(GLO)- Từ ngày 7-8. đến nay do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Trung Bộ nối với vùng áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa vừa đến rất to gây ngập úng cục bộ, một số nhà dân và hoa màu bị ngập.
Tại xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), mưa lớn khiến nước tại các suối dâng cao làm 166 hộ bị ngập khoảng 20-50 cm, những hộ ở vùng trũng thấp bị ngập sâu hơn 1 m. Cụ thể, các thôn: Đoàn Kết (24 hộ), Yên Hưng (70 hộ), Phung (22 hộ), Tân Thanh (16 hộ), Suối Khôn (26 hộ), làng Piơr 1 (4 hộ và làng Me (4 hộ). Một số tuyến đường trũng bị ngập gây chia cắt cục bộ, có nơi ngập trên 1,5 m gây sạt lở. Ngoài ra, có 8 ao cá (khoảng 1,5 ha) bị trôi và hơn 350 ha hoa màu đang sản xuất dọc theo các suối bị ảnh hưởng.
Nước ngập úng tại thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), nhiều nhà dân bị ngập nước. Ảnh: Lê Nam |
Bà Nguyễn Thị Chung (thôn Yên Hưng) cho hay: Từ trưa hôm qua (ngày 8-8), nước bắt đầu dâng nhanh khiến nhiều gia đình ở đây không kịp trở tay. Nhiều nhà chỉ kịp chuyển những đồ đạc có giá trị lên cao, những vật dụng còn lại trong nhà đều bị ướt hết hoặc bị trôi mất. “Tôi sống ở đây rất lâu rồi nhưng lần đầu tiên thấy trận lũ lên nhanh và cao như vậy. Nhà tôi cũng bị trôi một số vật dụng và bị sập hoàn toàn tường rào”-bà Chung nói. Ông Lê Văn Thanh (cùng thôn) cho biết: "Nước lên nhanh khiến cá trắm, diêu hồng, rô phi trong ao rộng khoảng 1 ha của gia đình tôi gần suối Ia Lốp bị trôi hết, ước thiệt hại khoảng 60 triệu đồng tiền giống".
Khi nước dâng cao, UBND xã Ia Piơr đã huy động 100% lực lượng Công an xã, lực lượng dân quân xã phối hợp với các lực lượng tại các thôn, làng ứng trực tại các nơi xung yếu và hỗ trợ vận chuyển tài sản cho người dân; sơ tán người từ nơi bị ngập, chia cắt đến nơi an toàn. Đến nay, có 24 hộ/85 người có nhà bị ngập sâu đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Bùi Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho hay: “Hiện mưa bắt đầu nhỏ dần và nước đang rút. Đảng ủy, UBND xã xác định nước rút đến đâu sẽ giúp người dân khắc phục đến đó để sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra. Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo Trạm y tế đảm bảo cơ số thuốc, đặc biệt chuẩn bị thuốc khử trùng để tiến hành vệ sinh môi trường tại các nơi bị ngập úng. Các thôn, làng tiếp tục vận động người dân tương trợ nhau, giúp đỡ những hộ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi nước trong các con suối còn dâng cao, chưa rút hết thì đề nghị những hộ đang ở nương, rẫy không về nhà vào thời điểm này hoặc không đi lại để đảm bảo an toàn tính mạng”.
Nước ngập trên đường và nhà dân ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Ảnh: Lê Nam |
Tương tự, ông Hoàng Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu (huyện Chư Prông)-cho biết, hiện các ngầm cầu thôn Cao Lạng, Phố Hiến, ngầm từ Phố Hiến (Đồng Tiến cũ) đi làng Đút nước dâng nhanh và ngập sâu. Trong đó, tại khu dân cư thôn Phố Hiến có 15 hộ dân bị ngập (20-50 cm) và hơn 200 hộ dân khu vực bên kia ngầm của thôn Phố Hiến và làng Đút bị cô lập cục bộ.
Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã đã phân công các thành viên, cán bộ công chức xã phụ trách các thôn, làng tuyên truyền, vận động bà con chủ động gia cố nhà cửa, đưa các vật dụng giá trị lên cao và thông báo đến các thôn, làng nghiêm cấm người dân không đi lại, ngủ lại qua đêm ở lều chòi, nương rẫy, đặc biệt tại các ngầm tràn và điểm dễ xảy ra lũ quét, sạt lở. Đồng thời, bố trí Công an và dân quân, cán bộ xã phối hợp với các thôn, làng trực gác ở 2 đầu các cầu ngầm để hướng dẫn người dân không được đi lại khi nước dâng cao nhằm đảm bảo tính mạng.
“Hiện tại khu dân cư làng Đút ngầm tràn còn ngập sâu nên chưa đi lại được. Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể xã vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng-chống mưa lũ theo phương án "4 tại chỗ", quyết tâm không để thiệt hại về người và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của bà con. Riêng thiệt hại về hoa màu của người dân canh tác dọc theo suối Cát, suối Lâu vẫn chưa thể thống kê được”-ông Long thông tin thêm.
Hình ảnh nước ngập, tràn vào nhà dân ở xã Ia Peng, huyện Phú Thiện. Clip: D.L
Tại huyện Phú Thiện, mưa lớn làm 444,7 ha diện tích cây trồng tại các xã Ia Hiao, Chrôh Pơnan, Ia Peng, Ia Yeng và Ia Sol bị ngập trong nước. Cụ thể, 314,8 ha lúa, 119,9 ha bắp, 5 ha rau ngót. Ngoài ra, một số điểm tại thôn Plei A, B, Plei Amil (xã Ia Sol) và một số khu vực tại xã Ia Hiao, Chrôh Pơnan, Ia Peng, Chư A Thai, Ia Yeng và thị trấn Phú Thiện bị ngập cục bộ.
“Ủy ban nhân dân xã, thị trấn đang huy động lực lượng dân quân phối hợp với các thôn khơi thông dòng chảy kịp thời. Lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã xuống địa bàn các thôn bị thiệt hại để kiểm tra tình hình và chỉ đạo UBND xã, thị trấn, lực lượng dân quân và người dân các thôn tổ chức có biện pháp xử lý, khắc phục tạm thời, ổn định cuộc sống”-Trưởng Phòng Nông ngiệp và PTNT huyện Phú Thiện Bùi Trọng Thành thông tin.
Còn tại huyện Chư Pưh, có các ngầm ở thôn Phú Bình và ngầm 1, 2, 3 đường vào 2 thôn Ia Jol và Ia Brel (xã Ia Le) bị ngập, xói lở gây khó khăn cho việc lưu thông. Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Xã đã thành lập 2 chốt ở 2 đầu cầu ngầm của thôn 6 và thôn Ia Jol không cho người dân qua lại. Đến thời điểm này, toàn xã thiệt hại 4 ha hoa màu và ngầm số 2 đi vào 2 thôn Ia Jol và Ia Brel.
Tại thị xã Ayun Pa, mực nước trên lưu vực sông Ba tại Trạm Thủy văn Ayun Pa là 153,45 m, trên báo động 1 là 47 cm. Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế-cho biết, qua rà soát sơ bộ có 65,4 ha lúa, 3,6 ha mì, gần 1 ha rau màu và 0,5 ha ao cá bị thiệt hại.
Lực lượng chức năng xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) ứng trực 2 bên cầu tràn để không cho người dân qua lại khi nước lớn. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Bình-Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh-cho biết: Dự báo trong 24 giờ tới trên sông Ba tại Trạm Ayun Pa, lũ tiếp tục tăng có khả năng vượt báo động 1 từ 0,7 đến 1 m. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa cần đề phòng ngập lụt xảy ra ở khu dân cư, vùng trũng thấp ven sông.
Các địa phương triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT-Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên thông báo, cảnh báo kịp thời qua Zalo các bản tin cảnh báo mưa giông của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đến Ban Chỉ huy PCTT vàTKCN các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng để chủ động phòng-chống hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
LÊ NAM - NGUYỄN DIỆP