Ngành chăn nuôi “Gạn đục khơi trong” để phát triển bền vững - Kỳ 2: Bất cập từ các dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Toàn tỉnh hiện Gia Lai có 25 dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động với số lượng trên 49 ngàn con bò và hơn 201,9 ngàn con heo. Trong đó, nhiều dự án đi vào hoạt động khi chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ về môi trường, chưa hoàn thiện việc xây dựng các công trình xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Vi phạm quy định về môi trường

Hiện nay, 14 dự án chăn nuôi heo của doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Trong số này, mới chỉ có 4 trang trại của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyên Bảo, Công ty TNHH một thành viên Ia Piơr Tân, Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên, Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Thiện đi vào hoạt động nhưng đã cho thấy nhiều bất cập, đặc biệt là phát sinh mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, nhất là đối với các thôn: Đoàn Kết, Yên Hưng và làng Phung.

Anh Triệu Tòn Nải (thôn Đoàn Kết) cho biết: “Thời điểm mùi hôi phát sinh nặng nhất là từ chiều tối đến khuya. Người dân phải đóng chặt cửa, thậm chí đeo khẩu trang cả lúc ngủ. Chúng tôi mong chủ dự án đầu tư về công nghệ xử lý chất thải để không gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống, sức khỏe của mọi người”.

Ông Triệu Văn Đoàn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết cũng khẳng định: Mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi heo đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Thôn đã kiến nghị vấn đề này lên UBND xã, huyện. Sau đó, lãnh đạo huyện cùng các ngành chức năng đã về kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp thì mùi hôi có đỡ hơn nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Do đó, người dân mong chính quyền các cấp quan tâm theo dõi, hướng dẫn, kiểm soát các doanh nghiệp trong quá trình xử lý chất thải, nếu trang trại nào không khắc phục được thì nên cho dừng hoạt động chăn nuôi.

Người dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) chỉ tay về phía các dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động gây mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương

Người dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) chỉ tay về phía các dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động gây mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương

Về vấn đề này, bà Bùi Thị Hồng Thắm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho hay: Nguyên nhân gây mùi hôi là do trang trại mới đi vào hoạt động và đang trong thời gian nuôi thử nghiệm, một số hạng mục xử lý chất thải chưa đảm bảo. Qua ý kiến phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành chức năng liên quan, huyện Chư Prông và xã Ia Piơr đã tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc với chủ các trang trại, yêu cầu khẩn trương khắc phục mùi hôi, hoàn thiện hồ sơ về môi trường, công trình xử lý chất thải. Theo đó, các trang trại đã có động thái khắc phục nhưng vẫn chưa đảm bảo xử lý được mùi hôi. Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện, đại diện các doanh nghiệp cũng đã hứa sẽ khắc phục mùi hôi trong 1 tháng.

“Quan điểm của xã là các doanh nghiệp khi đã có lời hứa trước cử tri và địa phương thì phải thực hiện nghiêm túc. Ủy ban nhân dân xã sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát và thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục mùi hôi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết: “Ngày 8-5-2023, Sở TN-MT đã tổ chức đoàn kiểm tra. Kết quả, có 3 trang trại đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa được cấp giấy phép môi trường theo quy định gồm: Trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyên Bảo, Công ty TNHH một thành viên Ia Piơr Tân và Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên.

Bên cạnh đó, các trang trại chưa tuân thủ quy trình chăn nuôi, việc vệ sinh chuồng trại không đảm bảo dẫn đến phát sinh mùi hôi. Sở TN-MT đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định; tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, sử dụng men vi sinh xử lý nhằm hạn chế mùi hôi.

Đồng thời, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp trên với số tiền 320 triệu đồng/đơn vị; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải của trang trại chăn nuôi heo trong thời hạn 4,5 tháng”.

Hình ảnh chụp từ Flycam về 3 dự án chăn nuôi heo tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông vừa bị UBND tỉnh xử phạt vì vi phạm quy định về môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Hình ảnh chụp từ Flycam về 3 dự án chăn nuôi heo tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông vừa bị UBND tỉnh xử phạt vì vi phạm quy định về môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ về môi trường. Đối với các dự án chăn nuôi, trong quá trình tham gia ý kiến về cấp chủ trương đầu tư, Sở TN-MT đã nêu đối tượng nào phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường để các chủ đầu tư biết, triển khai thực hiện. Sở TN-MT cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các dự án đi vào hoạt động mà vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh việc vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì vẫn còn nhiều vấn đề đang tồn tại ở các dự án chăn nuôi. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Tháng 9-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, cơ quan liên quan kiểm tra 46 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và 53 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu.

Qua kiểm tra, nhìn chung các nhà đầu tư cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành và các quy định tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, hầu hết các dự án chăn nuôi heo đều đầu tư hệ thống chuồng lạnh khép kín và công nghệ xử lý nước thải theo phương pháp sinh học; riêng các dự án chăn nuôi bò áp dụng quy trình chăn nuôi công nghệ cao của Israel.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, 13 dự án đi vào hoạt động nhưng thực hiện không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Cá biệt, có 1 dự án xây dựng khu xử lý nước thải áp dụng công nghệ không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; 1 dự án chỉ xây dựng chuồng trại nuôi theo kiểu truyền thống, không có hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, 4 dự án chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; 6 dự án chưa lập hồ sơ về công tác phòng cháy chữa cháy gửi cơ quan chức năng theo quy định.

Riêng đối với các dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng, có 6 dự án chưa thực hiện đảm bảo quy định về tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; một số dự án chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư…

Người dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) buồn rầu vì đã mấy tháng liên tục phải chịu đựng mùi hôi thối từ các dự án chăn nuôi heo trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thương

Người dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) buồn rầu vì đã mấy tháng liên tục phải chịu đựng mùi hôi thối từ các dự án chăn nuôi heo trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thương

Ông Hòa cho biết thêm: Trên cơ sở kết quả kiểm tra các dự án chăn nuôi, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các sở, ban, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương không kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô nhỏ, có nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý. Thay vào đó, tỉnh chỉ kêu gọi các dự án tự tổ chức sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, tập trung, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm chăn nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến.

Liên quan đến các nội dung này, ngày 15-3-2023, Văn phòng UBND tỉnh đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo lĩnh vực, nhiệm vụ phân công phụ trách chủ động xử lý và hướng dẫn các dự án hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại thực trạng đầu tư và hoạt động các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, các vấn đề về điều kiện thổ nhưỡng và hiệu quả sử dụng đất từng địa phương; các tác động đến môi trường; xử lý chất thải trong chăn nuôi và các nội dung khác có liên quan để xem xét việc cần thiết đề xuất điều chỉnh lại mật độ chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ trong việc triển khai thi công các hạng mục xử lý nước thải, chất thải và các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tại báo cáo đánh giá tác động môi trường; đảm bảo việc thực hiện nghiêm và đầy đủ các thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước, giấy phép môi trường cho các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát để ưu tiên đầu tư các dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tập trung với quy mô lớn; thường xuyên cập nhật, công khai thông tin về tình hình đầu tư, định hướng phát triển, mật độ chăn nuôi còn lại của từng địa phương và hướng dẫn các đơn vị biết đăng ký thực hiện dự án theo quy định; không để phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án trang trại chăn nuôi, đảm bảo thực hiện nghiêm túc nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp phát hiện có sai phạm thì kịp thời xử lý nghiêm, kể cả việc ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.