"Sống chung" với vi rút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hai năm qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Gia Lai) đã dồn toàn lực cho công tác phòng-chống dịch. Lâu lắm rồi chúng tôi không có những ngày lễ, Tết và khoảng thời gian dành cho gia đình. Mọi người lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực để góp sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19”-ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc CDC Gia Lai-chia sẻ.
Xét nghiệm xuyên đêm
Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, đặc biệt từ đầu tháng 10 trở lại đây, công việc của đội ngũ làm công tác xét nghiệm tăng cấp số nhân. Vì vậy, mọi người phải luân phiên làm việc xuyên ngày, trắng đêm. Màn đêm bao phủ, mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì những labo xét nghiệm tại CDC Gia Lai vẫn sáng đèn. Ở nơi đó, bộ phận làm công tác xét nghiệm vẫn miệt mài với công việc để kịp trả kết quả mẫu sớm nhất phục vụ công tác phòng-chống dịch.
Hai năm nay, chị Nguyễn Ngọc Thanh Thủy-cán bộ Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ, Tổ trưởng bộ phận nhận mẫu hàng ngày “làm bạn” với vi rút. Chị và 4 thành viên khác trong tổ đảm nhận việc tiếp nhận, phân loại và giao mẫu về bộ phận xét nghiệm. Hơn nửa năm qua, dịch diễn biến phức tạp khiến chị và mọi người bị cuốn vào guồng quay công việc, quên cả lễ, Tết. Là phụ nữ, ai cũng muốn mình đẹp nhưng chị Thủy và các thành viên trong tổ ngày nào cũng chỉ mặc bộ đồng phục màu trắng hoặc xanh; váy áo, giày dép điệu đà tạm xếp vào ngăn tủ.
Nhân viên CDC Gia Lai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2  cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên CDC Gia Lai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Chị Thủy kể: Tổ chia làm 3 ca, 2 kíp, bắt đầu công việc nhận mẫu từ 11 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Để công việc được thông suốt, mọi người hầu như làm việc xuyên đêm đảm bảo các mẫu chuyển về bất cứ lúc nào đều được xử lý, phân loại ưu tiên cần làm trước để chuyển về bộ phận xét nghiệm. “Hai con tôi đều học y khoa tại TP. Hồ Chí Minh, nhà chỉ còn hai vợ chồng. Với tính chất đặc thù công việc nên vợ chồng chả mấy khi gặp nhau. Lúc tôi về nhà thì anh ấy đã đi làm và ngược lại. Cũng may, chồng tôi luôn hiểu và động viên vợ an tâm thực hiện nhiệm vụ”-chị Thủy tâm sự.
Nhân viên xét nghiệm là những chiến sĩ thầm lặng, ít tiếng nói nhưng nhiều việc làm. Do công việc thường trực trong phòng xét nghiệm nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Chỉ cần xảy ra sai sót nhỏ sẽ để lại những hệ quả khó lường. Hàng ngày “làm bạn” với vi rút, với những mầm bệnh mới chưa được hiểu biết tường tận và có những sự biến đổi, diễn biến bất thường nên nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn luôn hiện hữu. Dù vậy, họ chọn đối mặt với hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.
Chia sẻ về công việc, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu-Phó Trưởng khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng-cho hay: Hàng ngày, tôi trực từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau hoặc đến khi nào xong việc. Công việc dồn dập hơn từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Khi đã chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì cũng đồng nghĩa phải gánh vác trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng. Trong cuộc chiến phòng-chống dịch Covid-19, đã ở tuyến đầu thì phần việc nào cũng đều gian nan. Nhiều đồng nghiệp còn vất vả hơn như bộ phận truy vết, lấy mẫu xét nghiệm bất kể giờ giấc sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Vì vậy, vất vả của mình cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi thôi”-chị Châu thổ lộ.
Những người không có Tết
Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, những người làm công tác phòng-chống dịch xác định lại thêm một năm không có Tết. Thạc sĩ Hồ Bang-Trưởng khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng-chia sẻ: Công tác xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch. Bởi nếu chậm trễ thì việc truy vết, khoanh vùng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. “Hiện nay, số lượng mẫu tăng cao. Trước yêu cầu phải xét nghiệm nhanh, trả kết quả trong 24 giờ, bộ phận xét nghiệm làm việc thường trực 24/24 giờ. Mọi người tập trung cho công việc nên không thể chu toàn việc gia đình, không có ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Nhưng bù lại, gia đình hiểu, đồng cảm và chia sẻ với công việc mà chúng tôi đang làm đã giúp mọi người an tâm công tác”-Thạc sĩ Hồ Bang nói.
Ảnh: Như Nguyện

Cán bộ CDC Gia Lai thức xuyên đêm để xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm phục vụ công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện

Phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và mẫu bệnh phẩm nhưng những cán bộ xét nghiệm vẫn lạc quan, yêu đời, lấy công việc làm niềm vui. Với số máy móc hiện có, CDC Gia Lai có thể đảm đương xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số mẫu thường xuyên tăng cao, có khi trên 2.700 mẫu/ngày. Vì vậy, cán bộ, nhân viên CDC Gia Lai luôn nỗ lực hết mình. 
“Chúng tôi mong muốn được đầu tư thêm các trang-thiết bị để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm ngày càng cao trong thời gian đến. Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài, khó khăn và gian nan hơn. Vì vậy, khó khăn không làm ta chùn bước, gian nan không làm ta nản lòng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tin rằng một ngày không xa, dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi, đem lại bình yên cho cộng đồng”-ông Hồ Ngọc Gia chia sẻ.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.