(GLO)- Sáng 20-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo) tỉnh Gia Lai sơ kết 5 năm (2012-2017) thực hiện tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA, ngày 27-4-2012 của Bộ Công an. Đến dự, về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Lương Ngọc Dương-Phó Cục trưởng V28, Bộ Công an. Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Ông Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận của UBND tỉnh cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Ảnh: Lê Anh |
Theo báo cáo sơ kết, sau 5 năm triển khai Thông tư 23, trên địa bàn tỉnh đã có 2.163 khu dân cư, 187 xã, 24 phường, 14 thị trấn, 825 cơ quan, 1.291 doanh nghiệp và 783 trường học triển khai thực hiện Thông tư 23 của Bộ Công an. Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ công nhân viên, học sinh sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cũng đã tổ chức tuyên truyền tại 2.352 lượt khu dân cư; 1.717 lượt xã, phường, thị trấn và 1.949 lượt cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Lực lượng Công an đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp duy trì hoạt động của 2.161 tổ hòa giải; xây dựng 2.075 bản hương ước, quy ước ở khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh, cam kết giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm ở cơ sở. Từ đó, các ngành đoàn thể đã hòa giải thành công 2.196 vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh tội phạm. Quần chúng nhân dân cũng đã nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm và tự giác giao nộp cho lực lượng Công an các cấp 638 súng quân dụng; 1.846 súng tự chế; 277 vũ khí thô sơ các loại; 21 công cụ hỗ trợ; 856 lựu đạn, bom, mìn các loại; 867 kíp nổ và 41,6 kg thuốc nổ.
Ngoài ra, qua thực hiện Thông tư 23, Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan doanh nghiệp, trường học quan tâm và đã xây dựng được 149 mô hình phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Căn cứ vào kết quả phân loại, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 2.000/2.070 khu dân cư; 165/184 xã; 24/24 phường; 14/14 thị trấn; 778 cơ quan; 176 doanh nghiệp và 179 trường học đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 5 năm thực hiện Thông tư 23 của Bộ Công an trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế và khó khăn, vướng mắc như; Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng nên chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Thông tư 23; Tỷ lệ đăng ký hàng năm với các cơ quan, doanh nghiệp thuộc cấp huyện còn thấp hoặc triển khai thực hiện nhưng mang tính hình thức. Ban chỉ đạo các cấp chưa chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, biện pháp tuyên truyền chưa phù hợp với tình hình, đặc điểm, sự phát triển của từng địa bàn; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe những tham luận về cách làm, mô hình hay trong việc giữ vững an ninh trật tự và những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc mà các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện Thông tư 23 của Bộ Công an.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đã biểu dương những thành tích đạt được trong các mặt công tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học trong 5 năm qua. Đồng thời, đồng chí Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Muốn kinh tế-xã hội phát triển thì việc đầu tiên phải giữ vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong năm 2017, tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội quan trọng là nhờ an ninh trật tự trên địa bàn luôn được ổn định. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong vấn đề thực hiện Thông tư 23 dẫn đến một số tình trạng như: tín dụng đen vẫn tồn tại; thanh-thiếu niên phạm tội diễn biến phức tạp… Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, trường học… phải nhận thức rõ việc triển khai thực hiện Thông tư 23 là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là cơ sở để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để triển khai thực hiện các tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự” theo Thông tư 23 được đi vào chiều sâu, tôi đề nghị các đơn vị, địa phương phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về quy định kiểm tra, đánh giá, phân loại xét công nhận đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” làm cơ sở cho việc bình xét khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa, phân loại tổ chức đảng và các hình thức khen thưởng khác. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 cho phù hợp với tình hình địa phương và để kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi…”.
Thiếu tướng Lương Ngọc Dương-Phó Cục trưởng V28, Bộ Công an trao cờ thi đua của Bộ Công an cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lê Anh |
Cũng tại Hội nghị sơ kết, UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận cho 57 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 16 tập thể, 12 cá nhân có thành tích 5 năm liền triển khai thực hiện tốt Thông tư 23 của Bộ Công an. Ngoài ra, Bộ Công an đã trao cờ thi đua cho 3 tập thể, trao bằng khen cho 9 tập thể; UBND tỉnh trao cờ thi đua cho 2 tập thể, trao bằng khen của UBND tỉnh cho 11 tập thể và 19 cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2017.
Lê Anh