Những công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ 1: Điện gió "đắp chiếu" chờ giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Nhà nước và các tổ chức đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nhiều dự án ở Gia Lai nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án, công trình tạo động lực phát triển, vẫn còn nhiều công trình kém hiệu quả, chưa đồng bộ dẫn đến lãng phí.

Lãng phí nguồn lực đầu tư, nguồn điện cũng như áp lực trả nợ vay ngân hàng đang đè nặng doanh nghiệp… là những bất cập khi 629 MW điện gió trên địa bàn tỉnh chưa được vận hành thương mại và đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

629 MW điện gió chờ vận hành thương mại

Trong giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 17 dự án điện gió, tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2021 đánh dấu bước ngoặt trong định hướng phát triển năng lượng tái tạo khi hàng loạt dự án điện gió cùng khởi công xây dựng. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các công trình dù ngày đêm chạy đua tiến độ vẫn không kịp hoàn thành trước ngày 31-10-2021 theo chủ trương hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242 MW. Ảnh: Phạm Quý
Giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242 MW. Ảnh: Phạm Quý



Tuy nhiên, sau khi thời hạn kết thúc, chỉ có 7 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được COD một phần với tổng công suất 117,2 MW và chưa được COD phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án điện gió chưa được COD với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW. Tổng công suất các dự án điện gió hoàn thành và vận hành thương mại chiếm 47,23% các dự án, hiện còn 629 MW điện gió hoàn thành sau ngày 31-10-2021 chưa được COD.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Việc các dự án điện gió chưa đưa vào vận hành đang làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án. Với suất đầu tư trung bình 1 MW điện gió gần 41 tỷ đồng thì 629 MW điện gió có tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng đang bị lãng phí. Trong khi chờ cơ chế giá bán điện mới, các công trình phải nằm chờ, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, sản lượng điện trong 6 tháng nếu được phát lên lưới điện quốc gia ước đạt khoảng 4,5 tỷ kWh. Tính theo giá bán điện tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì doanh thu bán điện đạt khoảng 8.676 tỷ đồng. Rõ ràng, nếu thời gian các nhà máy nằm chờ kéo dài sẽ tiếp tục gây lãng phí rất lớn nguồn điện năng. Đó là chưa kể việc các thiết bị không được hoạt động cũng dẫn đến nguy cơ hư hỏng. Khó khăn tiếp tục đè nặng doanh nghiệp khi phải trả lãi vay ngân hàng rất lớn, chưa kể thêm nhiều chi phí khác.

Ngành chức năng cần cơ chế giá

Các dự án điện gió được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ổn định sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, phát huy nguồn lực đất đai, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực có dự án, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, các dự án điện gió còn tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch của tỉnh. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó, hoạt động đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo đã triển khai và đi vào vận hành thương mại là nhân tố tích cực góp phần tạo dư địa tăng trưởng nguồn thu ngân sách.

 Các dự án điện gió được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ổn định góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo
Các dự án điện gió được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ổn định góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 31-10 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) cho rằng: Trong báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu việc quản trị, khai thác tài nguyên năng lượng tái tạo chưa có giải pháp tổng thể để chuyển đổi phương thức sử dụng năng lượng. Báo cáo cũng nêu một ví dụ về điện gió là 629 MW ở Gia Lai đã hoàn thiện nhưng chưa đưa vào vận hành, đang gây lãng phí đến 25.500 tỷ đồng. Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng đã tiến hành giám sát ở một số tỉnh, thành thì có nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng chưa được đưa vào vận hành. Hiện có 62 dự án điện gió với công suất khoảng 3.500 MW đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa có cơ chế đưa vào vận hành. Đó không chỉ là lãng phí về đầu tư mà còn lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, riêng điện gió có thể phát triển các dự án với quy mô công suất đạt khoảng 11.950 MW. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động các dự án về năng lượng tái tạo trên 3.000-3.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 1.500 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần cung cấp năng lượng điện quốc gia, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phong điện Gia Lai cho biết: Dự án điện gió của Công ty là một trong số các dự án chỉ mới được COD một phần, hiện mới có 1/25 trụ được COD do hoàn thành trước ngày 31-10-2021, còn lại 24 trụ dù đã hoàn thành sau đó nhưng do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió nên phải chờ.

Giám đốc Sở Công thương cho rằng, việc nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nhưng chưa được COD và đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các chủ đầu tư dự án điện gió đang rất mong chờ được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế mới để tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, phát huy được hiệu quả nguồn lực đầu tư. Sở cũng đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc hoàn chỉnh, bổ sung báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. “Chúng tôi đã kiến nghị sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31-10-2021, bao gồm các dự án đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành. Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, tránh lãng phí điện năng trong bối cảnh thiếu điện vẫn đang diễn ra, trong khi chờ giá bán điện mới, kiến nghị cho phép các dự án được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng điện phát được. Khi giá bán điện được ban hành thì tính toán và hoàn trả tiền bán điện cho các chủ đầu tư dự án điện gió”-ông Binh nói.

Đã gần 1 năm, các dự án phải “án binh bất động” vì chưa có hướng xử lý, trong khi chưa được đấu nối phát điện nhưng doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh tiền lãi vay ngân hàng, có những dự án phải trả lãi vay hơn 10 tỷ đồng/tháng. Rõ ràng, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc chậm trễ tiến độ nên nhiều dự án không thể đưa vào vận hành đúng thời gian quy định để được hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió. Thực tế này đang gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, lãng phí nguồn điện năng, cũng như tạo áp lực lớn về tài chính cho các nhà đầu tư. Theo ước tính, bình quân 1 MW điện gió có thể phát sản lượng điện đạt khoảng 39.746 kWh/ngày, với giá bán điện tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg là 1.928 đồng thì doanh thu bán điện ước đạt trên 76 triệu đồng/ngày. Như vậy, nếu 629 MW điện gió được phát điện thì mỗi ngày sản lượng điện ước đạt khoảng 25 triệu kWh, doanh thu bán điện ước đạt hơn 48 tỷ đồng/ngày.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.