(GLO)- Sáng 10-8, các sĩ tử bước vào ngày thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với hai bài thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý-Hóa học-Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử-Địa lý-Giáo dục công dân). Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh chỉ được chọn một trong hai Tổ hợp trên để đăng ký dự thi. Theo ghi nhận của P.V, nhiều thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt cũng đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt kỳ thi này.
Trong buổi sáng ngày thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số nơi trên địa bàn tỉnh đã đổ mưa to. Tuy nhiên, các sĩ tử cùng phụ huynh đã “đội mưa” đến điểm thi từ khá sớm. Trước mỗi điểm thi, lực lượng an ninh, bảo vệ và thanh niên tình nguyện vẫn túc trực đầy đủ, sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Phấn khởi hoàn thành bài thi Tổ hợp
Đó là tâm trạng chung của các sĩ tử sau khi kết thúc buổi thi sáng nay, trong đó có cả những em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc vừa phải trải qua biến cố ngay trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Thí sinh điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) thỏa mái sau 2 bài thi Tổ hợp. Ảnh: Ngọc Minh |
Tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang), thí sinh Chung Thị Thúy vừa hoàn thành bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội với một “tinh thần thép”. Bởi lẽ, em vừa trải qua nỗi đau mất bố vào chiều hôm qua (9-8). Nén đau thương vào lòng, Thúy tiếp tục tham gia kỳ thi và cố gắng làm bài thật tốt để không phụ sự mong mỏi của bố. “Khi còn sống, bố kỳ vọng vào em rất nhiều. Với sự động viên của gia đình, sáng nay em dự thi và đã làm tương đối tốt bài thi. Em tự tin nhất ở môn Lịch sử và có thể đạt điểm 8, riêng 2 môn còn lại, có lẽ cũng đạt được trên 7 điểm”-Thúy tâm sự.
Thí sinh Chung Thị Thúy (bên phải)-điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh nén lại nỗi đau cố gắng làm bài thật tốt để phụ sự mong mỏi của bố. Ảnh: Ngọc Minh |
Thí sinh Ksor H'Nha (bên phải, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện Ia Pa) khá hài lòng với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của mình. Ảnh: Vũ Chi |
Thí sinh Ksor H’Nha-điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) là học sinh khuyết tật tham dự kỳ thi năm nay. Bị mất một chân sau tai nạn từ khi còn nhỏ nhưng không vì thế mà H’Nha nản chí. 12 năm học, em luôn đạt thành tích cao trong học tập, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Trải qua buổi thi với bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, H’Nha khá hài lòng với kết quả của bản thân. Em cho hay: “Đề thi Tổ hợp năm nay không quá khó, các câu hỏi đều nằm trong chương trình học. Các bạn học sinh có lực học trung bình vẫn làm được 30/50 câu hỏi. Riêng em chắc chắn được 60%”.
Còn với thí sinh Rcom H’Ren-điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa), dù phải nhập viện vào chiều hôm qua do bị bệnh Amidal cấp và trào ngược dạ dày thực quản nhưng khi cảm thấy sức khỏe ổn định hơn, H’Ren đã xin được xuất viện và tiếp tục dự thi trong sáng nay.
Theo nhận định, dù có hơi áp lực khi phải thi cùng lúc nhiều môn trong một buổi, song hầu hết thí sinh đều rời khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Đề thi được các em cho là bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không đánh đố nhưng vẫn có mức độ phân hóa cao ở từng môn. Mỗi bài thi Tổ hợp có tổng cộng 120 câu trắc nghiệm (40 câu/môn); với khoảng 10 câu khó ứng với từng môn thành phần.
Lựa chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên để dự thi, em Đinh Việt Dũng-Lớp 12A1, Trường THPT Chi Lăng (tham dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương) đã dành khá nhiều thời gian cho việc ôn luyện, trong đó chú trọng vào 2 môn Vật lý và Hóa học để xét tuyển đại học. “Mỗi môn thành phần em làm đúng từ 31-35 câu, những câu khó em cũng đã hoàn thành song chưa chắc chắn về đáp án nên chỉ tự tin đạt hơn 7 điểm. Chúng em là lứa học sinh 12 đầu tiên của trường tham gia thi tốt nghiệp, ban đầu cũng lo lắng khi kỳ thi diễn ra giữa lúc dịch bệnh Covid-19, bạch hầu... đang phức tạp, nhưng khi thấy công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tại điểm thi rất tốt, chúng em đã yên tâm để cố gắng vượt qua kỳ thi quan trọng này”-Dũng cho hay.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương trao đổi sau giờ thi sáng nay. Ảnh: Hồng Thi |
Còn em Phan Phương Uyên-Lớp 12C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương-chia sẻ: “Theo em đề thi Tổ hợp Khoa học Xã hội năm nay cũng khá nhẹ nhàng, đa số nặng về lý thuyết, nếu bạn nào chịu khó ôn tập thì không khó để đạt được 7-8 điểm. Hoàn thành bài thi sáng nay, em cảm thấy rất thoải mái, còn môn Tiếng Anh em cũng không lo lắng lắm, bởi em chọn khối D1 nên lực học của em ở bộ môn này tương đối ổn”.
Tại các điểm thi khác trên địa bàn tỉnh, P.V cũng ghi nhận những nhận định tương tự. Thí sinh Nguyễn Thị Minh Quyên-điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku), dự thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên vui vẻ nói: “Em làm bài tốt hai môn là Hóa học và Sinh học, môn Vật lý cũng khá ổn nên em rất tự tin với bài thi Tổ hợp sáng nay”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) phấn khởi sau bài thi tổ hợp. Ảnh: Nguyễn Giang |
Thí sinh Nguyễn Thị Diệu My-điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đak Đoa) nhận định: “Em thấy đề thi môn Tổ hợp Khoa học Xã hội năm nay hơi khó, nhất là môn Lịch sử, có sự phân hóa ở 10 câu cuối. Để làm được điểm cao, yêu cầu thí sinh phải nắm rõ, chi tiết các sự kiện lịch sử. Phần kiến thức tập trung vào học kỳ 1”.
Cũng trong sáng nay, sau bài thi Tổ hợp, nhiều thí sinh hệ GDTX đã hoàn thành kỳ thi. Vui vẻ trao đổi bài làm với nhóm bạn tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ), em Rơ Mah H’Tâm cho hay: “Tụi em là học sinh hệ GDTX nên sáng nay chỉ thi 2 môn Lịch sử và Địa lý là kết thúc. Theo em, đề Lịch sử và Địa lý năm nay nhẹ nhàng hơn năm ngoái, hầu như tất cả nội dung đều nằm trong chương trình ôn tập nên em làm được khoảng 80%. Em rất mừng vì đã hoàn thành kỳ thi với kết quả quan”.
Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh
Ngay từ sáng sớm, tại điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đak Đoa) thí sinh và phụ huynh đã có mặt đông đủ. Đây là điểm thi tập trung các thí sinh ở các xã cách xa trung tâm huyện như: A Dơk, Đak Krong… nên lực lượng Công an, Đoàn thanh niên đã có mặt thật sớm để hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh. Anh Trần Văn Chương-Bí thư Đoàn thị trấn Đak Đoa cho biết: “Chúng tôi đã đo thân nhiệt, phát khẩu trang, đồ dùng học tập, áo mưa miễn phí cho thí sinh. Đối với các thí sinh ở xa, Đoàn thanh niên đã hướng dẫn thí sinh và người nhà đến các quán ăn đảm bảo vệ sinh, hỗ trợ nơi ở lại miễn phí. Kết thúc buổi thi, nếu người nhà thí sinh không kịp đến đón, Đoàn thanh niên có đội xe ôm tình nguyện chở thí sinh về nhà. Đặc biệt, Đoàn thị trấn cũng đã tặng 9 suất quà, mỗi suất 300.000 đồng cho thí sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đak Đoa) trao đổi thông tin môn thi Tổ hợp Khoa học Xã hội. Ảnh: Ngọc Thu |
Ông Khúi (làng Ang Leh, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Do nhà ở xa nên 4 giờ sáng hai cha con đã dậy để chở con đến điểm thi đúng giờ. Tuy có hồi hộp, lo lắng nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng công an, đoàn viên thanh niên về đồ dùng học tập, nơi ăn, chốn nghỉ, phòng-chống dịch bệnh... đã giúp mình yên tâm, con mình tự tin hơn khi vào phòng thi”.
Trong kỳ thi này, các địa phương cũng dành nhiều sự hỗ trợ để động viên tinh thần cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm dự thi. Theo ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, huyện đã xuất ngân sách 56 triệu đồng cấp cho các đơn vị trường học trên địa bàn để hỗ trợ kinh phí cho 112 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn (mỗi em 500.000 đồng) tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Sự hỗ trợ này phần nào động viên gia đình và các thí sinh và hoàn thành tốt kỳ thi.
Vì phải di chuyển quãng đường khá xa nên 73 học sinh tại Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) đã đăng ký nghỉ trưa tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện trong 2 ngày diễn ra kỳ thi. UBND huyện Ia Pa cũng trích kinh phí hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 2 trường THPT trên địa bàn huyện, mỗi em từ 390.000-450.000 đồng. Riêng Đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng hỗ trợ 100.000/em với 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi. Em Nay H’Loan-Trường THPT Phan Chu Trinh-thủ thỉ: “Em là học sinh mồ côi cha. Được UBND huyện, xã cùng các thầy cô trong trường hỗ trợ kinh phí, động viên tinh thần cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất để nghỉ trưa nên em rất yên tâm, cố gắng làm bài đạt kết quả cao”.
Tương tự, UBND huyện Kbang cũng hỗ trợ 28 suất quà (trị giá 360.000 đồng/suất) cho các thí sinh thuộc diện gia đình khó khăn; Huyện Đoàn Kbang tặng 500 chiếc khẩu trang, 500 cây viết, 30 chiếc áo mưa; hỗ trợ 156 suất cơm trưa cho các thí sinh ở xa. Ngoài ra, các Mạnh Thường Quân cũng tặng hơn 1.800 chiếc khẩu trang cho thí sinh để đảm bảo sức khỏe giữa mùa dịch bệnh.
Những suất cơm miễn phí phát cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Ngọc Sang |
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, trong buổi sáng ngày 10-8, tại 37 điểm thi trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào có liên quan đến dịch Covid-19, hoặc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, tại một số điểm thi ghi nhận nhiều giáo viên, thí sinh mắc các bệnh khác.
Cụ thể: Tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An (huyện Chư Prông) có một giáo viên bị rối loạn tiêu hóa. Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) có 2 giáo viên được chẩn đoán bị rối loạn tiền đình, viêm dạ dày. Tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) có 1 giáo viên coi thi được chẩn đoán bị tiêu chảy. Sau khi được bác sĩ túc trực tại 3 điểm thi cho dùng thuốc, sức khỏe 4 giáo viên này đã ổn định và tiến tục làm nhiệm vụ. Tại điểm thi Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) có 2 thí sinh bị tiêu chảy và viêm dạ dày. Sau khi uống thuốc, 2 thí sinh này tiếp tục làm bài thi.
Thống kê từ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo), toàn tỉnh có 4335 thí sinh đăng ký dự thi môn Vật lý (vắng thi 8 em); 4347 thí sinh đăng ký dự thi môn Hóa học (vắng 11 em); 4251 thí sinh đăng ký dự thi môn Sinh học (vắng 7 em); 8672 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử (vắng 49 em); 8667 thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý (vắng 42 em) và 7661 thí sinh đăng ký dự thi môn Giáo dục công dân (vắng 31 em). Không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm Quy chế thi. |
NHÓM P.V