Đường vào vùng sâm Quốc bảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 5-9-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đích thân đến phía sườn Nam quần sơn Ngọc Linh, tận mắt thị sát vùng nhân trồng giống sâm tại đây và tuyên bố: Sâm Ngọc Linh là Quốc bảo!
Sâm Ngọc Linh vốn đã nổi tiếng trong nước và quốc tế từ mấy mươi năm qua, nay được tôn vinh là báu vật quốc gia thì chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm hơn nữa. Nhân sự kiện này, xin giới thiệu về việc “phát lộ” loài sâm Quốc bảo và vài ghi chép về đường vào “lãnh địa” của sâm Ngọc Linh, nơi cực Bắc Tây Nguyên còn nhiều thâm u hoang tịch.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: K.N.B
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. (Ảnh nguồn internet)
Từ thuở khai thiên lập địa, sâm Ngọc Linh lặng lẽ giấu mình giữa núi non trùng điệp, mãi đến ngày 18-3-1973 thì mới “xuất đầu lộ diện”! Theo hồi ký của dược sĩ Đào Kim Long, khoảng cuối năm 1972, một nhóm công tác 4 người (do ông làm trưởng đoàn) thuộc Ban Y tế Khu V lần mò lên đỉnh Ngọc Linh khảo sát tìm cây dược liệu. Đến ngày 18-3-1973, trên độ cao 1.800 m, dược sĩ Nguyễn Châu Giang bẻ “vu vơ” một đọt cây rừng mọc thâm thấp ven lối đi đưa hỏi dược sĩ Đào Kim Long xem là cây gì. Dược sĩ Long reo lên: “Đúng là thứ cây ta đang tìm!”.
Sau khi được phát hiện, sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ càng, xác định đây là một trong những loại nhân sâm tốt nhất thế giới với tên khoa học Panax vietnamensis Ha et Grushv. Từ đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bảo vệ, bảo tồn và phát triển.
Gần đây nhất, theo Quyết định 2465/QĐ-SHTT ngày 30-7-2018 của Cục Sở hữu Trí tuệ về sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” thì vùng quy hoạch bảo vệ và nhân trồng sâm Ngọc Linh trải rộng trên địa bàn 18 xã của 4 huyện thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Kon Tum gần 17.000 ha, ở Quảng Nam gần 9.000 ha.
Ở Kon Tum, có mấy lối đi đến vùng lõi trồng sâm, nhưng nếu chọn một lối để đi luôn một lèo, không quay lui trở ngược, thì phải đến ngã ba Đak Tả, tại Km 1424+500 đường Hồ Chí Minh (lưng chừng đèo Lò Xo), rẽ theo tỉnh lộ 673 đi vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh, chừng 35 km thì đến xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (huyện Đak Glei), là 2 xã “vùng lõi” sát chân núi Ngọc Linh nhất. Rồi từ xã Ngọc Linh đi tiếp theo một tuyến đường “không tên” thuộc Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên xuyên qua thăm thẳm đại ngàn, đến 2 xã “vùng lõi” nữa là Măng Ri và Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông). Đi hết Tê Xăng gặp quốc lộ 40B từ Đak Tô chạy ra (Km 161), đi tiếp theo đường 40B về xã Ngọc Lây để ra phía Quảng Nam. Quá xã Ngọc Lây, đến Km 141 của đường 40B là vào địa phận xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Đến Km 117 (xã Trà Don) gặp biển báo chỉ đường rẽ vào Khu Bảo tồn sâm Ngọc Linh của Quảng Nam nơi bờ sông Tranh, mà nay đã thành con “sông đá” do bị chặn dòng làm thủy điện!
Nhìn dòng sông đá ngổn ngang, người biết chuyện không thể không nhớ lại sự kiện chính người tìm ra sâm Ngọc Linh (dược sĩ Đào Kim Long), trên đường trở về căn cứ Nước Oa của Khu V (huyện Bắc Trà My) đã suýt chết tại đây. Hãy xem một đoạn hồi ký của ông: “Hơn 6 tháng trèo núi lội suối, ai cũng thấm mệt. Về đến ngọn sông Tranh thì gạo hết… 3 anh em đều khật khừ sốt rét, phải vừa đi vừa mò ốc bắt cá suối để ăn… Một lần mò cá ở ngọn sông Tranh, tôi bị nước cuốn trôi, dòng nước lạnh buốt chạy như ngựa kéo tôi cuồng loạn giữa những hòn đá ghềnh to ngổn ngang trên mặt sông như trận đồ bát quái… Được vài ba ki lô mét, dòng nước ném tôi xuống một thác cao… Tôi ngoi lên được một tảng đá cạnh bờ, ngồi trên đó với 2 đầu gối sưng vù…”. Theo con đường rẽ từ bờ sông Tranh đó, ta sẽ vào tiếp các xã thuộc vùng sâm Ngọc Linh của phía Quảng Nam, như đã liệt kê.
Dĩ nhiên, nếu chỉ đi “lơi khơi” kiểu phượt dọc đường thì lữ khách có thể tha hồ thưởng ngoạn cảnh sắc hùng vĩ đại ngàn của quần sơn Ngọc Linh thăm thẳm. Lúc nghỉ ngơi, khách có thể ghé vào thăm thú các thôn làng bà con Xê Đăng tại chỗ để tìm hiểu những tập quán truyền thống của một tiểu vùng văn hóa, để được nghe những câu chuyện kể về giống sâm này. Có chuyện thực tế, mà cũng có chuyện thú vị như là một… truyền thuyết, truyền kỳ của thuở xa xưa!
Nhưng nếu có quen biết hay có được sự giới thiệu của cơ quan chức năng (vì vùng nhân trồng sâm được bảo vệ nghiêm ngặt) và có “quyết tâm cao” thì nên cố gắng vượt những con dốc lên độ cao khoảng trên dưới 1.200 m để thâm nhập những khu vực đang tiến hành nhân giống, gieo trồng để mãn nhãn trước những khoảnh sâm được bảo quản và chăm sóc kỹ càng rung rinh cành lá tươi non. Tất cả đều âm thầm lặng lẽ giữa rừng sâu núi thẳm, khu biệt với xung quanh.
Cung đường núi kể trên, nếu đi vào mùa khô thì thuận tiện và an toàn hơn, vì dốc đèo bớt trơn trượt và ánh trời soi rọi mạnh cũng làm đại ngàn bớt đi vẻ thâm u. Dọc đường, khách sẽ tha hồ nhìn ngắm mê man một miền núi non biến ảo khôn lường nơi cực Bắc Tây Nguyên-vương quốc của loài sâm Quốc bảo-rồi cứ ngỡ mình đang lạc giữa điệp trùng Thập Vạn Đại Sơn kỳ vĩ bên Trung Quốc hay miền Hy Mã Lạp Sơn đầy bí ẩn vậy!
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm