Người Hưng Yên ấm no trên quê hương mới Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 20 năm lập nghiệp tại vùng kinh tế mới thuộc địa bàn huyện Chư Prông, những người con Hưng Yên đã vượt qua khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai.
Ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế
Niềm vui hiện hữu trên gương mặt, anh Nguyễn Văn Ánh-thôn Phố Hiến (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai), hồ hởi cho biết: Kể từ ngày gia đình rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới ở vùng đất Chư Prông này, anh và cộng đồng người dân Hưng Yên ở đây vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trực tiếp vào thăm hỏi, động viên.
 Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên (bìa phải) tặng 100 triệu đồng cho người dân Hưng Yên đang sinh sống tại xã Ia Lâu và Ia Piơr, huyện Chư Prông. Ảnh: M.D
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên (bìa phải) tặng 100 triệu đồng cho người dân Hưng Yên đang sinh sống tại xã Ia Lâu và Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai). Ảnh: M.D
Anh Ánh cho hay, năm 1999, vợ chồng anh khăn gói từ huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) vào vùng đất Ia Lâu tìm cơ hội phát triển kinh tế. “Vào đến nơi, nhìn bốn bề rừng núi hoang vu, nhất là khi thấy căn nhà vỏn vẹn 24 m2 được cấp để ở mà bên dưới nền nhà còn nguyên dấu những luống cày, tôi thầm nghĩ mình sẽ không thể nào trụ lâu được. Rồi vợ chồng tôi bắt đầu khai hoang, mở rộng sản xuất, chăn nuôi tích góp mua thêm đất. Và 2 đứa con lần lượt ra đời đã níu chân chúng tôi đến bây giờ”-anh Ánh kể. Nhờ cần cù, chăm chỉ lao động, vợ chồng anh đã biến những giọt mồ hôi đổ xuống thành của cải, vật chất. Ngoài 5 sào đất được Nhà nước cấp ban đầu, đến giờ gia đình anh đã có hơn 4 ha lúa nước, 2 ha điều và 1 ha trồng cây ngắn ngày các loại, thu nhập bình quân 170-200 triệu đồng/năm.
Khác với anh Ánh, trước khi vào lập nghiệp tại thôn Phố Hiến, gia đình anh Vũ Duy Đông (xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã từng đến các tỉnh như Đak Nông, Bình Phước,  Đồng Tháp để gầy dựng cuộc sống. Nhận thấy những nơi này đều không phù hợp cho việc phát triển kinh tế, năm 1999 gia đình anh chuyển đến xã Ia Lâu cùng với đứa con trai mới vừa tròn 5 tuổi. Được những người cùng quê đến trước đùm bọc, hỗ trợ, gia đình anh chị bỏ công sức khai hoang, trồng trọt, chắt chiu tích góp. Đến nay, ngoài 2 ha lúa nước, 2 ha điều và cây ăn quả, gia đình anh Đông còn có đến 3 xe ben, 2 xe máy đào và máy xúc, thu nhập bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Còn với anh Nguyễn Văn Khảm (thôn Kim Giang, xã Ia Piơr), để có được cuộc sống như ngày hôm nay, anh và những người con miền đất Hưng Yên đã phải đoàn kết, kiên cường mới có thể khuất phục được vùng đất hoang vu này. Anh Khảm nhớ lại, trước kia nhiều người mới từ Hưng Yên vào chưa thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nên thường xuyên đau ốm, đặc biệt là tình trạng sốt rét khiến cho một số hộ “bỏ cuộc” quay trở về quê cũ hoặc di chuyển đến nơi khác định cư. “Nhờ kiên trì, bám trụ vững vàng nơi vùng đất mới bằng sự quyết tâm cao, tích cực lao động sản xuất, chúng tôi đã vươn lên làm chủ cuộc sống”-anh Khảm đúc kết kinh nghiệm.
Theo ông Đào Trung Kiên-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), cộng đồng người dân Hưng Yên trên địa bàn xã luôn sống hòa đồng, đoàn kết, giúp nhau cùng xóa đói nghèo. “Đảng ủy, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những hộ dân này tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại khác để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”-ông Kiên xác nhận.
Nỗ lực xây dựng quê hương thứ hai giàu đẹp
Ông Bùi Viết Hội-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-cho biết, từ năm 1997 đến năm 2000, theo chương trình di dân làm kinh tế mới, người dân các huyện thuộc tỉnh Hưng Yên đã chuyển đến sinh sống, làm ăn tại địa bàn 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr. Đến nay, cộng đồng cư dân Hưng Yên tại đây đã phát triển lên thành 350 hộ với hơn 1.100 khẩu. Cụ thể, xã Ia Lâu có 78 hộ dân với 295 khẩu sinh sống tại thôn Phố Hiến; xã Ia Piơr có đến 272 hộ với 1.040 khẩu, sinh sống chủ yếu ở các thôn: Kim Giang, Kỳ Phong, Yên Hưng, Yên Bình, Thanh Bình và làng Piơr 1…
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ chụp hình lưu niệm với các hộ dân người Hưng Yên sinh sống và làm ăn tại xã Ia Lâu, Ia Piơr, huyện Chư Prông. Ảnh: Minh Dung
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ chụp hình lưu niệm với các hộ dân người Hưng Yên sinh sống và làm ăn tại xã Ia Lâu, Ia Piơr, huyện Chư Prông. Ảnh: Minh Dung
Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Những năm mới vào địa bàn huyện xây dựng vùng kinh tế mới, đời sống người dân tỉnh Hưng Yên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay đại đa số các hộ dân này đã nỗ lực khắc phục khó khăn, yên tâm định cư lâu dài tại quê hương mới. Các hộ đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình có kinh tế khá, đặc biệt có nhiều hộ giàu có, sống sung túc.
Mới đây, tại buổi gặp mặt những người con quê hương Hưng Yên đang sinh sống và làm ăn tại 2 xã nói trên, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên-đã ân cần thăm hỏi, động viên những hộ dân này tiếp tục yên tâm sản xuất, gắn bó và nỗ lực cùng địa phương xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên vui mừng, phấn khởi khi biết người dân quê mình đi xây dựng vùng kinh tế mới đã ổn định cuộc sống; biết đoàn kết, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. “Dù đi đâu, sinh sống ở địa phương nào, những người con quê hương Hưng Yên hãy luôn giữ vững truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vươn lên, xứng đáng là những công dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Đồng thời, phải giữ được tinh thần đoàn kết, yêu thương trên vùng đất mới, quê hương thứ hai đã tạo ra cuộc sống ấm no, đủ đầy; nuôi dạy con cái học hành thành đạt và luôn nhớ về quê hương xứ sở”-Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhắn nhủ.
Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh ta, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân Hưng Yên đang làm ăn, sinh sống tại 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr; đồng thời trao tặng 100 triệu đồng và 20 suất quà (2 triệu đồng/suất) cho 20 hộ dân Hưng Yên tại 2 xã nói trên.
Minh Dung

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.