Nâng cao vị thế hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 9 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất, tạo thói quen sử dụng hàng Việt cũng như nâng cao vị thế hàng Việt.

Thay đổi thói quen sản xuất, tiêu thụ

Đến Siêu thị Co.op Mart Chư Sê (huyện Chư Sê) để chọn mua một vài món đồ gia dụng đều là hàng Việt Nam sản xuất, ông Trần Văn Sinh (thôn Thanh Bình, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Người dân bây giờ chọn mua các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, mà điều này hàng Việt Nam mình đều đáp ứng được, nhất là những sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến hay đồ nhôm, inox Kim Hằng…”.

 

Xu hướng sử dụng hàng Việt ngày càng gia tăng. Ảnh: L.L
Xu hướng sử dụng hàng Việt ngày càng gia tăng. Ảnh: L.L

Cũng ưa chuộng các mặt hàng “made in Việt Nam”, bà Đỗ Thị Mai (108 Nguyễn Trãi, thị trấn Chư Prông) cho biết: “Hầu hết hàng hóa sử dụng trong nhà tôi đều sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, nếu có hội chợ hay phiên chợ hàng Việt về miền núi là tôi đến tham quan, mua sắm. Giá cả hàng hóa bán ở những phiên chợ này tương đối phải chăng, lại hay có khuyến mãi”.

Không chỉ ở người dân vùng sâu, vùng xa mà công chức, viên chức cũng đã có sự chuyển biến trong thói quen sử dụng hàng Việt. Theo ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Ban chỉ đạo đã phân công các ban, ngành, cơ quan thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể như mua sắm vật dụng hàng ngày, trang-thiết bị phục vụ cơ quan là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, có chất lượng tốt…

Song song với đó, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và các hộ kinh doanh cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Một số siêu thị đã đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt lên 90% trong cơ cấu hàng hóa; nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tổ chức  các chuyến xe hàng Việt về nông thôn… Ông Huỳnh Văn Phong- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, cho biết: “Mặc dù việc đầu tư xây dựng hệ thống phân phối ban đầu là do yêu cầu bắt buộc, song kể từ khi tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” thì Công ty như được chắp thêm đôi cánh. Công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống, mạng lưới phân phối một cách toàn diện, đồng bộ hơn. Với năng lực hiện có, Công ty có thể huy động nguồn hàng dự trữ khoảng 100-150 tỷ đồng cùng đội ngũ lao động trên 250 người, 50 phương tiện và tổng trọng tải chuyên chở lên đến 70 tấn. Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối và bán lẻ hàng Việt rộng khắp tỉnh với trên 4.000 khách hàng và vươn tận đến vùng sâu, vùng xa”.

Nâng cao hiệu quả cuộc vận động

Ông Nguyễn Thành Nuôi cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tỉnh triển khai từ năm 2009 nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tự giác trong tiêu dùng, sử dụng hàng Việt. Sau 9 năm triển khai, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, sau khi Ban chỉ đạo kiện toàn, sửa đổi bổ sung Quy chế làm việc và thành lập tổ giúp việc thì hiệu quả của cuộc vận động ngày càng được nâng cao, tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, được nhiều tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.

 

Ảnh: L.L
Ảnh: L.L

Là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động, trong đó hiệu quả nhất là các chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, “Hàng việt về miền núi”, các hội chợ, triển  lãm, hội thảo, hội nghị kết nối giao thương… Những hoạt động này không những tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận các thương hiệu Việt chất lượng, từ đó nâng cao nhận thức trong mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, cho biết: “Trong giai đoạn 2009-2017, Trung tâm đã tổ chức thành công 45 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Đặc biệt, Trung tâm còn mở rộng, tổ chức đưa hàng Việt sang quảng bá ở nước bạn Campuchia. Nhờ đó, xu thế sử dụng hàng Việt tại vùng nông thôn ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức được trách nhiệm của mình, đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa”.

Với cơ cấu kinh doanh trên 90% mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, Siêu thị Co.op Mart Pleiku là một trong những đơn vị tiên phong đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng. Bà Châu Hoàng Thi-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, nói: “Xác định cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là giải pháp tình thế mà là chủ trương nhất quán thể hiện đường lối kinh tế của đất nước, Co.op Mart Pleiku từ những ngày đầu thành lập đã nhận lấy sứ mệnh “làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt”; thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Không chỉ tích cực đưa hàng Việt vào bán tại siêu thị, Co.op Mart Pleiku còn đồng hành cùng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Bình quân mỗi năm, siêu thị tổ chức 10 chuyến hàng lưu động phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa và lao động trong các khu công nghiệp…”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành công tác kiểm kê đất đai

Quyết tâm hoàn thành công tác kiểm kê đất đai

(GLO)- Lời Tòa soạn: Theo kế hoạch, trước ngày 30-6-2025, Gia Lai sẽ hoàn thành việc kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Các nhà sản xuất được hướng dẫn cách thức kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Ảnh: V.T

Hỗ trợ nhà sản xuất sáng tạo nội dung bán hàng trên nền tảng số

(GLO)- Nền tảng thương mại điện tử giúp người sản xuất tiếp cận gần hơn với khách hàng. Vì vậy, sáng tạo nội dung hấp dẫn từ thử nghiệm các ý tưởng mới là chiến lược giúp các nhà sản xuất tận dụng sức mạnh của công nghệ số vào phát triển kinh doanh, nâng cao hiệu quả bán hàng.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.