Ngày mới ở Kon Bông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước đây, mỗi khi vào mùa mưa bão, hàng chục hộ dân ở làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phải sống trong cảnh ngập lụt, nơm nớp lo sợ. Được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí, bố trí khu đất cao ráo, giúp dân làng di dời nhà cửa về nơi ở mới, đời sống của bà con dần ổn định.
Ám ảnh trận lũ lịch sử
Làng Kon Bông có 140 hộ với hơn 500 khẩu, 99% dân số là người Bahnar. Trong số đó có 73 hộ dân sinh sống dọc con suối Sông Ba, thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Cuối năm 2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn xã mưa lớn liên tục, nước từ thượng nguồn đổ về tràn vào nhà dân, cuốn đi heo gà, lúa gạo. Tiếng hô hoán, gọi người chạy lũ nhốn nháo khắp làng.
Tiếp thêm mấy thanh củi cho ngọn lửa bùng lên, tỏa hơi ấm khắp ngôi nhà sàn, bà Đinh Thị Lài nhớ lại cảnh lũ lụt cách đây gần 2 năm: “Khi dân làng đang chuẩn bị bữa cơm chiều, nhiều người trên đường từ rẫy về nhà thì nước ầm ầm tràn về. Lúc này, mình đang chăm sóc chồng bị ốm, nằm một chỗ. Mình quýnh quáng không biết làm sao thì con gái Đinh Thị Hương kịp đến, cõng bố lên cao tránh lũ. Còn mình chỉ kịp vơ mấy bộ quần áo và cái mền, theo con gái lao ra khỏi nhà. Từ trên đồi cao nhìn xuống thấy toàn bộ làng chìm trong biển nước”.
Dân làng Kon Bông đã yên tâm không lo ngập lụt mỗi mùa mưa đến. Ảnh: Ngọc Minh
Dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã yên tâm không lo ngập lụt mỗi mùa mưa đến. Ảnh: Ngọc Minh
Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà cũ, chỉ vào cánh cửa ngấn vết bùn, chị Đinh Thị Hương nói: “Nước dâng cao hơn 1 m, nhiều chỗ gần 2 m cùng với bùn non, đất nhão ùn ùn đổ về. Bùn đất tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản; quần áo, chăn mền, lúa gạo ướt hết. Gần chục chiếc ghè để ở hiên nhà bị vỡ sạch; đàn gà, con heo trong chuồng bị cuốn đi. Cơn lũ hoành hành hơn 1 ngày thì rút, để lại cảnh tượng tan hoang, đổ nát”.  
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn tại nơi ở mới, già làng Đinh Văn Thiêng kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây hơn 60 năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy lũ lụt kinh hoàng như vậy. Lũ ập đến quá nhanh, trong vòng gần 2 giờ nước đã ngập quá sàn nhà. Rất may bà con kịp di dời đến nơi an toàn. Vào thời khắc khốn khó ấy, dân làng được cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng kịp thời giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm”. 
Hết lòng vì dân
Trong những ngày mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đak Rong đã phân công lực lượng Công an viên, dân quân, đoàn viên, thanh niên trực 24/24 giờ ở 11 thôn, làng để nắm tình hình mưa bão và có phương án di dời dân cư đến nơi an toàn, khắc phục các thiệt hại về giao thông, nhà ở.
Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-hồi nhớ: Nước lũ lớn đã cuốn cây cối, đất cát bồi lấp toàn bộ cánh đồng hàng chục ha của người dân làng Kon Bông đang chuẩn bị gieo trồng vụ Đông Xuân 2020-2021. 41 hộ dân buộc phải di dời, nhiều tài sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều máy cày tay, máy cắt cỏ, xe máy, phân bón và tài sản khác ước thiệt hại hơn 300 triệu đồng. “Sau lũ, chúng tôi tổ chức hỗ trợ dân làng Kon Bông dọn vệ sinh, khắc phục các thiệt hại về nhà ở, hàng rào, cổng ngõ, xử lý các kho lúa bị ngập nước; thống kê tài sản, hoa màu bị thiệt hại, đề xuất cấp trên hỗ trợ”-ông Quang chia sẻ.
Không để dân làng Kon Bông tiếp tục sống trong cảnh lũ lụt nguy hiểm, đầu năm 2021, Chủ tịch UBND huyện Kbang đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng sắp xếp, bố trí lại dân cư làng Kon Bông. Đồng thời, bố trí kinh phí hỗ trợ 73 hộ (20 triệu đồng/hộ) di dời nhà từ vùng trũng thấp lên khu đồi cao.
Nơi ở mới của 73 hộ dân làng Kon Bông, xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh
Nơi ở mới của 73 hộ dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Minh
Đầu tháng 7-2021, lực lượng dân quân cùng cán bộ, hội viên các hội đoàn thể trong xã và 90 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn Bộ binh 2) hỗ trợ hơn 2.600 ngày công giúp dân làng di dời 31 ngôi nhà và công trình phụ; đào, đắp làm nền dựng lại nhà cửa tại nơi ở mới cho bà con. Trung tuần tháng 7-2022, 173 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 tiếp tục tổ chức di dời 59 ngôi nhà và dựng lại 21 ngôi nhà khác; vận chuyển tài sản cho các hộ dân. Đồng thời, tổ chức thăm, tặng 5 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho các gia đình chính sách; tặng hơn 100 bộ quần áo cho bà con và hỗ trợ 500 ngàn đồng cho 1 hộ nghèo để mua phân bón chăm sóc cây trồng.
Có mặt cùng cán bộ, chiến sĩ giúp dân từ ngày làng Kon Bông bị lũ dữ tàn phá đến khi những ngôi nhà được di dời về nơi ở mới, Thiếu tá Y Kruốt Du-Trợ lý Dân vận Ban Chính trị Trung đoàn 1-cho biết: Ngoài di dời nhà cửa, cán bộ, chiến sĩ tập trung nạo vét kênh mương nội đồng, đào mương thoát nước trục đường liên thôn được 4,8 km; đào 24 hầm vệ sinh xử lý nước thải; dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường, hỗ trợ nhân công xây dựng nhà văn hóa; phối hợp tổ chức 4 buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao với Đoàn Thanh niên địa phương. Được giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, chúng tôi rất vui. 
An cư lạc nghiệp
Để dân làng Kon Bông an cư lạc nghiệp, huyện Kbang đã bố trí khu đất rộng gần 5 ha ở triền đồi cao bên cạnh làng cũ; xuất ngân sách hơn 3,4 tỷ đồng phục vụ đền bù giải phóng mặt bằng, san ủi và hỗ trợ 73 hộ dân di dời nhà từ vùng ngập lụt lên nơi ở mới. Từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương 17 tỷ đồng, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm: làm đường giao thông, san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, công trình cấp điện sinh hoạt, nhà rông văn hóa và cải tạo, sửa chữa trường mẫu giáo.
Di dời lên nơi ở mới, hơn 70 ngôi nhà như những cây nấm khổng lồ quây quần bên nhau. Nhà rông-trái tim của làng đứng sừng sững trên mỏm đất cao, bao quát toàn cảnh làng quê. Hệ thống đường giao thông, mương thoát nước đã được kiên cố, hứa hẹn cuộc sống an yên cho người dân.
Nhà rông kiên cố-trái tim của dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) được xây dựng trên mỏm đất cao, bao quát toàn cảnh buôn làng. Ảnh: Ngọc Minh
Nhà rông làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) được xây dựng trên mỏm đất cao, bao quát toàn cảnh buôn làng. Ảnh: Ngọc Minh
Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng:“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành và UBND xã Đak Rong giúp đỡ người dân cải tạo nơi ở cũ thành khu sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi; triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí giúp bà con trồng cây xanh, làm hàng rào, cổng ngõ, cải tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Chúng tôi cũng sẽ đưa làng Kon Bông vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, gắn với phát huy tiềm năng du lịch sinh thái tại thác Kon Bông, góp phần tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.
Cũng như nhiều hộ trong làng, gia đình ông Đinh Văn Mâng hồ hởi dọn về nơi ở mới. Vừa sắp xếp đồ đạc, ông Mâng vừa chia sẻ: “Gia đình được cấp gần 200 m2 đất ở, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí kéo ống dẫn nước sinh hoạt đến từng nhà. Từ nay, dân làng yên tâm rồi, không sợ lũ lụt nữa, lo làm ăn thôi. Tôi cũng như nhiều bà con sẽ làm hàng rào, trồng cây ăn quả và hoa cho làng thêm xanh-sạch-đẹp”.
Nhìn khu dân cư mới với ruộng lúa, rẫy mì, vườn cà phê xanh mướt bao quanh, ông Đinh Văn Đuổi-Phó Trưởng thôn Kon Bông-phấn khởi khoe: “Nhờ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, đến nay, đời sống người dân dần ổn định. Làng có khoảng 60 ha đất sản xuất, bà con tập trung trồng lúa nước, cà phê, mì, mắc ca, bời lời. Cả làng có hơn 300 con gia súc, gần 2.000 con gia cầm; có 8 chiếc máy cày phục vụ sản xuất. Gần đây, được ngành nông nghiệp quan tâm hỗ trợ, bà con đưa giống lúa mới vào sản xuất giúp năng suất tăng gấp đôi. Đến cuối năm 2021, làng còn 26 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo; bà con luôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của ông cha”.
Chủ tịch UBND xã Đak Rong thông tin thêm: “Song song với giúp người dân ổn định đời sống tại nơi ở mới, xã tuyên truyền, vận động bà con hoàn thành một số hạng mục như nhà vệ sinh, làm hàng rào, cổng ngõ, trồng cây xanh; tập trung phát triển sản xuất lúa nước, cà phê, mắc ca, dổi xanh… Đồng thời, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn đột xuất, để không ai bị bỏ lại phía sau, tạo động lực vươn lên, ổn định đời sống”.
NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.