Nhà nghèo mắc bệnh ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù biết mình bị ung thư hệ bạch huyết nhưng chị Puih Har (28 tuổi, làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn không có tiền để chữa trị. 
Chị Har trải lòng: Hơn 4 tháng trước, trên cổ chị nổi 1 cục mụn nhỏ, sờ vào thấy đau. Chị đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1 tuần nhưng bệnh tình vẫn không biểu hiện thuyên giảm. Sau đó, chị được chuyển vào Bệnh viện Ung bướu (TP. Hồ Chí Minh) thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận chị bị ung thư hệ bạch huyết (bệnh Lymphom).
Tiếp nhận thông tin từ bác sĩ, vợ chồng chị như ngã quỵ. “Bác sĩ nói bệnh của mình cần phải trải qua ít nhất 6 lần xạ trị mới kéo dài được sự sống. Mỗi lần xạ trị sau khi trừ bảo hiểm y tế, mình phải thanh toán viện phí, thuốc men hết 12 triệu đồng. Chưa kể tiền xe, tiền ăn ở mỗi lần đi lại”-chị Har nói.
Trải qua 2 lần xạ trị, chị Har không còn vật vã với những cơn đau. Nhưng nghĩ đến lần xạ trị tiếp theo, nước mắt chị lại tuôn rơi. “Lần xạ trị đầu tiên, bác sĩ ở bệnh viện thương tình kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ chi phí. Lần thứ 2, gia đình bán đi con bò duy nhất để có tiền lo liệu. Thời gian hẹn cho đợt xạ trị thứ 3 đã qua gần 1 tháng, song phần vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phần vì chưa có tiền nên mình không biết phải làm sao”-chị Har cho biết.
Mẹ con chị Puih Har. Ảnh: Đinh Yến
Mẹ con chị Puih Har. Ảnh: Đinh Yến
Nhìn vợ phải chịu đau đớn nhưng anh Puih Lam cũng chỉ biết nước nước mắt vào trong, bởi anh cũng đã cố gắng xoay xở hết cách rồi. Vợ bệnh, con nhỏ, nhà lại thuộc diện hộ nghèo, anh lại chỉ quanh quẩn gần nhà ai thuê gì làm nấy. Bí bách, gia đình đã rao bán 2 sào cà phê mà vợ chồng anh dành dụm nhiều năm mới mua được. “Từ khi vợ bị bệnh, tôi phải gửi 2 con (đứa lớn 7 tuổi, nhỏ 5 tuổi) nhờ xóm làng chăm sóc để đưa vợ vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Chi phí đi lại rồi tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền chữa bệnh... rất tốn kém. Có khi phải ăn ở cả tháng trong đó để chờ vợ khỏe hơn mới về được. Nếu giờ không bán được rẫy cà phê thì không có tiền cho lần xạ trị tới. Rồi nhiều lần xạ trị tiếp theo, mình chưa biết phải làm sao”-anh Lam rầu rĩ.
Biết hoàn cảnh gia đình chị Har, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Hrung phân công các hội viên thay nhau giúp đỡ chăm sóc vườn cà phê và 2 cháu nhỏ để chị yên tâm chữa bệnh. Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hiền-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Hrung-cho biết: “Căn bệnh hiểm nghèo của chị Har cần điều trị lâu dài và vô cùng tốn kém, trong khi gia đình lại thuộc diện hộ nghèo nên rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Về phía Hội cũng đang kêu gọi, vận động cán bộ, hội viên giúp đỡ chị Har trong lúc ngặt nghèo này”.
Mọi sự hỗ trợ cho gia đình chị Puih Har xin liên hệ với bà Nguyễn Thị Hiền-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Hrung, ĐT: 0349272129 hoặc Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.