Đường Trường Sơn Đông:Đem ấm no hạnh phúc đến đồng bào miền Trung-Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ trương xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đã được Bộ Chính trị xác định: “Khu vực xây dựng đường Trường Sơn Đông nằm trên vùng cao nguyên rộng lớn kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố an ninh - quốc phòng, động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc…”.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT kiểm tra hiện trường của Dự án
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT kiểm tra hiện trường của Dự án



Viết tiếp huyền thoại đường Trường Sơn

Dự án đường Trường Sơn Đông được triển khai thi công từ năm 2006 với tổng chiều dài toàn tuyến là 657km, trong đó xây dựng mới là 615km và đi chung đường đã có là 42km, tuyến đi qua 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, Dự án đã triển khai được 68 gói thầu với chiều dài khoảng 530km, chiếm 86% tổng chiều dài xây dựng, trong đó đã thi công hoàn chỉnh 468km, bao gồm 100 cầu các loại, 02 đường đôi và 01 hầm, nối thông liên tục 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên và phía Đông Bắc Đắk Lắk; nối thông 9 quốc lộ ngang là: 14B, 14E, 40, 24B, 24, 19, 25, 29 và 26. Đoạn tuyến dài hơn 40km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn gần 70km phía Đông Nam Đắk Lắc nối sang Lâm Đồng đang chờ Chính phủ bố trí vốn để hoàn thành toàn bộ dự án.

Việc triển khai thực hiện Dự án gặp vô vàn khó khăn đối với những đoạn mở mới hoàn toàn, đặc biệt là vận chuyển vật liệu, máy móc thiết bị vào hiện trường do bốn phía đều là núi cao, vực thẳm. Thêm vào đó, khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường ở Tây Nguyên làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ khảo sát, thi công cũng như đảm bảo chất lượng công trình. Nhiều năm liền, cán bộ, chiến sỹ, người lao động phải ăn dầm, ở dề trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, ý chí của người lính Trường Sơn năm xưa, sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân các địa phương nơi tuyến đi qua đã tiếp thêm động lực để đến nay đã hoàn thành thi công được 58 gói thầu và 9 gói thầu nữa sẽ hoàn thành thi công vào đầu năm 2019. Dự án thường xuyên được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra, giám định chất lượng công trình; Kiểm toán Nhà nước định kỳ 3 năm vào kiểm toán một lần giúp cho công tác quản lý chất lượng, khối lượng công trình, quản lý nguồn vốn chặt chẽ, hiệu quả.


 

Đơn vị thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy rải GOMACO - Hoa Kỳ
Đơn vị thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy rải GOMACO - Hoa Kỳ



Phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát đường Trường Sơn Đông mới đây, đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá Dự án đường Trường Sơn Đông là một trong những dự án có vị trí chiến lược quan trọng trong quốc phòng - an ninh cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương mà tuyến đi qua. Đồng chí Phó Phủ tịch Quốc hội chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý dự án 46 và các đơn vị liên quan đôn đốc quyết liệt các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu đã triển khai, đồng thời chuẩn bị chặt chẽ hồ sơ, thủ tục để triển khai các gói thầu còn lại; giải ngân tốt nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành toàn bộ dự án, thông tuyến trong năm 2020. Bên cạnh đó, các Bộ GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, ngành phối hợp Bộ Quốc phòng tham mưu đề xuất Quốc hội, Chính phủ ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trong thời gian sớm nhất; tiếp tục phối hợp hỗ trợ Bộ Quốc phòng các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ xây dựng công trình trên địa hình phức tạp về địa chất, thủy văn để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.

Đem ấm no hạnh phúc đến cho đồng bào

 

Cầu ĐắkPaChe km183+207,36 (thuộc tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành kết nối Ngọk Tem - vùng đất khó khăn thường xuyên bị cô lập với QL24
Cầu ĐắkPaChe km183+207,36 (thuộc tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành kết nối Ngọk Tem - vùng đất khó khăn thường xuyên bị cô lập với QL24



Hiện nay, nhiều đoạn tuyến hoàn thành của đường Trường Sơn Đông đã được đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa bàn khu vực miền núi, bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn cũng được rút ngắn. Việc đi lại, giao thương, buôn bán của người dân trở nên thuận lợi hơn, người dân không còn phải oằn mình đi trên con đường mòn chênh vênh hay gồ ghề đất đá, trơn trượt…

Tuyến đường đang dần hoàn thành là sự hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách, sự quan tâm, tri ân của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với đồng bào các dân tộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của dải đất miền Trung, Tây Nguyên, những người đã một lòng một dạ đi theo, giúp đỡ, đùm bọc những người con cách mạng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đường Trường Sơn Đông là trục dọc giữa QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Trung, Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược được ví như mạch máu đem lại cuộc sống mới cho hàng triệu hộ dân, trong đó đa phần là người dân tộc thiểu số thuộc các vùng căn cứ cách mạng, vùng còn nhiều khó khăn. Nhiều vùng đất như được đánh thức, đơn cử như đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai với chiều dài 247km (chiếm hơn 1/3 tổng chiều dài toàn tuyến) với 26 xã của 6 huyện, thị trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi. Sau khi bàn giao và đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phòng chống thiên tai cho các xã vùng sâu, vùng xa có tuyến đường này đi qua; có sự kết nối giữa đường Trường Sơn Đông với các tuyến đường trên địa bàn các tỉnh.

Từ khi có tuyến đường, hàng hóa, sản phẩm được thông thương, việc vận chuyển đến các làng xã, huyện và ngoại tỉnh được thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt, các sản phẩm của người dân làm ra không bị ép giá, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Đại tá Hà Huy Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ năm 2011, nay vẫn cơ bản ổn định, nhiều khả năng sẽ hoàn thành toàn bộ mà không phát sinh vốn đầu tư; một số tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ thi công mới đã kịp thời cập nhật vào dự án. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn trong cân đối giữa kinh tế và kỹ thuật, dù chưa thông tuyến toàn bộ nhưng mật độ, số lượng xe, đặc biệt là xe tải trọng lớn lưu thông ở một số đoạn trên đường Trường Sơn Đông rất lớn nên một số gói thầu kết cấu mặt đường nhựa dày 7cm sau khi hoàn thành vài năm đã bị xuống cấp. Việc một số nhà thầu sau khi trúng thầu bị suy giảm năng lực, gây chậm tiến độ thi công, Ban Quản lý phải xử lý phạt vi phạm hợp đồng, trình chủ đầu tư điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác thi công vẫn còn; hay có những vướng mắc kéo dài về thủ tục giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các đoạn qua rừng phòng hộ, vườn quốc gia; định kiến phong tục, tập quán của đồng bào... cần sự chung tay phối hợp giải quyết giúp đỡ của địa phương và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, với truyền thống của người lính, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của các lực lượng tham gia dự án, cho đến nay dự án được triển khai tuân thủ chặt chẽ luật định, mạnh dạn áp dụng công nghệ xây dựng mới trong thiết kế và thi công. Với hơn 530km đã hoàn thành và điểm nhấn là các công trình cầu, hầm, đường đôi lưỡng dụng nối thông liên tục 6 tỉnh đã phát huy rõ rệt cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực tuyến đi qua. Ban Quản lý dự án đang tập trung chuẩn bị tốt hồ sơ, thủ tục để khi được bố trí vốn sẽ trình duyệt hồ sơ thiết kế, duyệt kế hoạch đấu thầu để sớm triển khai ngay các gói thầu còn lại, nối thông toàn tuyến, nâng cao hiệu quả đầu tư.   

Từ con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta, đến nay Trường Sơn Đông lại mang trên mình một sứ mệnh mới: Tuyến giao thông có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố quốc phòng - an ninh và tạo thành một trục dọc, kết nối nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, mở ra cơ hội để người dân nơi đây thoát nghèo và phát triển.

Để công trình phát huy hiệu quả, Ban Quản lý dự án 46 đã làm việc với Cục Quản lý đường bộ III thuộc Tổng cục ĐBVN (đơn vị tiếp nhận quản lý, bảo trì dự án) và các địa phương nơi dự án đi qua để quan tâm quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư phù hợp với việc quản lý khai thác, sử dụng đường Trường Sơn Đông kết nối đường giao thông của các địa phương bảo đảm tính kết nối trong quy hoạch mạng lưới giao thông; quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cũng như xóa các điểm đen về TNGT, đảm bảo tuyến đường hoạt động xuyên suốt và an toàn...

 

Hoàng Thạch (tapchigiaothong)

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.