Người cựu binh và chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là thương binh Phùng Văn Quán (SN 1942) ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là nhân chứng sống còn lưu giữ được chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.
Cảm hứng cho ca khúc "Chiếc gậy Trường Sơn"
Hình ảnh đầu tiên hút ánh mắt là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững với tán lá xanh tỏa bóng mát cho một vùng rộng lớn. Đó là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa trong làng. Cách cây đa không xa là Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, nơi lưu giữ kỷ vật quý báu thời kháng chiến của làng. Những phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn", "Chiếc nhẫn chung thủy" đều xuất phát từ mảnh đất này.
Cựu binh Phùng Văn Quán sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 2 chị em. Thời niên thiếu, chàng thanh niên Phùng Văn Quán tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nhập ngũ ngày 10/2/1961, sau hơn 5 năm chiến đấu ông bị thương phải về hậu phương điều trị. Khỏi bệnh, ông viết thư tình nguyện xin tiếp tục ra trận chiến đấu cho tới ngày 5/12/1970 ông buộc phải xuất ngũ để chữa bệnh vì bị thương nặng và chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.
 
Cựu chiến binh Phùng Văn Quán đang kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm thời chiến tranh
Khi đoàn quân đến huyện Hương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong lúc giải lao, Phùng Văn Quán rủ hai người bạn thân cùng làng là Đỗ Tít và Lưu Tiến Long vào rừng chặt cây làm gậy chống đi đường cho đỡ mệt. Chiếc gậy lập tức phát huy tác dụng, nó giúp bộ đội băng rừng lội suối an toàn, làm giá đỡ quần áo, ba lô và có thể làm vũ khí chiến đấu khi đánh giáp lá cà với địch. Việc làm của họ được đồng đội hưởng ứng và lan rộng ra các đơn vị bạn.
Ông Quán kể lại: "Năm 1965, tôi cùng 2 người bạn thân là Đỗ Tít và Lưu Tiến Long lên đường vào chiến trường miền Nam. Khoác trên vai chiếc ba lô nặng hơn 20kg, đi khoảng một cây số là ai nấy đều mệt oải người. Trong lúc hành quân đeo ba lô nặng vai, trời lại mưa đường trơn nên tôi chặt gậy để chống lúc đi. Ban ngày hành quân đỡ vất vả nhưng hành quân ban đêm khó khăn, đường rừng mưa trơn. Khi tạm nghỉ vẫn phải đứng, đeo ba lô thế nên tôi nghĩ ra cách chặt một cây rừng cứng dài 1,2m, to hơn ngón chân cái để đỡ chiếc ba lô cho bớt nặng. Anh Tít và anh Long cũng chặt một đoạn trúc già và một đoạn tre ven đường làm gậy chống. Tôi coi gậy như một bạn đường đi vào Nam chiến đấu. Đây là kỷ vật mà tôi không bao giờ quên".
Khi đã vào đến chiến trường chuẩn bị cho một trận đánh lớn, 3 chàng trai gặp được người cùng làng trở về quê, họ quyết định gửi 3 cây gậy về nhà để gia đình yên tâm. Ông Quán tâm sự: "Tôi đã khắc lên thân gậy tên mình, những địa danh đã đi qua và dòng chữ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" với mong muốn người nhà "thấy gậy như thấy người" và dù tôi có trở về hay không cũng không quan trọng".
 
Từng nét chữ khắc trên chiếc gậy Trường Sơn
Chiếc gậy ông Phùng Văn Quán được khắc những dòng chữ “Thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “ Fùng Quán” và “Trường Sơn 1-4-67”. Ba chiếc gậy đó khi trở về quê hương được nhân dân Hòa Xá trưng bày ở phòng truyền thống. Cứ mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các bậc cao niên trong xã lại trao cây gậy khắc dòng chữ “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn nhủ người lính vững bước hành quân và lời thề chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tháng 4/1967, trong một chuyến đi công tác tới xã Hòa Xá, hình ảnh “Chiếc gậy Trường Sơn” cùng khí thế sục sôi lên đường đánh giặc cứu nước của những người con Hòa Xá đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nên ca khúc đã đi cùng năm tháng “Chiếc gậy Trường Sơn”. Kể từ đó, loại gậy dùng cho bộ đội hành quân được đổi tên thành gậy Trường Sơn.
Ông Quán kể: “Lúc vào đến Trường Sơn ít ngày tôi nghe đại đội trưởng mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe thấy bài hát chiếc gậy Trường Sơn, tôi mới biết là gậy đã tới nơi quê nhà rồi. Tôi không nghĩ chính những chiếc gậy của mình và đồng đội gửi về chỉ với với mục đích báo tin cho gia đình lại trở thành ý tưởng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” nổi tiếng ấy. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" làm nổi lên một phong trào chiếc gậy tòng quân ở xã, huyện và cả nước. Trước khi đi nhập ngũ, xã đưa đón tặng gậy Trường Sơn nhắc nhở anh em hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Phùng Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá cho biết: “Trong bản giấy vẽ khuông nhạc của ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngày ấy có ghi: “Kính tặng thanh niên Hòa Xá trước khi lên đường nhập ngũ”.
 
Cựu binh Phùng Văn Quán kể về kỷ vật chiếc gậy Trường Sơn
Sau này, khi bài hát được lan rộng, cổ vũ khí thế của lớp lớp thanh niên cả nước, dòng chữ trên được sửa lại thành “Kính tặng thanh niên Hòa Xá và thanh niên cả nước trước khi lên đường nhập ngũ”.  
Duyên kỳ ngộ
Chiến tranh đã lùi xa, 3 người con Hòa Xá, giờ đây chỉ còn ông Quán. Hai người bạn chiến đấu năm nào của ông đã không còn nữa, một hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, một cũng ra đi do di chứng của chất độc da cam. Chiếc gậy của ông Đỗ Tít được Quân khu 3 xin làm kỷ niệm, gậy của ông Lưu Tiến Long được Tỉnh đội Hà Tây cũ lưu giữ.
Còn chiếc gậy của ông Phùng Văn Quán sau một thời gian trưng bày ở phòng truyền thống xã Hòa Xá nhưng khi ông đến tìm thì đã bị thất lạc không ai rõ. Cách đây 5 năm, tình cờ một bà cụ hàng xóm của con gái ông Quán chống gậy sang nhà chơi, cô chợt thấy chữ Phùng Quán khắc trên đó, mới nhìn kĩ thì biết ngay đó là chiếc gậy mà cha cô bao năm tìm kiếm. Nhận lại cây gậy, ông Quán ôm nó vào lòng như người bạn thân thiết và nhận ra dòng chữ “Thà Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trường Sơn 1-4-67” do chính tay ông khắc cách đây 30 năm. Vậy là cuối cùng chiếc gậy huyền thoại đã được đưa về với chủ nhân của nó. Có người đã từng trả ông Quán hàng trăm triệu đồng để mua chiếc gậy Trường Sơn nhưng ông không bán, bởi ông coi chiếc gậy này như một báu vật.
 
Chiếc gậy Trường Sơn được gia đình cựu binh Phùng Văn Quán lưu giữ như một báu vật
Vào những ngày lễ lớn của đất nước, ông lại đem gậy ra đặt bên bàn thờ, thắp hương, tưởng nhớ đồng đội hy sinh. Ông Phùng Văn Quán cho biết: “Tôi gìn giữ gậy trong bao bọc cẩn thận để sau này cho con cháu tôi lớn lên sẽ biết được ông cha mình trước kia đi vào Nam chiến đấu. Gậy đã đi vào lịch sử rồi, tôi rất tự hào về công việc đã làm. Nhạc sĩ Phạm Tuyên mới đây lên thăm tôi khi được xem lại chiếc gậy Trường Sơn đã bảo tôi chiếc gậy quý giá quá. Nó nhắc tôi nhớ tới những đồng đội đã nằm lại chiến trường, tới chính tôi năm xưa. Đó là báu vật của tôi và của những năm tháng không thể nào quên ”.
Hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn đã trở thành nguồn cảm hứng dào dạt để nhà thơ Nhuệ Giang viết: Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân/Gậy này gửi tặng quê nhà/Gậy ra tiền tuyến, gậy ra ruộng đồng/Chỉ ra đồng nở bông sáu tấn/Chỉ lên trời thần sấm cháy tan/Chỉ ra tám triệu mét màn/Chỉ vào tiếng hát, tiếng đàn thêm trong/Mẹ già chống gậy Trường Sơn/Tưởng như mẹ cũng lên đường xông pha.
Nông Nghiệp Việt Nam/Trần Toản (Kiến thức gia đình số 16)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.