Ngày mới ở làng Tang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi về thăm lại làng Tang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của ngôi làng từng là cụm dân cư biệt lập với những phận người kém may mắn do mắc bệnh phong, bị cộng đồng xa lánh.

Chuyện về cụm dân cư biệt lập

Ngôi nhà sàn của già làng Puih Hin được dựng cạnh vườn điều đang mùa thu hoạch thơm mùi quả chín. Giữa trưa, ông Hin nằm đong đưa trên chiếc võng, bên cạnh là chiếc smartphone mở nhạc du dương. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về ngôi làng, giọng ông bất chợt chùng xuống.

Giơ 2 bàn tay không còn lành lặn, ông Hin nhẹ giọng kể: “Năm 10 tuổi, mình phát bệnh. Các ngón tay, ngón chân bị viêm nhiễm dẫn đến co quắp, biến dạng. Sau này, mình uống thuốc đều, bệnh được khống chế. Năm 1980, mình lấy vợ và lần lượt sinh 8 đứa con. May mắn là các con lớn lên khỏe mạnh, lành lặn”.

Theo ông Hin, dẫu bệnh tật đã được khống chế nhưng lúc bấy giờ, trong suy nghĩ của nhiều người dân ở làng Bang (xã Ia Chía), bệnh phong rất đáng sợ.

Làng ở thượng nguồn con suối Krứi. Ở khu vực hạ nguồn, người dân trồng lúa nước. Bà con sợ những người bệnh gây ảnh hưởng đến nguồn nước, đến sự phát triển của cây lúa nên kiến nghị chính quyền địa phương đưa đi cách ly cộng đồng. Sau đó, địa phương vận động, đưa các hộ dân có người bệnh vào khu vực làng Tang bây giờ, cách làng Bang 6 km.

“Lúc rời nhà, vợ mình dùng dằng mãi, cứ ngoái lại nhìn nhà cũ, làng cũ mà nước mắt lăn dài. Đó là ngày 15-4-1993”-ông Hin nhắc nhớ.

vo-chong-ong-puih-pin-ba-ksor-phen.jpg
Vợ chồng ông Puih Pin-bà Ksor Phen. Ảnh: P.D

Ông Rơ Lan Gâu-Chủ tịch UBND xã Ia Chía: Làng Tang là làng đặc thù với nhiều khó khăn. Vì vậy, địa phương dành nhiều sự quan tâm cũng như nguồn lực đầu tư. Trong quá trình bình xét hộ nghèo, UBND xã chỉ đạo làng cần đánh giá thực chất để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Đối với các gia đình trẻ, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích tham gia các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế.

Cũng như gia đình ông Hin, vợ chồng ông Puih Pin dắt theo 2 con nhỏ rời làng vào sinh sống ở khu dân cư biệt lập. Di chứng bệnh phong khiến việc đi lại của ông Pin trở nên khó khăn.

Ông nói về vết thương hở trên đầu gối: “Mình bị bỏng nước sôi, không phải bệnh phong tái phát”. Ông Pin và vợ là bà Ksor Phen đều bị bệnh phong. Họ đồng cảm và nên duyên vợ chồng vào năm 1980.

Trong khi ông Pin chỉ có thể ngồi một chỗ thì bà Phen vẫn khá nhanh nhẹn. Hàng ngày, bà lùa 6 con bò đi chăn ở bãi cỏ xa làng và chăm sóc 2 sào lúa gần suối phía sau nhà.

Nhắc lại những năm đầu định cư ở nơi này, ông Pin cho hay: “Nhà này cách nhà kia cũng khá xa, xung quanh cây cối rậm rạp nên buồn lắm. Người thân cũng không dám ghé thăm, phần vì sợ lây bệnh, phần vì bị cộng đồng xa lánh. Dù được Nhà nước chia đất, dựng nhà cho, nhưng toàn là người bệnh, sức lao động kém nên cuộc sống rất khó khăn”.

Chỉ với 8 hộ dân ban đầu, làng dần đông hơn khi nhiều gia đình có người mắc bệnh cũng tìm đến định cư. Năm 1997, làng chính thức thành lập, đặt tên theo con suối Ia Tang.

Đến nay, làng Tang có 41 hộ dân, 155 khẩu, 100% là người Jrai. Làng hiện còn 19 người bị di chứng bởi bệnh phong. Nhiều năm trở lại đây, trong làng không phát hiện bệnh nhân mới và cũng không tái phát ở bệnh nhân cũ.

Vươn lên xây dựng cuộc sống

Cùng chúng tôi dạo một vòng quanh làng, ông Siu Thu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tang-thông tin: 100% đường làng đã được bê tông hóa. Đặc biệt gần đây, bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã chủ động thay đổi nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để vươn lên trong lao động sản xuất và chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ở tuổi 66, đôi bàn tay lại bị biến dạng bởi căn bệnh quái ác nhưng ông Hin vẫn tích cực lao động sản xuất. Gia đình ông có 400 cây cà phê. “Mình chia đất sản xuất cho các con, đứa 5 sào, đứa 8 sào. Phần đất gần nhà, mình trồng hồ tiêu, điều và cà phê giống TR4. Năm vừa rồi, mình thu hoạch và bán quả tươi được 75 triệu đồng”.

100-duong-lang-tang-da-duoc-be-tong-hoa.jpg
Hiện nay, các tuyến đường ở làng Tang đều đã được bê tông hóa. Ảnh: P.D

Ngồi cạnh bên, chị Ksor Phyui (con gái ông Hin) nói: “Bố mình luôn nhắc nhở con cháu, dân làng còn sức khỏe thì phải chịu khó lao động sản xuất. Dân làng giờ không còn để đất hoang hóa nữa mà chủ động cải tạo vườn tạp để trồng cà phê, điều”.

Người dân làng Tang hiện canh tác 42 ha điều và 5 ha cà phê. Các hộ đều chăn nuôi bò. Ông Siu Bơ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Tang-cho hay: “Hộ nghèo thì có bò do Nhà nước hỗ trợ. Hộ khá giả thì tự mua bò về nuôi. Bình quân mỗi hộ có khoảng 2-4 con bò và đều làm chuồng nuôi nhốt, không còn thả rông như trước đây. Bà con cũng tận dụng phân bò để bón cho cây trồng.

Một số hộ còn làm công nhân, làm thuê để cải thiện thu nhập. Bà con tích cực đóng góp xây dựng làng khang trang, giữ gìn vệ sinh môi trường, làm hàng rào cổng ngõ xung quanh nhà”.

Nói về 18 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo trong làng, ông Siu Thu cho hay: Đa phần là hộ bệnh tật, neo đơn không nơi nương tựa. Trong số này có 3 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát. Theo kế hoạch, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp các hộ có căn nhà mới khang trang.

“Vì tất cả đều nghèo, bệnh tật lại neo đơn nên làng tập trung huy động lực lượng hỗ trợ ngày công giúp đỡ. Năm nay, làng huy động nguồn lực để giúp 1-2 hộ vươn lên thoát nghèo”-ông Thu cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

(GLO)- Ngày 29-4, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Công ty Thiên Phúc Farma, Công ty CPTM Natulife Việt Nam tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà bà con thôn Plei Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-thôn kết nghĩa với Sở Y tế Gia Lai.

Đổi thay ở xã anh hùng

Đổi thay ở xã anh hùng Ia Phìn

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cuối năm 2017, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

(GLO)- Chiều 28-4, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Phó Giám đốc Ksor Hiền-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho em Nêu (SN 2018, làng Kol, xã Trang, huyện Đak Đoa) mồ côi cả cha và mẹ.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia: Tiện lợi cho người dân

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia, tiện lợi cho người dân

(GLO)- Hiện nay, người dân Gia Lai có thể khám bệnh với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tuyến trên ngay tại tỉnh. Không chỉ khám bệnh, các chuyên gia còn tiến hành phẫu thuật các ca bệnh khó, phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến tỉnh.