Nặng lòng với đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng ở đâu đó trên chiến trường ác liệt năm xưa vẫn còn bao hài cốt liệt sĩ nằm sâu dưới lòng đất lạnh. Để xoa dịu nỗi đau cho những người ở lại, hàng chục năm nay, cựu chiến binh Lý Văn Mười (phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực hết sức trong công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, đưa các anh về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.


Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, ông Lý Văn Mười là chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 93, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ năm 1978 đến 1988, ông cùng đồng đội đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hỏng hàng trăm phương tiện chiến tranh của kẻ thù. Ông nổi tiếng với biệt danh “Xạ thủ diệt địch” cũng như sự gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu.

Ông Lý Văn Mười (bìa trái) được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh (ảnh chụp tháng 2-2020). Ảnh: Kim Hồng
Ông Lý Văn Mười (bìa trái) được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh (ảnh chụp tháng 2-2020). Ảnh: Kim Hồng

Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê hương và tiếp tục con đường binh nghiệp của mình. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như: Phó Trung đoàn trưởng Chính trị Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5; Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa và huyện Kông Chro. Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê. Từ lúc còn đương chức cho đến khi nghỉ hưu, ông luôn trăn trở về những đồng đội đã hy sinh. Ông cho rằng: “Ngày nay, mình được sống trong cảnh đất nước hòa bình nhưng nhiều đồng đội vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng sâu, núi thẳm và bao gia đình liệt sĩ vẫn đang mòn mỏi ngóng trông”. Chính bởi suy nghĩ ấy nên mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng hàng chục năm nay, ông vẫn luôn băng rừng, lội suối, đi khắp mọi nơi để thu thập thông tin liên quan tới mộ liệt sĩ. Từng đi qua chiến tranh, ông hiểu hơn ai hết khi người lính ngã xuống hầu hết đều chỉ được chôn cất đơn giản, có khi vừa chôn xuống lại bị bom đạn cày xới liên tục. Vì vậy, chỉ những người trực tiếp chôn cất hoặc những người trong cuộc mới có thể tìm ra phần mộ liệt sĩ.

Cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội lần nào của ông Mười cũng vất vả, gian nan. Trong đó, khó khăn nhất là công tác vận động, thuyết phục những người từng ở bên kia chiến tuyến cung cấp thông tin và trực tiếp đi cùng ông để chỉ nơi chôn cất bộ đội của ta. Bởi lẽ, nhiều người theo chế độ cũ hiện vẫn còn mặc cảm về quá khứ. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong quân ngũ, ông Mười đã chỉ đạo Hội Cựu chiến binh xã Thành An phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp tuyên truyền cho Nhân dân, đặc biệt là những người từng ở bên kia chiến tuyến hiểu được nỗi mất mát của thân nhân các gia đình liệt sĩ, từ từ cảm hóa để họ nói ra nơi chôn cất bộ đội của ta năm xưa. Sau nhiều ngày vất vả, việc thu thập thông tin đã có kết quả. Trong đó, thông tin rất đáng quý là của một người lính từng tham gia chế độ cũ, cũng là người trực tiếp chôn cất 25 bộ đội của ta tại mặt trận An Khê thời chiến tranh.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Kim Hồng
Cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Kim Hồng


Từ những thông tin thu thập được, cựu chiến binh Lý Văn Mười đã thức trắng nhiều đêm để xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Sau khi nắm rõ tình hình, ông phối hợp với Đội K52 tiến hành quy tập hài cốt các liệt sĩ. Đầu tháng 10-2018, Đội K52 đã tiến hành xác minh, tổ chức tìm kiếm, khai quật. Tuy nhiên, do quãng thời gian quá lâu, địa hình có nhiều thay đổi nên công việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn. Sau 2 tuần tổ chức khai quật, đơn vị vẫn chưa xác định được chính xác vị trí chôn cất. Song, ông Mười cùng anh em trong đội không chịu bỏ cuộc. Dưới thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên, người lính già năm xưa vẫn cùng cán bộ, chiến sĩ Đội K52 kiên trì, quyết tâm mở rộng địa bàn, lật từng tấc đất để tìm kiếm. Và đến tuần thứ ba thì tìm thấy nơi chôn cất 25 liệt sĩ tại khu vực suối Vối, phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Sau chuyến công tác ấy, ông Mười phải nhập viện vì sốt rét.

Hiện nay, sức ngày càng yếu do những di chứng mà chiến tranh để lại nhưng ông vẫn dành thời gian để cùng với Hội Cựu chiến binh, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm mộ liệt sĩ. Những hành động cao cả đó của ông đã tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về việc cung cấp thông tin nơi an táng liệt sĩ rộng khắp trên địa bàn thị xã An Khê. Từ những nguồn tin quý giá, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã đạt nhiều kết quả. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2021, toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 358 hài cốt liệt sĩ trong nước (có 37 liệt sĩ có tên) và 284 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia (có 1 liệt sĩ có tên). Cựu chiến binh Lý Văn Mười đã được Chủ tịch UBND các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen và được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.  

KIM HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.