Ngành Công thương: 70 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong suốt chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Công thương luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và góp phần quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Bộ Công thương liên tục được tách, nhập với những tên gọi khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ cách mạng. Ngày 31-7-2007, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công thương. Ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam”.
Dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng trải qua 70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, ngành Công thương đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Công thương tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tạo ra những bước tiến vững chắc, những thành tựu quan trọng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào chế biến đã gia tăng giá trị cho hàng nông sản của địa phương. Ảnh: Đức Thụy
Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào chế biến đã gia tăng giá trị cho hàng nông sản của địa phương. Ảnh: Đức Thụy
Trước năm 1975, Gia Lai cùng với Nhân dân cả nước tiến hành 2 cuộc kháng chiến và cũng là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của đội ngũ những người làm công tác công thương, nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu, tuổi thanh xuân hoặc anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Ngành Công nghiệp Gia Lai tiền thân là Ban Sản xuất trong chiến khu có tổ sản xuất sửa chữa quân khí (lò rèn), sản xuất các loại nông cụ, cơ sở chế biến bún bánh phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống trong vùng chiến khu.
Ngành Thương mại Gia Lai cũng có một quá trình phát triển với nhiều tên gọi khác nhau: một tổ chức kinh tế thuộc Ban Kinh tế Tây Nguyên (năm 1949); Ban Kinh tài (năm 1955); Ban Tài mậu (năm 1961); Tiểu ban Thương nghiệp Mậu dịch (năm 1966); Tiểu ban Công thương Gia Lai (năm 1972 hợp nhất Tiểu ban Thương nghiệp và Tiểu ban Công nghiệp), hoạt động chủ yếu trao đổi, mua bán nông cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến.
Sau ngày 30-4-1975, công tác quản lý nhà nước về công nghiệp là một bộ phận thuộc Ty Công nghiệp-Xây dựng (Quyết định số 56-QĐ/UB tháng 9-1975); đến ngày 17-5-1976, tách Ty Công nghiệp-Xây dựng thành Ty Công nghiệp và Ty Xây dựng (Quyết định số 92/TC-QĐ). Đối với ngành Thương mại, ngày 12-8-1975, Ty Thương nghiệp được thành lập (Chỉ thị số 20-TU của Thường vụ Tỉnh ủy) và đến năm 1979 đổi tên thành Sở Thương nghiệp.
Đến ngày 30-9-1991, tỉnh Gia Lai thành lập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại-Du lịch. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ, Sở Công thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại-Du lịch; đồng thời chuyển chức năng du lịch sang Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 7-4-2008 của UBND tỉnh).
Sở Công thương hiện có 51 công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, khối Văn phòng sở có 34 công chức, 2 lao động hợp đồng; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại có 15 viên chức. Về trình độ chuyên môn: thạc sĩ 6 người, đại học 43 người. Đảng bộ Sở Công thương có 3 chi bộ trực thuộc với 40 đảng viên; Công đoàn có 51 đoàn viên; Chi Đoàn Thanh niên có 7 đoàn viên.
Thành quả xây dựng và phát triển ngành Công thương tỉnh trong 70 năm qua là rất vẻ vang và đáng tự hào. Đặc biệt, trong 30 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu có những bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất kinh doanh tăng cao. Hiện nay, ngành Công thương đóng góp một phần quan trọng trong tổng GRDP cũng như thu ngân sách của tỉnh và tạo việc làm trực tiếp cho hàng vạn lao động.
Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.518 tỷ đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 8,2 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 đạt 75.000 tỷ đồng, gấp 1,97 lần so với năm 2015, tăng bình quân 14,57%; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng gấp 1,96 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 14,38%.
Ngành công nghiệp đang phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, khai thác thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển đồng bộ, hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn; sản phẩm hàng hóa đặc trưng tiêu biểu của tỉnh đã dần có thương hiệu trên thị trường; hoạt động xuất khẩu ngày càng được mở rộng thị trường và tăng trưởng về kim ngạch.
Mạng lưới sản xuất kinh doanh công thương phát triển đều khắp, đa dạng về tổ chức và thành phần kinh tế; phạm vi hoạt động mở rộng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Chủ thể hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực công thương tăng nhanh.
Các cơ quan hành chính thuộc ngành được củng cố về tổ chức và cán bộ. Công chức, viên chức không ngừng được nâng cao về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Các tổ chức Đảng, đoàn thể được quan tâm xây dựng đạt vững mạnh về mọi mặt.
Thi công móng trụ tua bin tại Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông (ảnh đơn vị cung cấp).
Thi công móng trụ tua bin tại Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông (ảnh đơn vị cung cấp).
Trong 70 năm qua, ngành Công thương trải qua nhiều lần tách, nhập bộ máy. Nhưng dù ở bất cứ giai đoạn nào, ngành Công thương luôn tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tự hào về sự phát triển của ngành và khẳng định là trụ cột quan trọng của nền kinh tế có những đóng góp quan trọng và tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong 5 năm tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), ngành Công thương Gia Lai phát huy truyền thống 70 năm, tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế so sánh, nhất là công nghiệp chế biến nông-lâm phục vụ xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo.
Thu hút đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển khu kinh tế, các khu-cụm công nghiệp có tính kết nối cao và lan tỏa rộng. Phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhất là điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... từng bước đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm năng lượng quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Triển khai giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; tận dụng cơ hội của việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu qua chế biến sâu. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh.
Tổ chức hoạt động điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, bình ổn thị trường. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành; khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Kế thừa truyền thống 70 năm, công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương Gia Lai sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên với tinh thần quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí; chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). 
Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Công thương đã được tặng cờ thi đua của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và Huân chương Lao động hạng ba. Dịp này, UBND tỉnh tặng cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng và phát triển ngành Công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, còn có 20 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công thương Việt Nam”.

Thạc sĩ PHẠM VĂN BINH-Giám đốc Sở Công thương

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2024

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu về thị trường Việt Nam năm 2024 đạt 173.561 chiếc, trị giá 3,62 tỷ USD (tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với năm 2023). Còn tại thị trường trong nước, VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất năm với 32.000 chiếc.

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

(GLO)- Yamaha Grande 2025 đã chính thức trở lại với loạt màu sắc mới cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt, phiên bản giới hạn hứa hẹn sẽ làm hài lòng những tín đồ thời trang, mang đến một làn gió tươi mới cho thị trường xe tay ga. Giá bán lẻ đề xuất của phiên bản giới hạn là trên 51,6 triệu đồng.