Nghề buôn trầu ở An Khê xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói tới nghề buôn trầu ở An Khê xưa khiến người ta liên tưởng ngay đến vương triều Tây Sơn, gắn với tên tuổi người anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc. Trước khi tụ binh dấy nghiệp lớn, lãnh tụ phong trào nông dân từng có thời gian sinh sống bằng nghề buôn trầu. Hoạt động buôn bán này giúp ông đi nhiều nơi, hiểu sâu sắc và có nhiều cơ duyên với người Thượng trong những ngày đầu dấy binh tụ nghĩa trên vùng thượng đạo.

Vương triều sụp đổ, nhưng trăm năm sau, những người từng mến nghĩa anh em Tây Sơn, theo lên miền thượng đạo tụ nghĩa, vẫn giữ nghề buôn trầu làm kế sinh nhai. Những câu chuyện về người anh hùng áo vải cờ đào thường nhuốm màu truyền thuyết, nhưng nghề buôn trầu đến hôm nay vẫn được các bô lão kể lại với người thật, việc thật.

Buôn “lộc bà”

 

 Chiều chiều, các bô lão thường ngồi ôn lại chuyện xưa tích cũ trên vùng đất An Khê xưa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chiều chiều, các bô lão thường ngồi ôn lại chuyện xưa tích cũ trên vùng đất An Khê xưa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Trần Giới (hay còn gọi là cụ Ba Cảnh)-một trong những bô lão sống lâu đời ở An Khê, có ông nội và cha đều làm nghề buôn trầu. Ông kể: “Tôi nghe cha kể lại, ông nội đưa cả gia đình lên An Khê từ trước những năm 1900, tức là gia đình tôi đã có mặt ở đây từ hơn trăm năm trước. Hồi đó rất hiếm người gọi vùng đất này là An Khê, chỉ gọi vùng thượng đạo để phân biệt với vùng hạ đạo ở dưới đèo. Ông nội và cụ thân sinh tôi đều đi buôn trầu, vào các làng Thượng mua trầu nguồn bán về dưới vùng hạ đạo. Cả xóm Lũy (nay thuộc tổ dân phố 14-phường Tây Sơn và 16 phường An Phú) người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề này”.

Ông bà thường nói “phi thương bất phú”, riêng nghề buôn trầu có thể nói là đại phú bởi mua một nhưng về bán năm, bán bảy. Cụ Ba Cảnh nhớ lại: “Hồi ấy trầu đắt hàng lắm. Chỉ những bạn hàng lâu lắm, buôn bán uy tín cha tôi mới chia trầu để họ mang về xuôi. Có người quang gánh đi bộ từ Bình Định lên, rồi phải nằm lại nhà tôi thêm vài ngày chờ cha tôi trở về để được chia vài ràng trầu gánh về dưới. Nghề buôn trầu giúp cha tôi sắm ngựa, sắm xe không thiếu thứ gì”. Cụ Ba Cảnh cho hay, trầu ở vùng thượng đạo nhiều nhất tập trung ở ba nguồn chính: nguồn Ốc Bưu (vùng Nam An Khê ngày nay), nguồn Tầu Dầu-(vùng Đak Pơ) và một nguồn ở khu vực Quảng Ngãi. Để mua được trầu ngon, những người buôn trầu thường phải hẹn trước với người Thượng. Lịch hẹn được tính bằng một sợi dây. “Nhiều lần theo cha đến các nguồn trầu, tôi thấy sau mỗi lần thu trầu, cha thường buộc lại ràng trầu một sợi dây hẹn. Chẳng hạn, hẹn 15 đêm ông thắt 15 nút buộc. Mỗi nút tương ứng với một đêm và dặn người trồng trầu mỗi đêm nhớ mở ra một nút để đúng hẹn, sẽ có trầu hái sẵn chỉ việc đến lấy. Người Thượng họ rất uy tín, đã hẹn với ai thì không bao giờ lỗi hẹn. Và dù lái buôn khác có đến trả giá trầu cao hơn họ cũng chỉ để cho người đã hẹn trước”.

Người ta tính trầu bằng cách xếp 10 lá thành một xếp, 10 xếp thành một trăm, 10 trăm thành một thiên, 10 thiên là một ràng. Lá trầu nguồn từ vùng An Khê được xem là loại trầu ngon bậc nhất, không nơi nào sánh bằng. “Trầu nguồn ngon hơn hẳn trầu nhà, dẻo và thơm hơn. Nhai miếng trầu xong nhổ miếng bã trầu cũng đẹp. Ông bà mình hồi xưa coi việc ăn trầu là một cái thú. Cái thú ấy cũng thanh nhã lắm, đến miếng bã trầu nhổ đi cũng phải đẹp”-cụ Ba Cảnh hóm hỉnh nhận xét.

Nghề buôn trầu tàn lụi dần cho đến 9 năm chống Pháp thì hầu như chấm dứt hẳn. Có lẽ những năm tháng khó khăn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, chẳng ai còn nghĩ tới thú thưởng trầu. Cụ Ba Cảnh nhận định: “Dân gian thường gọi trầu là lộc bà, hẳn có nguyên do nào đó. Có lẽ vì thế mà nghề này không thể kéo dài. Lộc bà đến rồi đi cũng là lẽ thường”.

Giao thương hai miền

 

 Hai chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ ngay trước An Khê đình gợi nhớ một thời kỳ giao thương tấp nập mà phương tiện vận chuyển chủ yếu chỉ dùng sức ngựa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hai chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ ngay trước An Khê đình gợi nhớ một thời kỳ giao thương tấp nập mà phương tiện vận chuyển chủ yếu chỉ dùng sức ngựa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Theo trí nhớ của cụ Ba Cảnh, nghề buôn trầu phát triển nhất vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Hoạt động buôn bán này góp phần tạo mối quan hệ giao thương buôn bán tấp nập giữa hai vùng, sản vật từ thượng đạo mang xuống và từ hạ đạo mang lên. Vì thế, bất kỳ ai thời ấy cũng thuộc lòng hai câu thơ: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Cụ Ba Cảnh cho biết thêm, hoạt động buôn bán này cũng bị Pháp kiểm soát gắt gao. Cụ nhớ lại: “Ông nội và cha tôi được cấp một thẻ căn cước, chụp hình, đóng dấu nổi hẳn hoi. Mỗi năm phải nộp thuế môn bài mấy đồng bạc. Nếu chẳng may bị Pháp kiểm tra mà không có thẻ này coi như đi tong”.

Cụ Bùi Sỹ Châu (86 tuổi)-một bô lão sống cùng thời với cụ Ba Cảnh cũng góp thêm vào câu chuyện những thông tin thú vị. Cụ kể: “Thời ấy những người buôn trầu vào các làng không chỉ mua trầu mà mua tất cả sản vật của người Thượng: mật ong rừng, măng le, măng mỡ, mè đen, gà rừng… Đặc biệt là mùa trâu tháng 8. Trước đây người bản địa không nuôi bò như ngày nay mà chỉ toàn trâu. Mùa tháng 8 trở đi, dân buôn bắt đầu vào các làng mua trâu để bán về xuôi. Ngược lại, họ cũng mang muối, đường, chỉ trắng, rìu, rựa vào bán cho đồng bào. Những cuộn chỉ trắng sau đó được người Thượng chặt cây rừng về nhuộm thành chỉ đen, chỉ đỏ dệt vải”.

Những sản vật ở thượng du chuyển xuống vùng hạ đạo bằng hai đường chính, hoặc dùng sõng đi dọc sông, hoặc dùng xe ngựa. Mặc dù sức trâu khỏe hơn nhưng lái buôn vẫn chỉ dùng ngựa để thồ hàng vì ngựa đi nhanh. “Hồi đó đường rừng gập ghềnh hiểm nguy lắm, không như bây giờ, vì thế phương tiện chủ yếu là dùng xe ngựa. Những nhà đi buôn thường nuôi 3-5 con ngựa, mỗi lần vào làng thu mua trầu và các sản vật thường từ 5 ngày đến 10 ngày, luôn có người dẫn ngựa theo để dự phòng. Chẳng may trên đường xa, ngựa gãy chân hoặc đau ốm mà không có con khác để thay, chỉ biết bỏ xe giữa đường”-cụ Ba Cảnh kể. Trong ký ức của cụ, cả xóm Lũy là dân buôn nên ngựa được nuôi rất nhiều. Hình ảnh những bầy ngựa thong dong gặm cỏ hay tiếng ngựa hí trên đường báo hiệu mỗi chuyến ra đi hay trở về trở thành thanh âm thân thuộc, đến giờ vẫn còn ám ảnh. Cả xóm Lũy giờ còn lại duy nhất hai chú ngựa. Chàng thanh niên chăn ngựa cho hay, gia đình anh nuôi ngựa như người ta nuôi vật cảnh, không phải để lấy sức kéo hay bất kỳ mục đích thực dụng nào.

Mỗi lần vào xóm Lũy, đi trên những con đường nhỏ như đường quê, thảng hoặc bắt gặp những ngôi nhà tường rêu, vách đất với những ô cửa sổ vuông hướng ra đường, tôi cứ có cảm giác lạc vào một chốn quê nào đó. Nghe các bô lão ôn lại chuyện xưa tích cũ trên vùng đất An Khê, trở về bắt gặp hai chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ ngay trước An Khê đình, bỗng thấy bâng khuâng trước những thứ đã trôi xa về những ngày tháng cũ.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.