Những "chiến binh" thầm lặng trong mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm thần tốc, triệt để, các thành viên đội truy vết tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đang làm việc không kể ngày đêm nhằm nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Huy động toàn lực vào cuộc
Ngay sau khi dịch Covd-19 xuất hiện, cùng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và đội ngũ y-bác sĩ tình nguyện từ các huyện cử đến, thị xã Ayun Pa đã thành lập 5 đội truy vết nhanh với gần 50 cán bộ, y-bác sĩ. Các nhóm truy vết đã dồn lực rà soát, truy vết, đưa đi cách ly tập trung với những trường hợp có tiếp xúc gần với ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Đồng thời, lập danh sách các F2, số điện thoại và địa chỉ của từng người để liên lạc trong trường hợp F1 chuyển thành F0.
Để công tác khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ngay sau khi tới tâm dịch, đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã họp khẩn với lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa. Theo đó, đại diện đoàn nhấn mạnh cần huy động tối đa lực lượng tại chỗ, y-bác sĩ các xã, phường, thậm chí cả già làng, trưởng thôn vào cuộc.
Chia sẻ về việc thành lập tổ truy vết đặc biệt, bác sĩ Lê Văn Vinh-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai-cho biết: Việc truy vết yêu cầu phải thần tốc, triệt để. Vì vậy, việc huy động đông lực lượng y-bác sĩ tình nguyện từ các huyện lân cận, lực lượng y-bác sĩ các trạm y tế cùng chính quyền địa phương sẽ giúp công tác truy vết diễn ra nhanh, hiệu quả hơn.
Đội truy vết phối hợp với cán bộ trạm y tế xã Chư Bah (thị xã Ayun Pa) thông tin đến trường hợp F1 trên địa bàn về yêu cầu cần đi cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm do có tiếp xúc với ca dương tính SARS-CoV
Đội truy vết phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa) thông tin đến trường hợp F1 trên địa bàn về yêu cầu cần đi cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Vũ Chi
Trong số 50 y-bác sĩ tình nguyện đi vào tâm dịch, có 9 người ở lại hỗ trợ thị xã Ayun Pa trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Chị Thâm-y sĩ huyện Chư Păh-chia sẻ: "Tất cả các y-bác sĩ tham gia đều tự nguyện, nhiệt tình. Vì vậy, sau khi xuống địa bàn, việc gia nhập các đoàn truy vết diễn ra nhanh chóng, khẩn trương. Chúng tôi cùng với lực lượng xung kích tại các phường, xã đều được tập huấn dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh”.
Tại các xã, phường, ngoài các y-bác sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch, tất cả y-bác sĩ còn lại được huy động tham gia cùng lực lượng truy vết khoanh vùng, rà soát, thông tin, thuyết phục F1 đi cách ly tập trung. Theo bác sĩ Vinh, các y-bác sĩ tại trạm y tế xã, phường là những người nắm rõ địa bàn hơn ai hết. Vì vậy, với vai trò là người dẫn đường, thông tin trực tiếp đến các F1 về nguy cơ lây nhiễm, sự cần thiết phải cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, họ giúp công việc của đội truy vết diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đội truy vết họp bàn với y, bác sĩ Trạm Y tế phường Hòa Bình (thị xã Ayun Pa) trong công tác thu thập số liệu, rà soát, truy vết F1 tại đại phương.Ảnh.Vũ Chi
Đội truy vết họp bàn với y-bác sĩ Trạm Y tế phường Hòa Bình (thị xã Ayun Pa) trong công tác thu thập số liệu, rà soát, truy vết F1 tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi
Bác sĩ Lâm Quang Duy-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 thị xã Ayun Pa-cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp tại thị xã, Sở Y tế đã đề nghị lực lượng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xuống chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã truy vết những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao. Với tinh thần làm việc khẩn trương, thần tốc, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại thị xã đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều trường hợp ban đầu không nhớ thời điểm, đối tượng gặp gỡ, nhưng sau quá trình khai thác, họ đều cung cấp thông tin đầy đủ, giúp quá trình rà soát, truy vết được triệt để”.
Thần tốc, triệt để
“Thần tốc, triệt để” là nguyên tắc đầu tiên trong công tác truy vết. Muốn vậy, tất cả các cá nhân trong hệ thống phải phối hợp nhịp nhàng để công việc diễn ra trơn tru, nhanh chóng. Những ngày đầu, hầu như cả ê kíp không có thời gian chợp mắt vì số lượng F1 nhiều. Chỉ cần có thông tin, dù là nửa đêm, cả đội cũng lên đường ngay. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", cả đội ngũ quyết tâm không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào. Với những trường hợp có nguy cơ cao, cần phải đưa ngay vào khu cách ly tập trung; riêng F2 cần tuyệt đối cách ly tại nhà, giữ liên lạc thường xuyên.
Công tác truy vết những ngày đầu gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều người cảm thấy hoang mang khi dịch đến quá bất ngờ. Vì vậy, công tác tuyên truyền, động viên họ hợp tác là rất cần thiết. Với những trường hợp không hợp tác, đội truy vết bắt buộc phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng Công an địa phương. Bên cạnh đó, do thời điểm cuối năm, các sự kiện tập trung đông người được tổ chức khá nhiều như đám cưới, tân gia khiến công tác điều tra dịch tễ mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều trường hợp F1 không thể nhớ hết lịch trình di chuyển nên đội truy vết phải cập nhật thêm thông tin liên tục.  
Đội truy vết phối hợp với lực lượng công an địa phương yêu cầu các trường hợp F1 đi cách ly tập trung
Đội truy vết phối hợp với lực lượng Công an địa phương đến tận nhà đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung. Ảnh: Vũ Chi
Bác sĩ Lê Văn Vinh-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai-cho biết: Đến thời điểm hiện tại, thị xã Ayun Pa có 250 trường hợp F1 đã được đưa vào khu cách ly tập trung, 471 trường hợp F2 đang cách ly tại nhà. Tất cả đã được lập danh sách gửi trạm y tế các xã, phường nắm bắt, theo dõi hàng ngày. Khó khăn lớn nhất của đội truy vết trong những ngày đầu là ý thức của người dân chưa cao, chưa có sự phối hợp với đoàn. Nhưng sau đó, được sự phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền, Công an, dân quân, Đoàn Thanh niên, trạm y tế xã, công việc thuận lợi dần, người dân có ý thức hơn, tự giác phối hợp, tự nguyện khai báo cũng như tự nguyện đi cách ly.
“Sau 1 tuần truy vết với tinh thần triệt để, thần tốc, tình hình dịch Covid-19 tại thị xã Ayun Pa cơ bản được khống chế tốt. Đội truy vết đã bổ sung một số y-bác sĩ tình nguyện xuống trạm y tế các xã, phường để hỗ trợ công tác thu thập số liệu, khai báo y tế tại địa phương. Tuy nhiên, toàn lực lượng không lơ là, chủ quan, sẵn sàng rút về trung tâm, chủ động ứng phó khi có diễn biến mới nhất xảy ra”-bác sĩ Vinh khẳng định.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

Những mái ấm ở vùng khó

Những mái ấm ở vùng khó

(GLO)- Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Những ngôi nhà mới không chỉ góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

null