Nga rút quân, Kherson trở về Kiev, rồi chuyện gì tiếp theo?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 3 ngày sau khi Bộ trưởng quốc phòng Nga tuyên bố rút quân, ngày 11-11, quân đội Ucraine đã tiến vào thành phố Kherson với chiến thắng có ý nghĩa “giải phóng”. Tuy nhiên, Nga không từ bỏ ý định Kherson là mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Rồi một loạt động thái tiếp theo của Mỹ, NATO và các nước liên quan, khiến cho mọi nhận định và phán đoán tới đây về xung đột Nga-Ucraine dễ trở nên chủ quan.

"Thắng lợi tinh thần"

"Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng ta đang giành lại miền nam của đất nước, chúng ta đang giành lại Kherson trở lại"- ông Zelensky đã phát biểu như thế vào đêm11-11 theo tường thuật của Reuters.

 

Người dân Kiev vui mừng khi Ucraine lấy lại Kherson. Ảnh: Reuters

Đồng thời, Ukraine đã cáo buộc Nga đặt bẫy mìn ở khắp mọi nơi trong thành phố biến thành phố thành “pháo đài chết chóc”. Reuters dẫn nguồn tin từ công ty Maxar công bố, hình ảnh vệ tinh chụp cho thấy một số cây cầu bắt qua sông Dnipro bị hư hại. Ngoài ra, đập thủy điện Nova Kakhovka ở gần thành phố Kherson hứng chịu những thiệt hại mới sau khi quân Nga rút khỏi.

Nhiệm vụ tiếp theo để được an toàn vì thế, theo ông Zelensky là nỗ lực rà phá mìn sẽ bắt đầu sớm nhất có thể. Ông cũng cho biết lực lượng Ukraine đang củng cố vị trí ở khắp mọi nơi dọc theo tiền tuyến nhưng không nói chi tiết.

Thành phố Kherson thuộc tỉnh cùng tên là thành phố thủ phủ tỉnh duy nhất của Ukraine mà Nga chiếm được trong cuộc xung đột. Các báo phương Tây bình luận, việc Nga rút đi là một bước lùi nghiêm trọng của Moscow trong chiến dịch tại Ukraine. Là vì Kherson có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ của sông thông ra biển Đen, cũng như con đường kết nối với bán đảo Crimea ở phía nam cũng như Odessa- một thành phố cảng quan trọng khác của Ukraine, về phía tây.

Theo AFP, phát biểu về thắng lợi của Ucraine, cố vấn an ninh Mỹ Sullivan ngày 12-11 nói với các phóng viên khi tháp tùng Tổng thống Biden tới hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia: “Có vẻ như người Ukraine vừa giành được một chiến thắng phi thường khi thủ phủ tỉnh duy nhất mà Nga đã chiếm giữ trong cuộc chiến này giờ đã được cắm cờ Ukraine trở lại, và đó là một điều đáng chú ý”.

Về thời gian tới, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, nước này có kế hoạch học tập Israel để xây dựng quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng mạnh, bao gồm cả lực lượng máy bay không người lái (UAV) để đối phó với tiềm lực quân sự của Nga.

Tờ Jerusalem Post ngày 11-11 dẫn lời ông Reznikov cho hay, Kiev đang hướng tới chế tạo pháo nội địa có cỡ nòng theo chuẩn của NATO và phát triển vũ khí gây nhiễu UAV, cũng như các loại UAV.

Ucraine cũng đang tích cực triển khai xây dựng bức tường biên giới giáp với Belarus. Theo ông Kyrylo Tymoshenko- cố vấn Tổng thống Ukraine, một bức tường rào dây thép gai dài 3 km đã được dựng lên ở khu vực Volyn, giáp biên giới với Belarus. Kế hoạch xây dựng bức tường này có từ năm trước nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp và sự hiện diện của quân dội Nga ở Belarus.

Nga chưa từ bỏ mục tiêu

Điện Kremlin đã tiến hành sáp nhập tỉnh Kherson vào Nga hồi đầu tháng 10 thông qua đợt trưng cầu dân ý công khai. Tới thời điểm này, Nga kiểm soát 60% lãnh thổ toàn vùng Kherson. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga tiếp tục cam kết hoàn tất những mục tiêu cần đạt được trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đây còn là vì quan điểm hiện tại của chính quyền Kyiv: hòa đàm vô phương diễn ra.

 

Sông Dnipro cắt qua vùng Kherson. Đồ họa của BBC

Trong ngày 11-11, Hãng tin RIA dẫn lời ông Dmitry Rogozin, một quan chức cấp cao của Nga nói, việc rút quân qua bờ kia sông Dnipro ở Kherson là đau đớn nhưng cần thiết, và cho biết Nga sẽ thực hiện đợt phản công mới.

"Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ (rút quân) này, hy vọng khi chúng ta tập trung sức mạnh, có vũ khí mới đến, khi các đơn vị huy động đã được huấn luyện tốt và các tình nguyện viên đến, chúng ta sẽ tập hợp và lấy lại mảnh đất này", ông Rogozin khẳng định.

Điện Kremlin nhấn mạnh rằng việc rút các lực lượng Nga khỏi thành phố Kherson không ảnh hưởng đến tình trạng pháp lý của khu vực này. Việc áp đặt lệnh thiết quân lực 4 tỉnh của Ucraine sáp nhập vào Nga cũng không ngoài thái độ: 4 tỉnh đó do Nga kiểm soát.

Trong một diễn biến khác ngày 11-11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho hay, các đơn vị quân đội nước này đang tấn công vào binh sĩ và các thiết bị quân sự của Ukraine ở hữu ngạn (bờ Tây) sông Dnipro, Kherson.

Các cuộc tấn công nói trên diễn ra sau khi quân đội Nga hoàn thành việc di chuyển toàn bộ 30.000 binh sĩ và khoảng 5.000 thiết bị quân sự về tả ngạn sông Dnipro.Tất cả các thiết bị quân sự Nga cần sửa chữa cũng đã được chuyển sang tả ngạn sông này và công việc sửa chữa đã bắt đầu.Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhờ việc quản lý hiệu quả và các hành động phối hợp của quân đội, ngoài toàn bộ quân nhân, không một thiết bị quân sự và vũ khí nào bị bỏ lại ở hữu ngạn sông Dnipro.

Địa thế của thành phố Kherson nằm bên kia bờ sông khiến Nga khó thực hiện tiếp tế, và lần rút quân này được giải thích giúp cứu lấy sinh mệnh binh sĩ, giữ lại năng lực chiến đấu cho các đơn vị của Nga. Việc chuyển quân và thiết lập phòng thủ bên bờ đông Dnieper giúp Nga dễ dàng hơn trong khâu bổ sung lực lượng và phòng thủ. Theo CNN, nỗ lực vượt sông của Ukraine sẽ "tốn kém tới mức đặc biệt nghiêm trọng”.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Putin đã không có kế hoạch phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia hồi cuối tháng 10. Lý do theo ông Dimtri Peskov- người phát ngôn Điện Kremlin, tất cả phụ thuộc vào kế hoạch làm việc và ông Putin cần có mặt ở Nga thời điểm quan trọng.

Kịch bản tiếp theo là gì ?

Về việc Nga rút khỏi Kherson, tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng ngoài thực lực có được, đây còn là "một thắng lợi khác " của Ukraine. Hàm ý của ông Stoltenberg là, kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của Mỹ và phương Tây. Đề cập tới ý nghĩa thông điệp phía sau chiến thắng ấy, ông nói: "Chúng ta đã thấy được cách lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga và giải phóng lãnh thổ".

Để nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của các bên là có ”hiệu quả", tổng thư ký NATO cho rằng: "Sự ủng hộ chưa từng thấy mà các đồng minh NATO, bao gồm Ý, dành cho Ukraine đang tạo ra khác biệt trên chiến trường mỗi ngày, và vẫn đóng vai trò sống còn đối với tiến trình Ukraine".

Tuy nhiên như nhiều phân tích, lá cờ Ukraine cắm ở thành phố Kherson mang ý nghĩa tinh thần, bài toán tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ cho Ukraine của ông Zelensky chưa thể có đáp án.

Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 9 với rất ít tín hiệu cho thấy nó sẽ kết thúc. Không chỉ bản thân Kiev kiệt quệ vì huy động nguồn lực cho cuộc chiến tranh kéo dài, điều này còn khiến các quốc gia ủng hộ Ukraine không khỏi mệt mỏi. Kinh tế suy kiệt vì Covid-19, lạm phát và giá năng lượng leo thang, Mỹ và nhiều nước châu Âu phải vật lộn với vấn đề của chính họ. Và các khoản chi tiêu ủng hộ Ukraine trở thành gánh nặng không nhỏ, tạo áp lực lớn lên các đảng cầm quyền vì chi phí này biến thành con bài chính trị của các đảng đối lập.

Điều này giải thích vì sao trong khoảng một tuần qua đã xuất hiện liên tục thông tin giới chức Mỹ thúc giục Ukraine "tỏ ra cởi mở" về khả năng nối lại đàm phán với Nga.

Khi được hỏi về thông tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem xét khả năng đàm phán với Moscow, ông Sullivan nói rằng, Nga chứ không phải Ukraine mới là bên phải quyết định có nên vào bàn đàm phán hay không.

Ông Sullivan còn nói rằng Nga tiếp tục đưa ra “tuyên bố kỳ lạ” về việc sáp nhập các vùng đất từ Ukraine, ngay cả khi lực lượng nước này rút lui.

TS (từ TTXVN, VNN.vn, tuoitre.vn,Vnexpress.net, TPO, baoquocte.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.