(GLO)- Thời gian qua, dịch Covid-19 lây lan ở nhiều làng dân tộc thiểu số trong tỉnh Gia Lai. Nguyên nhân là do tập trung đông người tại các đám tang và sinh hoạt cộng đồng. Chính vì thế, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang quyết liệt ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm.
Mới đây, làng Krăi (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) có 42 hộ bị phong tỏa và cách ly do tiếp xúc với trường hợp F0 ở đám tang gia đình bà Sen (làng Đak Mong, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) vào ngày 22-12-2021. Tại đám tang này, người vợ tiếp xúc với chồng F0 đã đến chia buồn và cùng ngồi ăn uống với mọi người. Lúc đó, hơn 80 người là họ hàng của người quá cố ở các xã: Đak Sơ Mei, Đak Krong, Kon Gang (huyện Đak Đoa) cũng có mặt ở đây và tiếp xúc trực tiếp với người phụ nữ này.
Ngay sau khi biết tin, cán bộ, nhân viên y tế các xã đã triệu tập tất cả những người có mặt đến trạm y tế để lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly tại nhà. Gia đình bà Sắp (làng Krăi, xã Kon Gang) có 5 người đến chia buồn với gia đình bà Sen. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, tất cả phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Bà Sắp lo lắng: “Cà phê chín đang chuẩn bị hái thì chồng bà Sen chết. Chồng bà Sen là người cùng họ nên gia đình mình đến chia buồn. Giờ phải cách ly tại nhà, bao nhiêu công việc đều gác lại”.
Cùng chung nỗi lo, ông Mrach (làng Krăi) cho hay: Ông làm công tác Mặt trận nên thường xuyên tiếp xúc với người dân. Từ đầu năm đến nay, ông tiếp xúc với 3 người F0 từ các đám tang ở làng và sinh hoạt nhóm nên phải thực hiện cách ly 3 lần tại nhà. “Mỗi lần cách ly 14 ngày, còn thời gian đâu để đi làm. Ngày 22-12-2021, mình đến viếng chồng bà Sen. Trong đám tang, mình tiếp xúc với F0 nên phải thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà và làm xét nghiệm Covid-19”-ông Mrach nói.
Gia đình bà Sắp (làng Krăi, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) sau khi viếng đám tang chồng bà Sen về phải thực hiện cách ly tại nhà. Ảnh: Đinh Yến |
Ông Phạm Đình Sức-Trưởng thôn Krăi-chia sẻ: Theo tập tục, khi có người chết, bà con trong làng thường đến viếng. Người mang gạo, người mang ghè rượu đến nhà người quá cố. Còn người trong dòng họ thì mang heo, gà đến góp làm đám tang. Sau đó, họ cùng nấu nướng và ăn uống với nhau. Việc tổ chức tang ma theo truyền thống khi dịch đang diễn biến phức tạp là hết sức nguy hại. “Ban Nhân dân thôn thường xuyên tuyên truyền nhưng theo tập tục, họ vẫn tổ chức kéo dài 2 đến 3 ngày ảnh hưởng sức khỏe và nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19”-ông Sức cho hay.
Bà Thư-Bí thư Đảng ủy xã Kon Gang-cho biết: Ban Chỉ đạo xã thường xuyên tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người. Người ngoài làng đến đổi công phải test Covid-19 âm tính mới được vào. Tuy nhiên, phòng dịch với người ngoài thì chặt nhưng người trong làng lại không tự ý thức; thậm chí, người tiếp xúc với F0 đã không tự giác khai báo y tế mà còn đến chia buồn tại đám tang.
Còn tại xã Ia O (huyện Ia Grai), 3 làng vừa bị phong tỏa vì phát hiện hàng trăm người nhiễm Covid-19 cũng liên quan tới các đám tang. Theo Chủ tịch UBND xã Siu Nghiệp, ngày 26-12-2021, xã ghi nhận ca dương tính đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm trên địa bàn huyện. Dù Ban Chỉ đạo xã đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng-chống dịch; thực hiện khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp nhưng tốc độ dịch lây lan nhanh từ việc tập trung đông người do trường hợp F0 trước đó có đến chia buồn tại đám tang bác ruột ở làng O.
Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho rằng: “Thời gian qua, việc lây nhiễm các ca F0 trên địa bàn huyện chủ yếu là do người dân tụ tập đông người tại các đám tang và sinh hoạt tôn giáo. Để khắc phục tình trạng này, huyện chỉ đạo các xã rà soát xem làng nào có đám tang thì cấp ủy, chính quyền vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch”.
ĐINH YẾN