đau ốm, đi đến nơi về đến chốn”- ông Huynh kể. “Tôi nghe nói miếu Bà linh nghiệm lắm. Mà quả thật là lần nào anh em chúng tôi đi trên biển đều gặp trời yên, biển lặng, ở trên đảo thì không ai đau ốm cả. Lính địa phương quân bảo vệ đảo thì truyền nhau câu chuyện về cặp cá thần to như cá gáy, hay lượn lờ gần bờ phía trước miếu Bà. Có cậu lính xách súng ra bắn nhưng súng cứ hóc đạn liên tục. Có người rút chốt lựu đạn định ném nhưng không hiểu sao nổ liền trên tay và thiệt mạng. Miếu Bà từ đó càng hiển linh”. Ở đảo, rừng cây cũng rậm rạp nhưng không cao lắm, còn có cả mấy cây mù u và cây mít mang từ đất liền ra, cho cả trái chín. Có lần ông Huynh còn mang theo ra đảo hai con heo để nuôi nhằm cải thiện bữa ăn cho anh em Trạm Khí tượng Hoàng Sa.
Ông Lê Lan (TP, Hội An, tỉnh Quảng Nam) - hồi đó là y tá cho Tiểu khu Quảng Nam trong quân đội Sài Gòn cũ, ra đảo khi mới 19 tuổi, nhớ lại: “Mười chín tuổi, chân ướt chân ráo ra đảo, ai mà không sợ. Mới bước lên cầu tàu, thấy đá san hô hai bên, ở giữa có đường ray để chuyển hàng bằng wa-gông, dây leo phủ bít bùng, mới ngó lên tưởng như lạc vào một cửa động âm u, huyền bí. Đến khi theo con đường độc nhất từ cầu tàu dẫn vào giữa đảo mới thấy nhà cửa. Tui đi đảo một đợt là “ghiền” liền, lần sau trông không có ai đi thì mình đăng ký xin đi”.
Cũng là nhân viên của Ty Khí tượng, trong khoảng thời gian từ năm 1969-1972, ông Nguyễn Nhự (xã Hòa Tiến-huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) có cả thảy 3 lần ra đảo: “Tui thấy ở đảo cũng như ở quê, chỉ khác là bao quanh là mênh mông cát vàng và biển nước bao la”. Tổng cộng có gần một năm sống ở Hoàng Sa, ông Nhự bồi hồi: “Mỗi lần mưa bão là nhớ đảo đến cồn cào…”. Mỗi ngày, ông cùng đồng nghiệp thả bóng thám không hai lần vào 6 giờ sáng và 12 giờ trưa; thực hiện 8 lần quan trắc khí tượng, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Khi có bão, phải vất vả hơn chút, quan trắc và báo cáo hàng giờ về Sài Gòn để Nha Khí tượng thông báo dự đoán cường độ và hướng đi của bão...
Mong một lần trở lại Hoàng Sa
Xem Hoàng Sa là quê hương thứ hai của mình, ông Nguyễn Văn Cúc vẫn mong mỏi có ngày trở lại. Ảnh: Hà An |
Đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Cúc (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên đảo Hoàng Sa: “Mình là dân biển, đã từng theo cha ra biển đánh bắt cá, không lạ gì không khí biển cả, ấy vậy mà lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng trên đảo Hoàng Sa, được ngắm bình mình và hoàng hôn từ đảo, lại thấy lòng vui sướng và gần gũi chi lạ. Cảm giác khó diễn tả bằng lời và khó quên lắm”. Là lính thuộc Đại đội 812, Tiểu đoàn 81 Công binh kiến tạo, Quân đoàn 1, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, năm 1973, ông Cúc được điều động ra đảo Hoàng Sa để kiểm tra, khảo sát, thống kê hiện trạng các bể chứa nước cũ, tính toán để đưa nguyên vật liệu ra xây dựng. Sau đợt đó, ông có thêm một tháng quay trở lại đảo để sửa chữa và xây mới các bể ngầm chứa nước ngọt. “Lúc đó ở đảo có khoảng hơn 20 bể, mỗi bể có dung tích 1.000 m3 nước. Các bể chủ yếu là dùng để chứa nước mưa”.
Trên đảo còn có một giếng cổ nhưng chỉ để tắm giặt, chẳng hiểu sao, nếu dùng nước ở giếng để ăn, uống thì thể nào cũng bị đau bụng. “Cuộc sống trên đảo thật yên bình. Sau mỗi ngày làm việc, mình có thời gian để đi dạo quanh đảo, chơi đá bóng với đồng nghiệp, câu cá hoặc lặn tìm san hô tùy thích”. Không nói ra nhưng ông Cúc đã nhen nhóm mong muốn được ở lại đảo trong quá trình xây dựng. Và ý tưởng đó càng được nhân lên khi đầu năm 1974, ông Cúc được điều ra đảo lần thứ 3 để khảo sát thực địa nhằm xây dựng sân bay.
Không giấu được vẻ ngậm ngùi, tiếc nuối và cả đau đớn, ông Cúc kể lại: “Sau 2 ngày ở đảo, khi làm xong các mẫu khảo sát thì tôi lên tàu mang tên Lý Thường Kiệt để trở lại đất liền để xây dựng kế hoạch trình cho những lần kế tiếp. Tàu vừa rời đảo thì vô số tàu Trung Quốc áp sát, bao vây. Phía Trung Quốc có cả tàu ngầm, máy bay với lực lượng lớn. Sau một ngày giằng co trong vòng vây, đến chiều tối, tôi và thiếu tá Hồng, 2 lính công binh và 1 ông cố vấn người Mỹ trên tàu Lý Thường Kiệt buộc phải quay trở lại đảo bằng xuồng nhỏ”. Khi lính Trung Quốc tràn lên đảo, ông Cúc và 8 người khác trong đoàn khảo sát bị bắt làm tù binh, đưa lên tàu chở về đảo Hải Nam, sau đó đưa về Quảng Châu giam giữ hơn một tháng thì phía Trung Quốc trao trả cho tổ chức Hồng Thập tự quốc tế tại Hồng Kông và được đưa về nước. “Tôi và anh Hồng-một đồng nghiệp của tôi là những người cuối cùng bị Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa. Kể từ ngày đó, tôi khôn nguôi nhớ về quần đảo Hoàng Sa-một thiên đường đã mất của chúng ta”.
Những người như ông Cúc, cụ Huynh, anh Lan... đều mong mỏi được một lần trở lại Hoàng Sa bởi: “Hoàng Sa là nơi mà chỉ một lần đặt chân đến cũng đã có thể xem đó là quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi đã gắn bó cả một phần đời tuổi trẻ của chúng tôi ở đó, nơi mà lịch sử đã viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ con dân Việt”- ông Nguyễn Văn Cúc tâm sự.
Hà An