"Chúng tôi đã thay đổi chính sách và gợi ý có thể sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các loại mục tiêu cụ thể" ông Kirby nói và cũng đề cập đến các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa ATACMS "ở và xung quanh vùng Kursk".
Thông tin Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga xuất hiện cách đây hơn một tuần.
Hôm 18/11, Ukraine phóng tên lửa ATACMS nhằm mục tiêu là kho vũ khí Nga ở vùng Bryansk.
Sáng ngày 25/11, Ukraine lại phóng loạt tên lửa ATACMS thứ hai, lần này nhằm vào một sân bay quân sự Nga ở vùng Kursk.
2 tháng cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Động thái được giới quan sát coi là tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột, với mục đích giúp Ukraine có vị thế tốt nhất một khi buộc phải đàm phán hòa bình với Nga, cũng là phép thử với ông Trump và chính phủ của ông về nhiệm vụ giải quyết xung đột Nga- Ukraine sau khi nhậm chức đầu năm 2025.
Hôm 21/11, Nga đã gửi tín hiệu răn đe mạnh mẽ khi phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik vào lãnh thổ Ukraine. Đây là lần đầu tiên một loại tên lửa chiến lược trang bị đa đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV) được sử dụng trong một cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ phóng “thử nghiệm” đã thành công và khẳng định Nga để ngỏ khả năng thực hiện các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/11 cho biết, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump bày tỏ mong muốn tạo ra hòa bình và dẫn dắt thế giới đi theo con đường này. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền ông Biden đang tìm cách leo thang tình hình, khiến các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn hơn.