(GLO)- Dù liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công, cướp tài sản… song chưa một phút giây nào ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nghĩ đến việc từ bỏ ngư trường Hoàng Sa. Với họ, mỗi chuyến dong thuyền ra Hoàng Sa, ngoài việc đánh bắt thủy sản để nuôi sống gia đình còn là hành động trực tiếp thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống hào hùng của tổ tiên họ, những người lính của Hải đội Hoàng Sa năm xưa.
Liên tục bị tấn công, cướp tài sản
Đã hơn 2 tuần sau vụ tàu cá QNg 96416 TS bị tàu Trung Quốc tấn công trên vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) nhưng khi nhắc lại sự việc, ngư dân Nguyễn Tiền (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) vẫn không giấu nổi sự bức xúc. Ông Tiền kể, trưa 7-5, khi tàu đang đánh bắt ở vị trí gần đảo Côn Linh thì anh em phát hiện một chiếc tàu chiến của Trung Quốc mang số hiệu 1241 tiến lại gần. Vừa dùng loa yêu cầu tàu QNg 96416 TS dừng lại, tàu chiến Trung Quốc vừa bắn đạn cao su về phía 16 ngư dân trên tàu QNg 96416 TS. Trước tình thế nguy hiểm này, thuyền trưởng kiêm chủ tàu Nguyễn Lộc buộc phải cho tàu bỏ chạy trong sự truy đuổi gắt gao của tàu chiến Trung Quốc.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi. Ảnh: L.A |
Sau khoảng 3-4 giờ truy đuổi nhưng không bắt được tàu cá QNg 96416 TS của anh Nguyễn Lộc, tàu chiến Trung Quốc điện báo cho một tàu ngư chính của Trung Quốc đến tiếp sức. Hai chiếc tàu Trung Quốc tạo thành thế gọng kìm dồn tàu cá của anh Lộc vào giữa. Đến khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, tàu chiến Trung Quốc đã kẹp sát tàu QNg 96416 TS để chiếc tàu ngư chính đâm trực tiếp vào hông tàu. “Cú tông quá mạnh khiến toàn bộ cửa kính, vách ngăn trên tàu chúng tôi bị vỡ nát. Máy tầm ngư, máy liên lạc cũng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do tàu Trung Quốc gây ra khoảng 400 triệu đồng”-ông Nguyễn Tiền cho biết. Sau khi tàu ngư chính Trung Quốc bỏ đi, anh em ngư dân trên tàu QNg 96416 TS vội vàng sửa chữa những hỏng hóc rồi thu lưới cho tàu rồi trở về Lý Sơn.
Đúng 10 ngày sau vụ tàu cá của anh Nguyễn Lộc bị đâm, đến lượt tàu cá QNg 96001 TS của anh Huỳnh Tấn Được (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản trên vùng biển Hoàng Sa. Theo ông Nguyễn Quốc Chinh-Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, vào lúc 16 giờ ngày 17-5, Văn phòng Nghiệp đoàn nhận được tin báo của tàu QNg 96001 TS cho biết, tàu đang bị 2 tàu Trung Quốc, trong đó có 1 chiếc màu trắng mang số hiệu 21102 rượt đuổi tại vị trí cách đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 hải lý. Sau khi kẹp sát được tàu của anh Được, lực lượng trên tàu Trung Quốc nhảy qua dùng búa và dùi cui tấn công tới tấp lên 13 ngư dân trên tàu QNg 96001 TS. Tiếp đó, chúng hung hãn cướp đi 2 máy Icom, 1 máy định vị, 1 máy tầm ngư và dùng búa đập phá toàn bộ kính trên cabin tàu, bằm nát 2 chiếc thúng chai và vứt những trang-thiết bị đánh cá trên tàu xuống biển. Chưa dừng lại ở đó, trước khi bỏ đi, lực lượng trên tàu Trung Quốc còn mở nắp hầm đông lạnh, lấy khoảng 6 tấn cá trên tàu trút xuống biển.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chinh, tình trạng ngư dân Lý Sơn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa bị lực lượng của Trung Quốc tấn công, cướp tài sản, bắt giữ đã diễn ra từ hơn chục năm nay. Trước đó, lực lượng của Trung Quốc chỉ xua đuổi và ngăn cản hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân ta. “Thời gian gần đây, lực lượng của Trung Quốc bắt đầu hoành hành mạnh, gây thiệt hại lớn cho ngư dân Lý Sơn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, ở xã An Hải đã có 8 tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Còn tình trạng tàu Trung Quốc dí đuổi tàu cá của ngư dân Lý Sơn nhưng không cướp được tài sản là chuyện quá bình thường”-ông Chinh cho biết.
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền thăm và động viên ngư dân Lý Sơn. Ảnh: L.A |
Vẫn một lòng gắn bó với Hoàng Sa
Với những ngư dân Lý Sơn bây giờ, mỗi chuyến dong thuyền ra Hoàng Sa đánh bắt là một lần đối diện sự hống hách, bạo ngược từ phía lực lượng của Trung Quốc. Thế nhưng ngay cả với những người từng bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản như anh Lâm Thành Nổi (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, chủ tàu QNg 96184 TS) thì chuyện rời bỏ ngư trường Hoàng Sa là điều chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ. Anh Nổi cho biết, đầu tháng 1-2014, trong khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tàu của anh đã bị lực lượng của Trung Quốc đi trên tàu ngư chính và tàu chiến tấn công, đánh đập ngư dân và cướp tài sản, thiệt hại tổng cộng gần 400 triệu đồng. Sau khi trở về đất liền sửa chữa tàu, mua sắm ngư cụ, anh lại tiếp tục đưa tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. “Ngư trường Hoàng Sa là nơi bao đời nay cha ông chúng tôi đã khai thác. Đó là lãnh thổ của Việt Nam nên chúng tôi phải quyết tâm giữ lấy”-anh Nổi tâm sự.
Sáng 20-5, trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền-Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đến thăm và động viên ngư dân trên đảo Lý Sơn. Tại đây, sau khi nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con ngư dân, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bà con ngư dân. Các lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ trên biển sẵn sàng bảo vệ để ngư dân đánh bắt an toàn. Hơn bao giờ hết, trong lúc này bà con ngư dân phải phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc, kiên cường, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc”. |
Cũng có cùng suy nghĩ ấy, ông Nguyễn Tiền, người từng có gần 30 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa cho biết: “Có gì mà phải sợ. Đó là vùng biển của mình nên việc mình ra đó đánh bắt là điều đương nhiên. Kể cả khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và điều lực lượng ra đó, chúng tôi vẫn ra đánh bắt như bình thường”. Ông Tiền cho biết thêm, ngay sau khi tàu QNg 96416 TS sửa chữa xong, ông và anh em ngư dân trên tàu sẽ tiếp tục lên đường ra ngư trường Hoàng Sa khai thác.
Không chỉ anh Nổi, ông Tiền mà tất cả những ngư dân trên đảo Lý Sơn đều có chung một quyết tâm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngạo ngược tấn công, cướp tài sản của ngư dân ta, không chỉ ngư dân mà toàn bộ người dân Lý Sơn đều hết sức bức xúc. Mới đây, khi Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải tổ chức phát động ngư dân ra khơi bám biển, khẳng định chủ quyền, anh em ngư dân đều tỏ ra hết sức quyết tâm. “Không ra khơi, không bám biển là đi ngược với truyền thống của ông cha, là có tội với con cháu mai sau. Dù Trung Quốc có cướp hết tài sản, thậm chí giết chết, anh em ngư dân vẫn kiên quyết bám biển Hoàng Sa. Mỗi ngư dân sẽ nguyện làm một cột mốc sống trên biển để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”-ông Chinh nói.
*
Ba bốn trăm năm trước, từ Lý Sơn, những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa đã không quản máu xương dong thuyền vượt sóng ra cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Và bây giờ, cũng trên hòn đảo tiền tiêu này, bất chấp sóng to gió lớn, bất chấp hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, những con tàu mang theo lá cờ đỏ sao vàng của lớp con cháu những hùng binh Hoàng Sa năm xưa vẫn ngày ngày hiện diện trên ngư trường Hoàng Sa như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo này.
Vĩnh Phúc-Lê Anh