Con đường bê tông quanh co xanh mát bóng cây dẫn lối chúng tôi vào thăm làng. Từ ngã rẽ vào khuôn viên nhà rông văn hóa có vài ngôi nhà sàn được dựng lên hoàn toàn bằng gỗ, mái ngói đã nhuốm màu thời gian. Anh Nguyễn Anh Hùng-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Hà Tam-cho biết: Làng Hway có 167 hộ với 742 khẩu, 100% là người Bahnar. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp.

Ngôi nhà rông văn hóa bằng gỗ, lợp mái tôn còn khá mới và khang trang. Phía trước hiên nhà rông có dựng những cây cột (tiếng Bahnar là ktun) được trang trí hoa văn truyền thống trông khá độc đáo. Những họa tiết mô phỏng hình ảnh thiên nhiên, hoa lá, động vật hoặc mô tả các câu chuyện dân gian, không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn thể hiện quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Bên cạnh còn có 1 ngôi nhà khách lợp mái tranh khá đẹp và mát mẻ. Đây là nơi dành cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, nghe kể những câu chuyện về đất và người làng Hway trong hành trình khám phá, dựng xây và phát triển của mình.
Năm 2023, một số người dân làng Hway được chọn tham gia tập huấn về du lịch cộng đồng. Mọi người được hướng dẫn, bồi dưỡng các kỹ năng du lịch, phục vụ ẩm thực, lưu trú, thuyết minh… tạo nguồn nhân lực bài bản hơn để phát triển hoạt động du lịch tại địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, du khách vẫn chưa biết nhiều về ngôi làng này.
Cũng trong năm 2023, làng Hway chính thức thành lập 3 đội cồng chiêng, trong đó có 1 đội cồng chiêng nữ. Mỗi đội 15-17 thành viên, thường xuyên tập luyện tại nhà rông văn hóa.
“Nếu du khách có nhu cầu trải nghiệm những giá trị văn hóa giàu bản sắc từ người dân bản địa thì có thể liên hệ trước với UBND xã Hà Tam. Khi đó, đội cồng chiêng sẽ có thời gian chuẩn bị đón khách, bởi công việc chính của người dân vẫn hàng ngày lên rẫy canh tác”-anh Hùng cho hay.

Khi ngỏ ý muốn tìm hiểu về đời sống của dân làng, anh Hùng đưa chúng tôi đến thăm nhà bà Đinh Thị Blõng-một gia đình 3 thế hệ đặc trưng của làng Hway. Ngôi nhà sàn 2 gian khang trang còn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống từ bao đời nay. Những chiếc gùi xinh xắn, tinh xảo để bên góc nhà do các con của bà đan.
Đi vào phía trong nhà, chúng tôi thấy những ghè rượu được ủ sẵn dành cho những dịp vui của gia đình hay ngày hội làng...
Bên cạnh những ngôi nhà xây khang trang, vững chắc vẫn còn khá nhiều những nếp nhà sàn đặc trưng của người địa phương với những hàng củi được xếp ngay ngắn, thẳng tắp bên hông và dưới gầm nhà sàn. Đây được xem là thước đo cho sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ trong gia đình.

Chúng tôi thong dong đi về phía cuối làng, nơi có ngôi nhà rông nép mình bên cây gạo đang vào mùa hoa. Nắng tháng ba hanh vàng, sắc hoa đỏ rực rỡ cả một khoảng sân rộng tô điểm cho bức tranh nơi làng xa thật thi vị và yên bình. Phía sau là núi đồi, những cánh đồng xanh ngát, thấp thoáng hình ảnh bà con đang lao động, sinh hoạt.
Làng Hway có 2 ngôi nhà rông. Tại ngôi nhà rông mang giá trị tâm linh và tín ngưỡng này, dân làng thường tổ chức các lễ hội truyền thống như: mừng nhà rông mới, mừng lúa mới...
Tiếp tục di chuyển, điểm đến đón chúng tôi là khu nhà mồ nép dưới tán cây cổ thụ. Người Bahnar khu vực này vẫn còn thực hiện nghi lễ bỏ mả (pơ thi) trong đời sống tâm linh. Những gia đình có đủ điều kiện kinh tế, họ tổ chức lễ bỏ mả với ý nghĩa tiễn biệt, chia tay người chết về thế giới bên kia.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ-thông tin: Với những ưu thế sẵn có, huyện đã chủ trương định hướng kết nối, hình thành tour du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bahnar trên địa bàn huyện, trong đó có làng Hway.
Tiếp theo, huyện sẽ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, từ đó tạo sinh kế, nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đời sống người dân.